Quy định mới về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 7/2021.
Quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ bảo đảm công khai, minh bạch
Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư 03/2021/TT-Bkhoa học công nghệ quy định quản lý Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Thông tư nêu rõ nguyên tắc quản lý Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Việc quản lý Chương trình phải bảo đảm công khai, minh bạch. Các nhiệm vụ thuộc Chương trình được triển khai theo đúng mục tiêu, nội dung và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của chủ thể quyền khác.
Thông tin về nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Chương trình (bao gồm: Tên, mục tiêu, sản phẩm dự kiến, tổ chức chủ trì, chủ nhiệm, thời gian thực hiện; tóm tắt kết quả thực hiện) được công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định của pháp luật.
Việc truyền thông về kết quả thực hiện nhiệm vụ thuộc Chương trình thực hiện theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Báo chí.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 26/7/2021.
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định UKVFTA
Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA).
Thông tư nêu rõ để hưởng ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải được nộp cho cơ quan hải quan Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ thời điểm nhập khẩu. Cơ quan hải quan có thể yêu cầu bản dịch nếu chứng từ chứng nhận xuất xứ không phải bằng tiếng Anh.
Theo Thông tư, cơ chế chứng nhận xuất xứ trong UKVFTA được triển khai như sau: Đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam: (1) Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; (2) Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp.
Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam: (1) Với lô hàng có trị giá dưới 6.000 euro, bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận xuất xứ; (2) Với lô hàng có trị giá trên 6.000 euro, chỉ có nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định của UK mới được tự chứng nhận xuất xứ.
Thông tư số 02/2021/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 26/7/2021.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 35/2021/TT-BTC quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 quy định tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư số 02/2021/TT-BCT có hiệu lực kể từ ngày 26/7/2021.
Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 35/2021/TT-BTC quy định cơ chế quản lý tài chính thực hiện Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 quy định tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư nêu rõ về nội dung và mức chi để thực hiện công tác thông tin, truyền thông về năng suất chất lượng. Đối với chi sản xuất các tài liệu, ấn phẩm dưới dạng các tác phẩm báo chí, xuất bản (các chương trình, chuyên mục, tiểu phẩm, ký sự, bài viết): Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
Chi tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về nâng cao năng suất chất lượng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 5/7/2021.
Hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý tiền thu từ cổ phần hóa
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 32/2021/TT-BTC hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền thu từ cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ chuyển đổi thành công ty cổ phần.
Thông tư quy định đối tượng mua cổ phần gồm:
1. Nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 6 Nghị định 126/2017/NĐ-CP, khoản 3 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP là các tổ chức, cá nhân, bao gồm cả người lao động và người quản lý doanh nghiệp trong doanh nghiệp cổ phần hóa
2. Nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 6 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Các đối tượng theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 126/2017/NĐ- CP, khoản 21 Điều 1 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP.
4.Tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 33 Nghị định số 126/2017/NĐ-CP. Tổ chức công đoàn ủy quyền cho người có thẩm quyền của tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện các thủ tục liên quan đến việc mua cổ phần.
Thông tư 32 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Theo TTXVN/Vietnam+