Thứ Năm, 16/01/2025 23:19 CH
Tháo gỡ vướng mắc để phát triển cụm công nghiệp
Thứ Hai, 06/09/2021 11:00 SA

Hoạt động sản xuất kính cường lực của một doanh nghiệp tại CCN Hòa An, huyện Phú Hòa (ảnh chụp trước ngày 23/6). Ảnh: NGÔ XUÂN

Theo quy hoạch mạng lưới cụm công nghiệp (CCN), đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phú Yên có 27 CCN, với tổng diện tích hơn 1.007ha, phân bổ ở 8 huyện, thị xã. Tuy nhiên, đến nay toàn tỉnh chỉ có 13 CCN được thành lập, với diện tích hơn 458ha; thu hút 43 dự án đầu tư. Việc phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn.

 

Chỉ 5/13 CCN được đầu tư hạ tầng

 

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh có 13 CCN được thành lập, với diện tích hơn 458ha. Trong đó có 10 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết, thu hút 43 dự án đầu tư. 29 dự án đang hoạt động tạo việc làm cho 912 lao động, nộp ngân sách tỉnh hơn 29,5 tỉ đồng (năm 2020). Tỉ lệ lấp đầy các CCN đạt gần 18,7%. Trong số 13 CCN đã thành lập chỉ có 5 CCN được đầu tư hạ tầng, với tổng kinh phí 39,21/620,31 tỉ đồng, chủ yếu từ nguồn ngân sách.

 

Trong 5 CCN thì CCN Hòa An (huyện Phú Hòa) được đầu tư cơ bản giai đoạn 1, với 5,55/6.28 tỉ đồng phê duyệt. CCN Ba Bản (huyện Sơn Hòa) giai đoạn 1 với diện tích 7ha; tổng kinh phí đầu tư 7,7 tỉ đồng; đến nay mới thực hiện hạng mục san nền, đường nội bộ và hệ thống điện với tổng vốn thực hiện 5,9 tỉ đồng. Giai đoạn 2 diện tích 67ha, mới hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và đang thi công các hạng mục san nền, đường nội bộ với tổng vốn thực hiện 21,5/587,6 tỉ đồng.

 

Tương tự, các CCN khác cũng đều trong tình trạng mới thi công các hạng mục cơ bản. Cụ thể CCN Tam Giang (huyện Tuy An) giai đoạn 1 mới thi công hạng mục san nền, đường nội bộ, hệ thống cấp thoát nước với diện tích 6,4/20ha, tổng kinh phí 3,4/6,37 tỉ đồng. CCN thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh) giai đoạn 1 đã đầu tư hạng mục san nền và xây dựng tường rào với tổng vốn 2,85/7,36 tỉ đồng. CCN Hòa Phú (huyện Tây Hòa) giai đoạn 1 mới thực hiện kiểm đếm để bồi thường, hỗ trợ; đang thi công hạng mục san nền và trục giao thông chính.

 

Ông Lê Hữu Trí, Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Sơn Hòa, cho biết: Việc phát triển sản xuất công nghiệp góp phần đáng kể trong tăng trưởng kinh tế của huyện, tạo việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng các CCN mặc dù đã được quan tâm, nhưng do ngân huyện còn hạn chế nên nhiều hạng mục, công trình chưa được đầu tư kịp thời. Đặc biệt, CCN Ba Bản giai đoạn 2 mặc dù đã được phê duyệt kinh phí đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa sắp xếp nguồn vốn thực hiện; nhiều hạng mục chưa được triển khai kịp thời như hệ thống cấp thoát nước, hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhà quản lý, khuôn viên cây xanh và các tiện ích công cộng khác...

 

Kiến nghị hỗ trợ

 

Theo Sở Công thương, để đầu tư một CCN hoàn chỉnh cần khoảng 48-715 tỉ đồng. Đây là nguồn kinh phí khá lớn; trong khi thời gian hoàn vốn chậm, hiệu quả kinh tế thấp. Do đó, việc thu hút các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng CCN rất khó khăn. Thêm vào đó, các CCN đều do các đơn vị sự nghiệp cấp huyện làm chủ đầu tư. Thành viên ban quản lý đều hoạt động kiêm nhiệm và phụ thuộc vào nguồn ngân sách nên việc triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng rất chậm.

 

Về nguồn vốn đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, ngân sách trung ương chỉ hỗ trợ Phú Yên 36 tỉ đồng đầu tư hạ tầng CCN Ba Bản, nhưng đến nay mới phân bổ 3 tỉ đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí sự nghiệp có hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết tối đa 500 triệu đồng/CCN; hỗ trợ đầu tư hạ tầng tối đa 6 tỉ đồng/CCN. Tuy nhiên, các đơn vị thụ hưởng phải cam kết vốn đối ứng 70% tổng mức đầu tư nên việc đăng ký hỗ trợ nguồn sự nghiệp khuyến công rất khó khăn.

 

Bên cạnh đó, Phú Yên cũng được phê duyệt 4,2 tỉ đồng đầu tư hạ tầng CCN từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương. Tuy nhiên, do ngân sách còn nhiều khó khăn nên chưa thể bố trí được vốn; nguồn ngân sách các huyện cũng chỉ đầu tư các hạng mục có kinh phí thấp. Do vậy, công tác đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN trên địa bàn tỉnh rất chậm; ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các CCN. Ngoài ra, các thủ tục về đất đai còn nhiều vướng mắc khiến các dự án đầu tư vào CCN trong những năm gần đây không thể thực hiện được.

 

Theo ông Nguyễn Thanh Tuấn, quyền Giám đốc Sở Công thương, để tháo gỡ khó khăn trong phát triển CCN, ngành Công thương đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng CCN để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; bổ sung các CCN vào danh mục ưu đãi đầu tư; bổ sung lĩnh vực đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN vào danh mục ngành nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư… Kiến nghị Bộ TN-MT rà soát, bổ sung đối tượng là các doanh nghiệp đầu tư vào CCN được thuê đất trực tiếp của Nhà nước; đề xuất Chính phủ bố trí từ 50-100 tỉ đồng/năm để đầu tư, hoàn thiện các CCN trên địa bàn; hỗ trợ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành tổ chức xúc tiến, thu hút các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với các CCN có nhiều tiềm năng, lợi thế; ban hành danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các CCN; sớm có cơ chế xử lý đối với các dự án đã ngừng hoạt động sản xuất để tạo điều kiện thu hút các dự án mới.

 

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Quyền Giám đốc Sở Công thương

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

CÁC TIN KHÁC
LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek