Đó là mô hình của ông Phạm Sơn Tùng ở thôn Tân Lập, xã Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh). Nhờ nuôi ốc bươu đen, gia đình ông có nguồn thu nhập cao.
Năm 2020, ông Tùng mạnh dạn xây dựng 5 bể bạt trên diện tích hơn 400m2 và thả nuôi 10kg ốc giống. Ông Tùng cho biết: Ốc này sống trong môi trường nước ngọt, nguồn thức ăn chủ yếu là các loại thực vật, trái cây sẵn có. Thịt ốc bươu đen đang được thị trường ưa chuộng nên dễ tiêu thụ với giá cao. Từ nuôi ốc thương phẩm, năm vừa qua tôi xuất bán 3 đợt, mỗi đợt khoảng 350kg với giá 70.000 đồng/kg. Chỉ tính riêng từ nuôi ốc, gia đình tôi có thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Để bán được giá cao như vậy, ông Tùng phải chọn nguồn giống ốc thuần chủng, tức là ốc bươu đen ta chứ không phải ốc lai với ốc bươu vàng. Trong khi đó, nguồn giống ốc chủ yếu là giống thuần bắt ngoài tự nhiên tại địa phương nên số lượng có hạn. Để đảm bảo ốc giống cho việc nuôi thương phẩm, ông đã tiến hành nhân giống. “Trong tự nhiên, tỉ lệ trứng ốc nở chỉ 10%. Thấy vậy tôi tiến hành lấy trứng ốc vào nơi mát và đem ấp để tạo nguồn giống. Trứng ốc bươu đen cần môi trường ẩm nên hàng ngày phải canh xịt nước, nhờ đó tỉ lệ trứng nở đạt 90% và 1kg trứng nở từ 12.000-18.000 con”, ông Tùng cho biết.
Với cách nuôi tự nhiên, sản phẩm ốc của gia đình ông Tùng rất được nhiều người dân ưa chuộng. Chị Phan Thị Phượng, một khách hàng mua ốc của nhà ông Tùng cho biết: Bạn bè giới thiệu tôi tới đây mua ốc. Tôi ăn thấy rất ngon, thịt ốc dai và ngọt. Tôi cũng yên tâm vì ốc nuôi sạch, không hóa chất.
Theo ông Nông Văn Trình, Chủ tịch UBND xã Đức Bình Đông, mô hình này được đánh giá cao vì ông Tùng biết tận dụng nguồn con giống tự nhiên, nguồn thức ăn sẵn có và áp dụng kỹ thuật nuôi, phù hợp thị hiếu và yêu cầu khách hàng. Mô hình cũng mang lại giá trị kinh tế cao, có thể nhân rộng để góp phần nâng cao đời sống kinh tế hộ tại địa phương.
NGỌC LY - BẠCH VÂN