Các địa phương trong tỉnh có nhiều làng nghề truyền thống, là tiềm năng để phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), góp phần nâng cao đời sống của người dân cũng như hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Để được “gắn sao” trong sản phẩm OCOP đáp ứng nhu cầu thị trường, sản phẩm của các làng nghề ngày nay hướng tới thiết kế mang vẻ hiện đại mà vẫn giữ được những đặc trưng riêng.
Phát huy tiềm năng
Vừa qua, UBND tỉnh trao giấy chứng nhận 7 chủ thể của 9 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP được sản xuất từ các làng nghề truyền thống như dầu phộng Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), nước mắm Tân Lập (TX Sông Cầu)... Cùng với đó, mục tiêu kế hoạch phấn đấu đến cuối năm 2021 có ít nhất 15 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong các sản phẩm được các địa phương phân hạng sản phẩm OCOP, nằm trong danh mục làng nghề truyền thống của Phú Yên như dệt thổ cẩm Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), đan đát Hòa Thắng, xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), làng nghề mộc Phú Ân, xã Hòa An (huyện Phú Hòa), mây tre đan Phước Nông, xã Hòa Bình 1 (huyện Tây Hòa), dệt thổ cẩm Xây Dựng, xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa), đan thúng chai xã An Dân (huyện Tuy An)…
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, sản phẩm tham gia chương trình OCOP muốn đạt sao phải qua tuyển chọn rất kỹ về kỹ thuật đan, cách đóng gói sản phẩm... Việc này đã tạo động lực cho các làng nghề từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm. Riêng làng nghề mây tre đan Phước Nông có nét đặc trưng về đan các vật dụng bằng mây, tre mà ở các làng nghề khác không có.
Bên cạnh làng nghề mây tre đan Phước Nông thì dệt thổ cẩm Xí Thoại, xã Xuân Lãnh, nghệ nhân tạo sản phẩm độc đáo, đẹp về màu sắc hoa văn và đạt chất lượng cao. Ông Huỳnh Việt Hùng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thể thao huyện Đồng Xuân, cho biết: Chương trình OCOP thúc đẩy các sản phẩm và bảo tồn làng nghề truyền thống của địa phương. Dệt thổ cẩm Xí Thoại có những nét độc đáo riêng để tạo ra những sản phẩm truyền thống. Ngành chức năng khảo sát hỗ trợ, hướng dẫn bà con xây dựng mô hình Sản phẩm dệt thổ cẩm để giới thiệu và quảng bá sản phẩm đặc trưng. Cùng với đó, thời gian qua, địa phương tạo điều kiện để đội văn nghệ dân tộc Xí Thoại tham gia biểu diễn phục vụ khách du lịch ở TP Tuy Hòa trong các dịp lễ, sự kiện để giúp bà con rèn luyện, xây dựng nghệ thuật trình diễn “trống đôi, cồng ba, chiêng năm”, thông qua trang phục biểu diễn quảng bá dệt thổ cẩm Xí Thoại.
Phát triển nghề mới gắn với du lịch
Theo kế hoạch chương trình OCOP, việc phát triển ngành nghề, làng nghề phù hợp với quy mô sản xuất nhỏ tại nông thôn, trên cơ sở đó, các sản phẩm ngành nghề, làng nghề có giá trị văn hóa và mang lại giá trị kinh tế cho địa phương. Mới đây, UBND tỉnh thống nhất chủ trương, cho phép Sở NN-PTNT lập đề án Khôi phục phát triển một số làng nghề tiểu thủ công nghiệp và du nhập phát triển một số nghề mới gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh trong chương trình OCOP. Những chủ thể tham gia vào chương trình OCOP phải luôn hoàn thiện những mặt chưa đạt yêu cầu để nâng hạng sao, cùng với đó sản phẩm OCOP trên thị trường liên tục cải tiến mẫu mã, chất lượng nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Điển hình Gạo thơm Hoa Vàng của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ An Nghiệp (huyện Tuy An), là sản phẩm mới vừa được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Sản phẩm Gạo thơm Hoa Vàng luôn có sự đổi mới về bao bì và chất lượng sản phẩm gạo. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp An Nghiệp, cho hay: HTX in tem OCOP và thứ hạng 3 sao lên bao bì sản phẩm Gạo thơm Hoa Vàng, được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP tỉnh Phú Yên. Gạo thơm Hoa Vàng của HTX đã được một chủ nhà hàng ở TP Hồ Chí Minh chào hàng ở Hồng Kông, Singapore.
Còn trong chương trình OCOP gắn với xây dựng du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn cần quan tâm đến giá trị của sản phẩm du lịch. Mỗi địa phương cần có phương án xây dựng loại hình sản phẩm từ thế mạnh, đặc trưng của mình tránh sự rập khuôn về mô hình, sản phẩm du lịch.
Hiện nay, ở thôn Vinh Ba, xã Hòa Đồng, một số hộ dân đã thực hiện mô hình trồng sen thay vì trồng lúa và có hướng tạo điểm đến du lịch. Vinh Ba còn là làng nghề đan đát truyền thống ngày càng phát triển. Bà con nơi đây còn hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới rất mạnh mẽ như làm đường bê tông, trồng hoa, cây cảnh tạo cảnh quan xanh sạch đẹp ở từng gia đình. Sáng kiến trồng sen là một cách chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập và góp phần xây dựng nông thôn ngày càng xanh sạch đẹp. Tuy nhiên cần có sự tư vấn thiết kế, quản lý và hỗ trợ để tạo ra sản phẩm du lịch nông thôn, qua đó thu hút khách du lịch và bán sản phẩm.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Phú Yên, cho biết: Chương trình OCOP đã và đang mang lại hiệu quả khi gắn với sản phẩm du lịch và du lịch cũng có những chương trình, đề án góp phần phát triển nông thôn. Đây sẽ là cơ sở để phát triển theo định hướng gắn nông thôn với phát triển du lịch, nhất là với những địa phương có tiềm năng, thế mạnh. Thời gian tới, chương trình tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm OCOP. Thông qua chương trình OCOP quảng bá sản phẩm, phát triển và nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, mang lại thu nhập cho nông dân.
Chương trình OCOP giúp các làng nghề truyền thống có thêm động lực để phát triển những sản phẩm chất lượng cao. Qua đó không chỉ đơn thuần là đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, mà còn giữ gìn được những nét đặc trưng riêng. Thời gian tới, các sản phẩm làng nghề có thể xuất hiện đa dạng với nhiều mẫu mã hiện đại, thích ứng với nhu cầu thị trường, tuy nhiên vẫn phải gắn với đặc trưng của làng nghề truyền thống.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT |
MẠNH LÊ TRÂM