Thực hiện Quyết định 1163 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch của UBND tỉnh về Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 và hướng đến xây dựng hạ tầng, hệ thống thương mại của tỉnh phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh, bền vững là những căn cứ, mục tiêu giúp các ngành, địa phương chủ động triển khai bằng những chương trình, giải pháp phù hợp.
Có lộ trình, đảm bảo tiến độ
Chiến lược phát triển thương mại đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn được UBND tỉnh xác định: Trong giai đoạn 2021-2030 phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 9-10%/năm, đến năm 2030 đóng góp khoảng 10-11% vào GDP của tỉnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chưa loại trừ yếu tố giá đạt tốc độ tăng bình quân 13-14%/năm… Giai đoạn 2031-2045 phấn đấu giá trị tăng thêm thương mại trong tỉnh đạt tốc độ tăng bình quân khoảng 8,5-9%/năm; đến năm 2045 đóng góp khoảng 11-12% vào GDP của tỉnh…
Để đạt được mục tiêu này, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện đảm bảo thực chất, không chiếu lệ, hình thức, thụ động và đề ra 9 nhiệm vụ, giải pháp phải triển khai gồm: Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quản lý hoạt động thương mại theo cam kết quốc gia và quốc tế; phát triển doanh nghiệp phân phối, gắn kết lưu thông với sản xuất, cung ứng; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại, thương mại điện tử, các loại hình thương mại dựa trên nền tảng số hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền...
Là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và địa phương thực hiện các nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả theo kế hoạch của tỉnh, Sở Công thương luôn phối hợp với các ngành chức năng triển khai, thực hiện nhiều giải pháp để cụ thể hóa chiến lược phát triển thương mại trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Cùng với quy mô, cơ sở hạ tầng thương mại của tỉnh, sở tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các chính sách thu hút đầu tư vào phát triển thương mại trong nước, cơ chế chính sách nhằm tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nội địa. Sở cũng theo dõi tình hình, tổ chức giám sát quá trình thực hiện, kịp thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh đối với những vấn đề phát sinh. Nhằm thực hiện các mục tiêu theo đúng tiến độ, lộ trình, đơn vị mong muốn các ngành, địa phương chủ động, thông tin với sở để có giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế.
Huyện miền núi Sơn Hòa luôn nỗ lực thu hút đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển… cho khu vực trung tâm và các khu vực lân cận khác. Ảnh: VÕ PHÊ |
Thu hút, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Tại TP Tuy Hòa, những năm qua, cơ sở hạ tầng thương mại, quy mô các chợ truyền thống, siêu thị, điểm bán được đầu tư khang trang hơn, ngày càng nhiều hơn về số lượng với 6 siêu thị, 14 chợ và nhiều cửa hàng kinh doanh quy mô lớn. Thành phố cũng đã có trung tâm thương mại phục vụ hoạt động mua bán, vui chơi, giải trí của người dân. Theo UBND TP Tuy Hòa, ngoài việc tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phát triển thương mại phù hợp với quy hoạch, phân bổ và sử dụng vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại bảo đảm đúng mục đích, địa phương còn tích cực thu hút đầu tư vào lĩnh vực này. TP Tuy Hòa cũng đã bố trí quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại phù hợp với điều kiện và trình độ phát triển của từng giai đoạn; bảo đảm trật tự đô thị, tạo diện mạo cho hoạt động thương mại ngày càng hiện đại.
Vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại TX Sông Cầu, ông Phan Trần Vạn Huy, Chủ tịch UBND TX Sông Cầu, cho biết: Đối với việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt, mua bán của người dân ở các khu dân cư, địa phương đã tuyên truyền, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh đầu tư, nâng cấp, mở rộng mô hình, quy mô hoạt động. Tuy cơ sở hạ tầng thương mại hiện nay có thể đáp ứng được nhu cầu người dân địa phương nhưng để tạo môi trường kinh doanh hiện đại, khang trang, Sông Cầu đang xây dựng các hạng mục, hoàn thiện hồ sơ thi công chợ trung tâm để có thể xây dựng chợ mới vào năm 2022. Địa phương cũng đang trong quá trình tổ chức để một số doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu, đầu tư trung tâm thương mại, siêu thị… cho một số khu vực khác trên địa bàn thị xã.
Ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh, cho hay: Cùng với các nhà đầu tư lớn đến từ các tỉnh, doanh nghiệp Phú Yên có nhu cầu đầu tư lĩnh vực thương mại đa phần là doanh nghiệp nhỏ, trẻ, muốn phát triển các mô hình thương mại dịch vụ. Hội đã hướng cho các doanh nghiệp phát triển cung ứng các loại hình dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Chúng tôi cũng khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp liên kết, hợp tác, tạo mối liên kết bền vững trong hoạt động thương mại. Tiếp tục kết nối, phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, Hội Doanh nghiệp tỉnh mong muốn chính quyền các địa phương, ngành chức năng của tỉnh có chính sách, tạo điều kiện, cơ hội hơn nữa để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong công tác đầu tư, hoạt động tại tỉnh.
Chú trọng thương mại nông thôn, miền núi, hải đảo
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển các loại hình thương mại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo gắn liền với quy mô, trình độ phát triển sản xuất, kinh doanh, UBND tỉnh cũng đã đề ra mục tiêu cho giai đoạn 2021-2025 là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo của tỉnh đạt mức tăng trưởng trên 9%/năm. Số lượng thương nhân, doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại ở khu vực này tăng trung bình từ 8% năm; hệ thống phân phối hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo chuỗi, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trên thị trường...
“Duy trì thực hiện mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm với mong muốn mở rộng phạm vi phục vụ và được các địa phương, ngành chức năng tạo điều kiện nên mới đây, công ty đã liên kết mở thêm siêu thị ở huyện Sơn Hòa và đang xây dựng hạ tầng cơ sở để tiếp tục đưa chuỗi cung ứng sản phẩm chất lượng đến với người dân các địa phương khác”, bà Phạm Thị Hằng Vy, đại diện Công ty TNHH Thương mại Vi Long nói.
Để công tác đầu tư phát triển thương mại của huyện miền núi được bài bản, phù hợp với quy hoạch, huyện Sông Hinh đã xây dựng các phương án thực hiện cụ thể theo lộ trình của chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, chia sẻ: Ở những khu vực đặc thù, huyện cũng cân đối ngân sách để hỗ trợ đầu tư, thu hút thêm các nguồn lực khác cho phát triển hạ tầng thương mại. Đồng thời liên tục phối hợp với các ngành, đơn vị triển khai các chương trình thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ nông sản, gắn với mô hình điểm bán sản phẩm đặc trưng, hàng Việt…; hỗ trợ thực hiện dịch vụ vận chuyển hàng hóa đến tất cả các khu vực miền núi.
Còn theo UBND huyện Đồng Xuân, địa phương hiện có 13 chợ truyền thống đang hoạt động. Hàng năm, từ các nguồn vốn, địa phương đầu tư, sửa chữa hạ tầng các chợ. Với kế hoạch xây dựng nông thôn mới, ở các khu vực khó có thể hình thành chợ, địa phương phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn, xây dựng các cửa hàng tiện lợi, phục vụ sinh hoạt của người dân. Dù vậy, địa phương vẫn phải cố gắng nâng cấp hạ tầng, nhất là ở khu vực cách xa trung tâm để hoạt động thương mại diễn ra bền vững, hiện đại hơn.
Cần có cơ chế chính sách; xây dựng mô hình, khuyến khích, thúc đẩy phát triển các mặt hàng là tiềm năng, lợi thế; phát triển thương mại hàng hóa, dịch vụ gắn với hoạt động du lịch biển đảo, nông thôn. Công tác tuyên truyền; tổ chức, phát triển đội ngũ thương nhân, doanh nghiệp, hệ thống dịch vụ hỗ trợ; nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp cũng cần được đẩy mạnh. Đây cũng chính là những giải pháp được UBND tỉnh xây dựng, chỉ đạo triển khai nhằm tạo sự hài hòa giữa phát triển thương mại ở khu vực này với các vùng miền khác.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương |
VÕ PHÊ