Sau rất nhiều nỗ lực của toàn hệ thống chính trị với mọi giải pháp cấp bách được triển khai nhằm ngăn chặn và kiểm soát dịch COVID-19 trên phạm vi cả nước, đặc biệt là việc phủ rộng vaccine tới toàn thể cộng đồng xã hội đang cho thấy, những tín hiệu tích cực để nền kinh tế đất nước từng bước bắt đầu khôi phục.
Ở nhiều địa phương, ngành nghề và lĩnh vực đã bước đầu thích nghi và làm quen với khái niệm "sống chung" cùng dịch bệnh. Mọi doanh nghiệp không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K của Bộ Y tế, mà còn rà soát, lập kế hoạch và bố trí nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch tại nơi làm việc.
Cùng đó, các doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến quy định phòng chống dịch và ban hành chế tài xử lý vi phạm nếu người lao động không tuân thủ; điều chỉnh thời giờ làm việc giãn cách để hạn chế tập trung đông người. Thậm chí, khi diễn biến dịch bệnh căng thẳng, không ít doanh nghiệp trực tiếp sản xuất còn phải đáp ứng các điều kiện "3 tại chỗ" hoặc "2 cung đường, 1 điểm đến"...
Trước tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng giảm nhiệt, bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), cho rằng song song với những nỗ lực phòng chống dịch bệnh và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người dân, Chính phủ và các địa phương cũng sớm có giải pháp để hài hòa các chính sách mở cửa nền kinh tế.
Đại dịch COVID-19 đã tác động rất lớn tới các doanh nghiệp và theo một khảo sát do Amcham thực hiện, có tới 15% doanh nghiệp thành viên đã phải ngừng hoạt động, 50% số doanh nghiệp đã giảm 50% lao động. Các con số doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc ngừng hoạt động một phần vẫn tiếp tục tăng kể từ khi khảo sát được thực hiện vào đầu tháng Bảy tới nay.
“Với việc thực hiện các biện pháp để mở cửa nền kinh tế như mô hình “3 tại chỗ” dù hỗ trợ rất nhiều cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, nhưng đây cũng không phải mô hình tối ưu trong giai đoạn COVID-19, hiện nay," đại diện Amcham cho hay.
Cùng đồng tình quan điểm trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam, cho biết thời gian qua, do nhiều doanh nghiệp phải thực hiện "3 tại chỗ" nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh; đồng thời, phải giảm 50% số lao động làm việc.
Yêu cầu thiết lập định kỳ và thường xuyên các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động cũng khiến phát sinh thêm nhiều chi phí. Do vậy, bà Xuân kiến nghị, để thực hiện chủ trương phối hợp và chia sẻ giữa doanh nghiệp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), các địa phương nên để doanh nghiệp chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty để tổ chức xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng.
Mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông, giao dịch. Song song đó, CDC cũng sẽ xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng và như vậy, đảm bảo mỗi công nhân sẽ được xét nghiệm 3 lần mỗi tháng.
Vấn đề lưu thông, giao nhận vận chuyển hàng hóa cũng đang là nội dung rất nóng và được nhiều người quan tâm. Nhất là khi chủ trương nới lỏng giãn cách xã hội chưa có sự thống nhất và triển khai đồng bộ ở một số địa phương giáp ranh khiến việc thông thương bị ảnh hưởng.
Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam Nguyễn Duy Minh cho rằng do chưa có sự đồng bộ hóa liên tỉnh, thành phố về các chính sách vận tải hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nên các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xem xét lại nguyên tắc phòng chống dịch; “tiếp xúc an toàn” chứ không phải là lượng người tham gia giao thông hay các hoạt động làm việc ít hay nhiều.
Trong bối cảnh hiện nay, cần tháo gỡ những khó khăn về chính sách hạn chế người đi đường trong ngành logistics, bao gồm cả các công chức hải quan và các bộ ngành có liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu. Ngoài ra, nhanh chóng đẩy mạnh phát triển vận tải hàng không để phục vụ xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản cho kịp thời vụ.
Đại diện Hiệp hội Logistics Việt Nam cũng kiến nghị tiếp tục giảm các loại thuế, phí, lãi xuất ngân hàng như giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho người lao động. Đồng thời, giãn thời gian nộp thuế từ 6-12 tháng; giảm lãi suất cho vay tương ứng mức 30% lãi suất năm; giảm 50% tiền thuê đất cho hai năm 2020-2021 và giãn thời gian nộp tiền thuê đất trong 12 tháng cho năm 2020 và năm 2021.
Ngoài ra, hiệp hội cũng đề nghị giảm giá điện, nước phục vụ sản xuất kinh doanh; giảm 50% phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giãn thời gian nộp từ 6-12 tháng. Song song đó, triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, như gói cho vay phục hồi sản xuất lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp ngành vận tải-logistics; cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp thuộc ngành này không quá 24 tháng; các khoản nợ phát sinh trước 1/5/2021 cũng được cơ cấu nợ...
Một trong số nhiều ý kiến từ doanh nghiệp đề xuất giải pháp hỗ trợ, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, cho rằng đa số các doanh nghiệp đều ý thức được nguồn lực từ phía Chính phủ không phải là nhiều và để hỗ trợ số lượng lớn các doanh nghiệp gặp khó khăn hiện nay thì nguy cơ mất cân đối thu chi ngân sách là rất cao.
Tuy nhiên, muốn tối ưu hóa các chính sách hỗ trợ mà Chính phủ đang triển khai thì cần xem xét lại và giảm thiểu một số chi phí cho doanh nghiệp ở mức hợp lý. Hiện các doanh nghiệp đang bị mất cân đối dòng tiền nên việc giãn nợ hay tác động tới hệ thống các tổ chức tín dụng để duy trì hạn mức tín dụng cho những doanh nghiệp nào hoạt động tốt, có uy tín là rất cần thiết.
Thậm chí, tiếp tục giảm lãi suất cho vay của ngân hàng bởi so với mức độ ảnh hưởng và thực trạng của các doanh nghiệp hiện nay mặt bằng lãi suất cho vay vẫn đang ở mức rất cao. Điều quan trọng nhất là xây dựng kênh thông tin 2 chiều. Cụ thể là giữa doanh nghiệp và chính quyền các địa phương; giữa cấp cơ sở với Trung ương trong việc xây dựng các quy chế hỗ trợ hay triển khai các chính sách của Nhà nước và của các tỉnh, thành phố tới doanh nghiệp.
Theo TTXVN/Vietnam+