Thứ Hai, 07/10/2024 15:17 CH
Triển vọng của nghề sản xuất giống cua xanh
Thứ Ba, 01/07/2008 14:10 CH

Được chuyển giao công nghệ từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 (Nha Trang), từ năm 2007 đến nay, Trung tâm Giống - Kỹ thuật nuôi trồng thủy sản (TTG - KTTS) Phú Yên đã cho sinh sản nhân tạo thành công giống cua xanh, mở ra triển vọng mới cho nghề sản xuất cua giống và nuôi cua thương phẩm trong tỉnh.

 

cua-giong-080701.jpg

Thu hoạch cua giống nuôi ở ao hồ tại hạ lưu sông Bàn Thạch Ảnh: Q.ĐẠT

 

NHÂN NUÔI THÀNH CÔNG CUA GIỐNG

 

Lâu nay, người nuôi cua chủ yếu khai thác cua giống ở các đầm nước lợ. Cua giống trong tự nhiên có kích cỡ không đồng đều, tỉ lệ sống không cao; người nuôi không chủ động được thời gian, mùa vụ thả nuôi. Việc nhân nuôi thành công giống cua xanh đã khắc phục những hạn chế trên. Theo kỹ sư Lê Văn Hiệp, phụ trách đề tài nghiên cứu nhân giống cua xanh của TTG - KTTS Phú Yên, có nhiều loài cua biển khác nhau, nhưng người ta chỉ chọn loại cua xanh cho sinh sản, vì loại này đem lại giá trị kinh tế cao. Cua mẹ được tuyển chọn trong số cua do ngư dân đánh bắt từ tự nhiên. Các trại nuôi mua cua gạch đảm bảo chất lượng rồi thực hiện giai đoạn nuôi vỗ. Bể nuôi được thay nước liên tục hàng ngày, nước có độ mặn gần với tự nhiên. Thức ăn cho cua giống là cá, tôm, một số loài nhuyễn thể. Khi nào thấy yếm cua căng lên thì bơm nước tạo mưa để kích thích cua đẻ. Cua thường đẻ về đêm. Một con cua gạch tốt có thể đẻ trên một triệu trứng. Trứng cua được ấp, nở ra ấu trùng. Người ta loại bỏ ấu trùng không đảm bảo chất lượng bằng cách tắt máy sục khí; những con yếu sẽ lắng xuống đáy bể. Sau đó, ấu trùng được chuyển sang bể ương. Nếu trứng nở với tỉ lệ sống từ 5-10%  thì một con cua mẹ tốt có thể cho ra khoảng 60 vạn ấu trùng vua. Ấu trùng, sau khi trải qua 5 giai đoạn trong thời gian ấp, sẽ chuyển thành cua bột và lột xác thành cua giống thương phẩm. Từ khi nở đến lúc thành cua giống thương phẩm mất khoảng 26-30 ngày, tùy vào dinh dưỡng và kỹ thuật nhân nuôi của từng trại giống.

 

Từ năm 2007 đến nay, TTG - KTTS Phú Yên đã nhân giống khoảng 30 vạn con cua xanh, cung cấp cho các tỉnh phía bắc như Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long như Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng. Không chỉ sản xuất tại trại của trung tâm, TTG - KTTS Phú Yên đã chuyển giao quy trình sản xuất cho các hộ nuôi cua giống tại hai huyện Đông Hòa và Sông Cầu. Riêng khu sản xuất tôm giống Bình Kiến đã phát triển được khoảng 20 trại sản xuất cua giống nhân tạo, sản lượng con giống xuất bán từ đầu năm đến nay khoảng 2 triệu con (giá cua giống từ 450 đến 500 đồng/con). Theo kỹ sư Lê Văn Hiệp, với việc nghiên cứu về dinh dưỡng, trung tâm đã rút ngắn quy trình nhân giống cua xanh (từ giai đoạn ấp trứng đến khi cua trưởng thành) từ 30 ngày xuống còn 26 ngày; tỉ lệ sống khoảng 10% - khá cao so với tiêu chuẩn quy định.

 

Không chỉ quan tâm đến dinh dưỡng cho cua, trung tâm đã sử dụng 100% dung dịch anolyte để xử lý nước nên không có dư lượng clo trong nước. Đây là yếu tố giúp nâng cao tỉ lệ sống của ấu trùng và độ đồng đều của con giống.

 

TRIỂN VỌNG CỦA NGHỀ

 

Cua sinh sản nhân tạo có tỉ lệ đồng đều cao, không bị tác động bởi việc đánh bắt, di chuyển… nên khi thả nuôi mang lại hiệu quả rất tốt. Đồng thời, việc nhân nuôi cua giống sẽ hạn chế tập quán khai thác trong tự nhiên làm cạn kiệt nguồn cua giống.

 

Hiện tại nhu cầu cua giống trong nước đang rất lớn. Lượng giống sản xuất ra không đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi cua thương phẩm ở các tỉnh. Một chủ vựa từ Bạc Liêu đã đến khu sản xuất giống thủy sản Bình Kiến đặt hàng với số lượng không hạn chế để mua gom về cung cấp cho người nuôi ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Cua thương phẩm trên thị trường được tiêu thụ rất ổn định với giá từ 180.000 -200.000 đồng/kg. Điều này đang mở ra triển vọng phát triển nghề nhân nuôi cua giống tại Phú Yên. Khi dịch bệnh tôm đang hoành hành do môi trường nuôi bị ô nhiễm thì con cua xanh có thể phát triển tốt trong các ao đìa nuôi tôm sú bị dịch bệnh trước đây, vốn đầu tư lại thấp. Hiện nay, tại hạ lưu sông Bàn Thạch đã có khoảng 100 hộ dân đầu tư nuôi cua xanh, trong đó khoảng 30 hộ nuôi cua từ giống sản xuất nhân tạo, sử dụng thức ăn công nghiệp. Những hộ nuôi cua đầu tiên thu lợi nhuận từ 20 - 30 triệu đồng/ha.

 

Bà Lê Thị Hằng Nga, Phó Giám đốc TTG - KTTS Phú Yên cho biết: Trong năm nay, trung tâm sẽ hoàn thiện quy trình nhân nuôi cua giống để nhân rộng ra toàn tỉnh. Trung tâm cũng đã cho xây dựng mô hình nuôi cua thương phẩm tại hạ lưu sông Bàn Thạch để làm điểm nhân rộng tại các vùng có khả năng nuôi cua trong tỉnh như Bàn Thạch, Ô Loan và một số vùng nuôi ở Sông Cầu. Hiện cua nuôi của mô hình ở Đông Hòa đã được 2,5 tháng, trọng lượng đạt 6 con/kg, khoảng một tháng rưỡi nữa sẽ cho thu hoạch. Trên cơ sở các mô hình điểm, trung tâm sẽ nghiên cứu để hoàn thiện quy trình nuôi cua xanh thương phẩm để giúp người dân có một nghề mới, tăng thu nhập.

 

LÊ BIẾT

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek