Hiện đang là thời điểm thả nuôi tôm hùm lồng, vậy mà tại các vùng nuôi ở huyện Sông Cầu lại yên ắng lạ thường. Lồng bè thưa thớt trên mặt nước, vốn ngân hàng bị “đọng” không giải ngân. Nhiều người dân bàn tán chuyện nợ nần và rao bán lồng bè.
Dù đang vào vụ nuôi mới, nhưng người nuôi tôm hùm ở Sông Cầu “góc” lồng trên bờ. Ảnh: N.LƯU |
NGÂN HÀNG MỜI GỌI
Hiện nay, Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Agribank) Sông Cầu đang áp dụng hai hình thức cho vay đối với người nuôi tôm hùm. Ngoài hình thức cho vay thế chấp tùy theo giá trị tài sản và nhu cầu vốn của hộ nuôi, Agribank Sông Cầu còn cho vay theo hình thức tín chấp thông qua “kênh” Nghị quyết 2308 giữa Hội Nông dân với ngân hàng này. Theo quy định, mức vay của hình thức vay tín chấp thông qua “kênh 2308” tối đa là 30 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, theo Giám đốc Agribank Sông Cầu Tô Thanh Hóa thì để tháo gỡ khó khăn về vốn do dịch bệnh và lũ gây ra, ngân hàng đã linh động nâng mức vay lên 50 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, đối với những hộ còn nợ ngân hàng từ vụ tôm năm trước nhưng gặp khó khăn trong việc trả nợ thì cũng được ngân hàng xem xét gia hạn nợ và tiếp tục cho vay mới để tái đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho người nuôi, Agribank Sông Cầu phối hợp với chính quyền các xã và các hội, đoàn thể cơ sở lập danh sách hộ nuôi có nhu cầu vốn và phân công cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn thẩm định, giải ngân kịp thời. Theo Agribank Sông Cầu, hiện không có hộ nào có nhu cầu đầu tư vốn nuôi tôm hùm mà không được vay, ngoại trừ những trường hợp còn dư nợ nhưng chây ỳ. Ông Hóa cho biết: “Khi vào vụ nuôi, ngư dân đi vay vốn nhưng đến vụ thu hoạch lại là khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng nên không thể quay lưng lại với họ. Chúng tôi không thiếu vốn để hỗ trợ ngư dân tiếp tục làm ăn gỡ lại những tổn thất của vụ tôm vừa qua”.
NGƯ DÂN...NGẠI VAY
Tình trạng dịch bệnh đục thân (bệnh tôm sữa) trên tôm hùm ở huyện Sông Cầu đã và đang gây thiệt hại nặng, khiến nhiều ngư dân hoang mang, lo lắng không dám tiếp tục đầu tư, dù Agribank Sông Cầu khuyến khích họ vay vốn để tái đầu tư.
Vùng biển xã Xuân Thịnh được mệnh danh là “vương quốc” tôm hùm ngày trước, nhưng nay lồng nuôi tôm hùm được kéo lên, chất dày trên bãi biển. Vụ tôm năm nay dù đủ điều kiện để ngân hàng cho vay tái đầu tư, nhưng ông Nguyễn Hữu Minh ở thôn Phú Dương vẫn không dám vay. Ông thở dài nói: “Vụ tôm năm trước lỗ trên 100 triệu đồng. Dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nên còn bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu chứ không dám vay thêm”. Còn ông Lê Văn Cư ở thôn Vịnh Hòa không những không dám “gõ cửa” ngân hàng mà còn đang rao bán bốn chiếc lồng tôm bỏ trống sau trận lũ hồi cuối năm 2007 để chuyển sang nghề khác…
Không riêng gì ông Minh, ông Cư, hiện có rất nhiều hộ nuôi tôm hùm ở huyện Sông Cầu “ngại” vay vốn ngân hàng để tiếp tục nuôi tôm. Ông Huỳnh Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh cho biết: “Bà con đang “ngán” con tôm hùm vì lỡ có rủi ro thì tổn thất quá lớn. Ở xã chúng tôi, vụ này ước tính số lồng nuôi giảm 40 – 50%”. Còn theo thống kê của Phòng Kinh tế huyện Sông Cầu, trong vụ này, toàn huyện mới thả nuôi khoảng 700 lồng tôm hùm, chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Chưa bao giờ cán bộ tín dụng Agribank Sông Cầu nhàn nhã như vụ tôm này, dù ngân hàng không hạn chế đối tượng vay. “Với số tiền vay từ 20 – 50 triệu đồng, chí ít cũng đủ để dựng một lồng tôm, mua con giống và thức ăn cho suốt chu kỳ nuôi từ 18 – 24 tháng. Vậy mà người nuôi vẫn không muốn vay.” – Giám đốc Agribank Sông cầu Tô Thanh Hóa cho biết.
NGUYỄN QUANG