Thời gian qua, huyện Sông Hinh đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, dồn toàn lực cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Bên cạnh đó, huyện Sông Hinh còn triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống…
Khẩn trương chống hạn
Sông Hinh đang xảy ra tình trạng nắng hạn, khiến nguồn nước về các đập dâng thủy lợi trên địa bàn huyện giảm và ngày càng thiếu hụt. Tại đập dâng thủy lợi buôn Ken (xã Ea Bá), hơn 2 tuần qua, người dân trong buôn phải cắt cử, chia nhau luân phiên cứ 10 hộ/ngày đêm được lấy nước cho lúa. Tuy nhiên, hiện có khoảng 20ha trong tổng số 40ha lúa ở cuối kênh thuộc hệ thống thủy lợi này vẫn chưa có nước chảy vào ruộng. Nhiều ruộng lúa đã chuyển dần sang màu vàng, vài đám cháy khô loang lổ.
Để hỗ trợ người dân, Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh đã điều động 3 máy bơm di động công suất lớn cùng khoảng 1,5km đường ống mềm để bơm nước từ lòng hồ thủy điện Sông Ba Hạ lên tưới cho lúa. Ông Đặng Hữu Phượng, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo Chỉ thị 16, lần này đơn vị chỉ điều động 2 người cùng máy móc lên hỗ trợ bà con. Do độ dốc lớn, đường ống dẫn dài nên phải sử dụng 3 máy nối tiếp để đẩy nước. Để duy trì hoạt động 24/24 giờ, chúng tôi phải huy động thêm cán bộ và người dân buôn Ken phân thành từng tổ, chia thời gian theo ca để vận hành và kiểm tra, bảo dưỡng máy móc, đường ống. Tất cả hoạt động đều được anh em tuân thủ đảm bảo theo tinh thần phòng, chống dịch.
Ma Thinh ở buôn Ken cho biết: Gia đình tôi có 2 sào lúa lấy nước từ đập dâng thủy lợi buôn Ken. Vụ hè thu năm trước, nước ở đây dồi dào lắm, lúa phát triển tốt, nhưng năm nay đột nhiên hạn hán. Nguồn nước ở các khe, rãnh xung quanh cũng cạn kiệt nên dù trong nhà có máy bơm cũng bó tay vì không có nguồn nước. Được huyện hỗ trợ bơm nước từ lòng hồ thủy điện kịp thời, bà con rất phấn khởi, bởi không cứu được lúa thì năm nay chắc chắn nhiều hộ sẽ thiếu gạo ăn.
Không chỉ hệ thống thủy lợi buôn Ken, mà các đập dâng thủy lợi ở các xã Ea Trol, Ea Bar cũng đang trong tình trạng thiếu hụt nước tưới. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Tại các địa phương này, lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng nên nước tưới ảnh hưởng lớn đến năng suất. Để duy trì phát triển cây lúa nước, huyện đã huy động máy bơm của người dân, hỗ trợ xăng dầu để bơm nước chống hạn, cứu lúa. Riêng những vùng khó khăn, máy bơm nhỏ không hoạt động được thì huyện sẽ điều động máy có công suất lớn, đường ống dài để bơm nước hỗ trợ bà con, đảm bảo các diện tích lúa trên địa bàn huyện phát triển ổn định.
Hỗ trợ tiêu thụ nông sản
Trong khi cây lúa đang trong giai đoạn phát triển thì nhiều diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Sông Hinh đã bước vào thời kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Ea Bar có hơn 70 cây bơ sáp xanh với sản lượng hơn 2 tấn. Ông Hòa cho hay, vào thời điểm này những năm trước, bơ sáp của gia đình đều được thương lái đến tận vườn mua và chở đi tiêu thụ. Nhưng năm nay chờ mãi không ai đến dù đã giới thiệu, rao bán. Các mối thu mua năm trước cũng lắc đầu vì tình hình dịch COVID-19 phức tạp, không dám mua vì sợ bán không được.
Theo ông Ksor Y Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh, hiện tại một số loại cây ăn trái trên địa bàn huyện đã thu hoạch như bơ, mít, trong đó vẫn còn khoảng 15 tấn đang cần tiêu thụ. Đến khoảng đầu tháng 9/2021 này, cam, quýt, bưởi với sản lượng khoảng 30 tấn; sầu riêng sản lượng khoảng 18 tấn cũng sẽ thu hoạch. Hội Nông dân huyện đã có báo cáo gởi về Hội Nông dân tỉnh, đồng thời tích cực giới thiệu, tìm các mối tiêu thụ sản phẩm giúp nông dân.
Ông Đinh Ngọc Dạn, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Hiện có hai vấn đề lớn được huyện quan tâm đó là chống hạn cho cây lúa và phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu bò. Đối với chống hạn, huyện đã chủ động và chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, hỗ trợ kịp thời cho người dân để duy trì sản xuất ổn định. Huyện cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chữa trị bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò. Đến nay, các địa phương đã thực hiện khá tốt, ý thức tiêm phòng bệnh đàn gia súc của người dân đã nâng lên rõ rệt, trong đó có cả người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số như các xã Ea Trol, Ea Bia. Bên cạnh đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương phối hợp chặt chẽ với các hội, đoàn thể nắm chắc tình hình sản suất của bà con nông dân, có phương án sớm hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch, không để dư thừa, thất thoát ảnh hưởng đến thu nhập của nông dân.
VĂN THÙY