Thực hiện phương án ứng phó trong mùa thiên tai, bão lũ sắp đến, ngành Công thương, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp chủ động dự trữ nguồn hàng hóa thiết yếu, xăng dầu… để có thể phục vụ nhu cầu người dân trong mọi tình huống.
Có phương án, đảm bảo nguồn hàng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cũng như mọi năm, để triển khai công tác phòng chống lụt bão, dự trữ hàng hóa cho mùa mưa lũ, Sở Công thương đã thống nhất cho một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có khả năng cung ứng, dự trữ nguồn hàng lớn, đáp ứng kịp thời cho người dân khi lụt bão xảy ra trên địa bàn tỉnh. Việc dự trữ, vận chuyển, cung ứng hàng hóa cũng sẽ được thực hiện theo phương châm tại chỗ, chủ động, bảo đảm yêu cầu về số lượng, chất lượng, chủng loại và không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa. Theo kế hoạch, nguồn hàng được dự trữ trong năm nay bao gồm: 33.500 thùng mì ăn liền, 300 tấn gạo, 7.800 thùng nước uống đóng chai, hơn 358.000 lít xăng, 356.000 lít dầu diezen, 29.000 lít dầu hỏa, 50.000m2 tấm lợp, 10 tấn đinh vít, dây thép…
Không chỉ dự trữ hàng hóa mà công tác vận chuyển, kiểm soát thị trường… cũng được các đơn vị đặc biệt quan tâm. Ông Đặng Văn Lái, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Nghề Phú Yên, cho hay: Chúng tôi chuẩn bị 5 xe tải (trọng lượng từ 5-10 tấn), cùng một số dụng cụ cần thiết để sẵn sàng cho công tác vận chuyển hàng hóa thiết yếu đến các địa phương khi có yêu cầu của tỉnh.
Còn theo ông Huỳnh Trang, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh, trong mùa mưa bão năm nay, các đội quản lý thị trường phụ trách tại các địa phương sẽ tăng cường tuần tra, theo dõi, bám sát tình hình bão lũ; tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường. Các lực lượng tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát các mặt hàng xăng dầu, lương thực, thực phẩm thiết yếu, vật liệu xây dựng... phục vụ nhu cầu của người dân trước, trong và sau bão lũ; đồng thời xử lý, ngăn chặn kịp thời các hành vi lợi dụng thiên tai để đầu cơ găm hàng, tự ý nâng giá bất hợp lý.
Sẵn sàng phục vụ người dân
Vừa phục vụ hàng hóa thiết yếu cho người dân từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay và tiếp tục dự trữ nguồn hàng cho mùa mưa bão sắp tới là một trong những khó khăn đối với các doanh nghiệp, cơ sở cung ứng. Nhưng để thực hiện đúng cam kết, các doanh nghiệp trên địa bàn luôn nỗ lực, chủ động và sẵn sàng đưa hàng hóa đến tay người dân ở các khu vực xảy ra thiên tai. Bà Dương Thị Khá, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vạn Phúc (TP Tuy Hòa), cho biết: Do khó khăn trong khâu sản xuất, vận chuyển nên hàng hóa tại doanh nghiệp chỉ được 1/4 so với sức chứa của các kho hàng. Dù vậy, chúng tôi vẫn liên tục phục vụ người dân trong các thời điểm, không để thiếu hàng hóa thiết yếu. Với những mặt hàng có sức tiêu thụ cao như mì ăn liền, doanh nghiệp đã liên hệ với các nhà sản xuất ở Bình Dương, TP Hồ Chí Minh chuyển hàng về trong vài ngày tới.
Với mặt hàng xăng, dầu, theo ông Trần Văn Hùng, Phó Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Phú Yên (Petrolimex Phú Yên), triển khai phương án ứng phó với mùa mưa bão năm nay, tại 1/33 cửa hàng trực thuộc chi nhánh sẽ luôn có sẵn 50.000 lít xăng, dầu. Chi nhánh cũng đã phổ biến, quán triệt tinh thần, nội dung các phương án ứng phó cho tất cả nhân viên ở các cửa hàng; đảm bảo cung ứng tại chỗ cho người dân các khu dân cư, hoặc vận chuyển đến các khu vực khi cần.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết thêm: Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Sở Công thương đã vận động các doanh nghiệp nỗ lực liên kết, chuẩn bị đủ lượng hàng hóa thiết yếu, nhiên liệu… để khi tình hình bão lũ diễn biến phức tạp sẽ cung ứng kịp thời cho người dân. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã và đang được triển khai theo đúng kế hoạch. Sở cũng đã huy động lực lượng sinh viên các trường học trên địa bàn tham gia bốc xếp hàng hóa; phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn trong việc tiếp nhận và giao hàng hóa trực tiếp đến các địa phương theo đúng chỉ đạo của tỉnh.
Theo UBND các huyện, thị xã, thành phố, các địa phương đã xây dựng phương án đảm bảo vật tư, trang thiết bị cần thiết; phân công đầu mối cung cấp thông tin về tình hình lụt bão cho các ngành chức năng để cung ứng lương thực, thực phẩm kịp thời. Các địa phương cũng huy động lực lượng để hỗ trợ doanh nghiệp, ngành chức năng trong khâu vận chuyển, bốc xếp, tiếp tế lương thực cho người dân ở các khu vực bị chia cắt, cô lập khi xảy ra bão lũ. |
VÕ PHÊ