Thứ Năm, 16/01/2025 02:36 SA
Phân loại rác thải để bảo vệ môi trường bền vững
Thứ Tư, 15/09/2021 11:35 SA

Mô hình phân loại rác thải tại chợ Tuy Hòa. Ảnh:MINH DUYÊN

Rác chỉ chôn lấp thông thường vừa lãng phí vừa tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường khi không được xử lý đúng. Phân loại rác thải là giải pháp tối ưu góp phần giảm nguồn thải, đồng thời tái sử dụng để bảo vệ môi trường (BVMT).

 

Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và công nghệ Việt Nam và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam chuyên nghiên cứu về vấn đề rác thải tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, trong đó có Phú Yên. Các kết quả nghiên cứu đều đi tới kết luận chỉ có phân loại rác thải mới BVMT một cách bền vững.

 

Tầm quan trọng

 

Theo Sở TN-MT, sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, các hội đoàn thể, cá nhân trong việc nhân rộng các mô hình điểm, tác động vào ý thức của mỗi người sẽ giúp công tác phân loại rác từ nguồn sớm được triển khai rộng khắp.

ThS Trần Thị Hoa, Giám đốc GreenHub cho biết: Kết quả khảo sát các địa điểm ở Phú Yên cho thấy, trong tổng lượng rác thì rác thải hữu cơ chiếm 80%, còn lại là rác thải tái chế, rác thải không thể tái chế và rác thải nguy hại. Rác không được phân loại mà mang đi chôn lấp, trừ rác hữu cơ thì những loại rác khác phải tới hàng ngàn năm mới phân hủy. Đó là chưa kể các bãi chôn lấp đang dần đầy và tương lai sẽ không còn quỹ đất để thực hiện. Còn nếu mang đi đốt trong lò, tỉ lệ rác hữu cơ lớn sẽ khiến không đảm bảo nhiệt độ 1.0000C, tỉ lệ tro xỉ thấp hơn 20% và rác không được xử lý triệt để. Trong khi đó, nếu được phân loại, rác hữu cơ có thể tận dụng làm phân compost, thức ăn chăn nuôi…; rác có thể tái chế trở thành sản phẩm khác phục vụ đời sống; rác nguy hại và không thể tái chế được xử lý bằng phương tiện kỹ thuật riêng đảm bảo an toàn khi ra môi trường.

 

Theo bà Nguyễn Thu Trang, Quản lý Chương trình đô thị giảm nhựa thuộc WWF tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm từ 16-21% tổng lượng rác thải, trong đó 70-90% là vật liệu không có giá trị như hộp xốp, vỏ gói bánh kẹo… Rác thải nhựa là nguyên nhân chính gây ra “ô nhiễm trắng”. Tại các nguồn phát sinh rác, các hộ gia đình thu gom, phân loại rác nhựa để bán phế liệu. Những người thu gom rác và tái chế rác không chính quy xử lý 20% rác thải nhựa, chủ yếu là chai nhựa và những vật liệu có giá trị khác, 80% lượng rác thải còn lại sẽ được đưa đến bãi chôn lấp, cơ sở xử lý rác hoặc thải ra môi trường.

 

“Rác thải nhựa dễ quản lý hơn vì mức đầu tư thấp và khả năng hoàn vốn cao nhờ vào việc tái chế nguyên liệu nhựa. Hiện nay, tại Phú Yên cũng như nhiều tỉnh thành trong nước, việc tái chế rác thải nhựa còn hạn chế do chưa tiến hành phân loại được từ nguồn”, bà Trang nói.

 

Từng bước triển khai

 

Theo Sở TN-MT, để hướng tới việc phân loại rác từ nguồn, Phú Yên đã đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức môi trường, thu hút doanh nghiệp đầu tư và nâng cao nhận thức cộng đồng. Từ đây, chúng ta được chuyển giao kỹ thuật tái chế rác, xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại và triển khai các mô hình về phân loại rác, tái chế rác để nhân rộng ra cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân.

 

Mô hình “Túi lưới làng chài” của anh Phan Xuân Danh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) tái sử dụng những mảnh lưới cũ để tạo thành các vật dụng có ích phục vụ cuộc sống. Sản phẩm của mô hình đã vượt ra khỏi làng chài, được đón nhận cả ở vùng miền núi của tỉnh. Chị La Thị Lý ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) vui vẻ nói: Tôi không nghĩ rằng một mảnh lưới vứt đi lại làm ra được một chiếc túi đựng mỹ phẩm đẹp như vậy. Từ đây, tôi nhận thức tích cực hơn về rác thải, rằng không phải thứ gì vứt đi cũng vô dụng.

 

Từ các mô hình điểm về tận dụng nguồn thải hữu cơ làm phân bón, nước rửa chén…, đến nay trên địa bàn tỉnh đã triển khai đơn vị phân loại rác thải (chợ Tuy Hòa) và tiến tới xây dựng khu dân cư phân loại rác thải. Đây sẽ là cơ sở để nhân rộng ra cộng đồng. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: Từ thành công của mô hình tái chế vỏ cam thành nước rửa chén, người dân đã thấy được lợi ích của việc tận dụng nguồn thải hữu cơ từ rau củ quả. Để mọi người dân đều tham gia chứ không chỉ chị em phụ nữ, hội quyết định mở rộng mô hình thành khu dân cư phân loại rác, từ thôn rồi đến xã phân loại rác. Chỉ có vậy mới vừa tận dụng được nguồn rác gốc, lá rau vốn dồi dào ở làng nghề trồng hoa, rau như Bình Ngọc,vừa góp phần giữa gìn môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

 

Theo Sở TN-MT, mỗi ngày toàn tỉnh phát thải khoảng 500 tấn rác sinh hoạt các loại và được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, đốt chủ yếu tại 22 bãi rác thải tập trung. Nhưng hiện nay nhiều bãi rác không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, một số khác quá tải không thể tiếp nhận thêm rác. Từ đây đặt ra yêu cầu cấp thiết phải phân loại rác từ nguồn. Muốn vậy cần nâng cao nhận thức của người dân vì đây mới là yếu tố quan trọng nhất. Sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, các hội đoàn thể, cá nhân trong việc nhân rộng các mô hình điểm, tác động vào ý thức của mỗi người sẽ giúp công tác phân loại rác từ nguồn sớm được triển khai rộng khắp.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek