Khảo sát từ các lớp đào tạo nghề của Hội Nông dân Phú Yên, từ 75-80% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, một số hộ đứng ra thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đa số gia đình có người tham gia học nghề và phát huy nghề đã học đều được địa phương công nhận thoát nghèo; một số hộ trở thành hộ khá giả, kinh tế gia đình từng bước phát triển, đạt thành tích Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp.
Nâng tầm nghề hoa kiểng
Từ hơn mươi năm trước, khu vực phía đông của xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) là một vùng cát trắng hoang hóa. Thế nhưng hiện giờ, hàng trăm héc ta đất cát “chay” đã trở thành vựa chuyên doanh cây hoa kiểng nổi tiếng. Hội nông dân địa phương đã sát cánh cùng nông dân ngay từ những ngày đầu của nghề trồng hoa cây kiểng nơi đây.
Đến thăm nhà vườn của ông Lê Văn Hưng (thôn Liên Trì 2, Bình Kiến), chúng tôi như lạc vào sắc xanh của những dãy chậu hoa mai tăm tắp. Ông Hưng cho hay, nhà vườn lúc này duy trì 4.000 chậu hoa mai đủ kích cỡ, với 3 nhân công thường trực các việc chăm tưới, đúc chậu, cắt tỉa... Những lúc cao điểm, nhà vườn cần đến 20 lao động, với mức tiền công từ 250.000-350.000 đồng/người/ngày, tùy theo công đoạn, tay nghề.
“Mười năm trước, kinh tế gia đình khó khăn, tôi bắt chước chòm xóm theo nghề trồng hoa kiểng. Trồng đủ loại như cúc, quất, mai, thược dược, vạn thọ…, nhưng mấy năm đầu cũng chả kiếm được bao nhiêu tiền. Cứ loay hoay chăm tưới, gặp phân gì bón nấy, thuốc trừ sâu thì dùng lung tung; nhiều vụ thất bại, trắng tay. Rồi mấy anh chị ở Hội Nông dân xã giới thiệu tham gia khóa học nghề trồng hoa kiểng, nên đi thử coi. Bây giờ tôi đã nắm vững quy trình sinh trưởng, nắm chắc thời điểm bón phân, phun thuốc cho cây. Đặc biệt, vườn nhà tôi lúc này chỉ dùng thuốc trừ sâu sinh học, để đảm bảo an toàn cho môi trường, sức khỏe cộng đồng”, ông Hưng hồ hởi.
Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Trưởng Tổ hội Hoa kiểng Liên Trì 2 (Hội Nông dân Bình Kiến), ông Hưng là thành viên nhiệt tình của tổ, rất năng động trong việc chuyển đổi sản phẩm để bắt nhịp thị trường hoa kiểng. Nhờ năng nổ tham gia các lớp đào tạo nghề do Hội Nông dân các cấp tổ chức, 49 thành viên trong Tổ hội Hoa kiểng Liên Trì 2 đều khá thuần thục các kỹ thuật trong nghề sinh vật cảnh. Sản phẩm của các thành viên trong tổ được tiêu thụ rộng rãi trên cả nước. Hầu hết các hộ trong tổ đang có mức thu nhập cao từ 100-400 triệu đồng/hộ/năm, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
“Qua các lớp đào tạo nghề của Hội Nông dân, anh chị em trong tổ hội đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh. Việc tiết giảm vật tư nông nghiệp, làm vườn theo hướng an toàn sinh học đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện tại, các thành viên trong tổ đều biết quảng bá, bán sản phẩm qua công nghệ mạng. Nhờ đó, đầu ra sản phẩm sinh vật cảnh của tổ hội luôn ổn định, không còn quá phụ thuộc vào thời vụ bán hoa Tết”, bà Thủy nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến cho biết: Trước đây, nông dân Bình Kiến chủ yếu sản xuất lúa, hoa màu và chăn nuôi nhỏ. Sau đó, một số hộ nông dân khai thác vùng cát để trồng hoa, cây kiểng. Thế nhưng hiệu quả không cao do thiếu kỹ thuật, sản phẩm không chất lượng. Từ nhu cầu thực tế của địa phương, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Phú Yên đã nhanh chóng mở 5 lớp đào tạo nghề kỹ thuật chăm sóc cây hoa kiểng, thu hút trên 500 hội viên nông dân tham gia. Qua các khóa học, bà con nông dân đã “vỡ” ra nhiều điều, từ kỹ thuật làm giống, bón phân, trừ sâu đến tạo dáng sản phẩm phù hợp yêu cầu thị trường. Rất nhiều gia đình nông dân Bình Kiến, từ đắp đổi qua ngày đã trở nên khá giả nhờ nghề trồng kinh doanh hoa kiểng, là nòng cốt trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương.
![]() |
Nông dân TP Tuy Hòa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trồng hoa trong nhà màng, tăng hiệu quả kinh tế. Ảnh: VÂN NGUYÊN |
Bám sát thực tiễn nông thôn
Theo ông Cao Xuân Trí, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), trong đà đô thị hóa, thực tế nông dân mất dần đất sản xuất đã liên tiếp diễn ra nhiều năm qua tại Bình Ngọc. Đây là vùng đất nổi tiếng trồng rau màu và hoa cắm bình; gần đây, nhiều hộ dân bị mất đất sản xuất đã chuyển dần sang các nghề dịch vụ gắn với du lịch cộng đồng.
Tại làng nghề trồng rau Ngọc Lãng (Bình Ngọc), các vườn rau đang được quy hoạch sản xuất theo hướng sạch, đẹp đang thu hút nhiều du khách. Nhiều hộ trồng rau bắt đầu làm thêm nghề dịch vụ ăn uống, giải khát. Thế nhưng do chưa có những kỹ năng mềm trong pha chế đồ uống phục vụ nên nhiều nông dân khá lúng túng khi du khách đến tham quan tại gia đình.
Trước thực tế đó, năm 2019, Hội Nông dân xã đề nghị Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Phú Yên tổ chức 3 lớp dạy nghề pha chế đồ uống, với sự tham gia của 90 hội viên, nông dân tại Bình Ngọc. Sau khóa học nghề, chị Phan Thị Tiến hiện đang điều hành khá thuần thục cơ sở kinh doanh giải khát tại nhà. Chị Tiến nói: “Trước năm 2019, tôi chỉ bán các loại nước đóng chai và nước mía ép theo kiểu truyền thống. Bây giờ, tôi đã mở rộng thực đơn giải khát bằng cách ép các loại rau tại vườn nhà. Bên cạnh đó, tôi còn biết pha chế các loại rượu, cốc-tai và một số đồ uống khác. Tôi thấy khóa học pha chế này rất thiết thực, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho gia đình tôi trong việc làm dịch vụ du lịch cộng đồng”.
Theo ông Huỳnh Văn Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Phú Yên, các lớp đào tạo nghề do đơn vị tổ chức đều xuất phát từ nhu cầu của số đông nông dân mỗi địa phương. Khi nội dung khóa học mang tính thực tiễn cao, “gãi đúng chỗ ngứa” của nông dân địa bàn thì họ sẽ nhiệt tình tham gia, hiệu quả ứng dụng cao. Thực tế nhiều năm qua, các khóa nghề mở tại vùng chuyên sản xuất lúa, mía, cây kiểng, nuôi trâu bò, heo, gà… đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao thu nhập cho người dân.
“Chúng tôi yêu cầu các giảng viên dạy nghề cho nông dân phải có phương pháp truyền đạt thiết thực. Giảng viên phải trực tiếp tìm hiểu tâm tư bà con nông dân tại mỗi địa bàn, mỗi ngành nghề để xây dựng chương trình đào tạo bài bản nhất theo hướng “cầm tay chỉ việc, ứng dụng tức thì”. Các khóa dạy nghề nông dân cũng luôn gắn với các mô hình thực tế, bám sát nhu cầu thị trường. Thế nên sau thời gian học nghề, nhiều hộ nông dân đã thay đổi rõ rệt tư duy làm ăn, sản phẩm làm ra được thị trường đánh giá cao”, ông Thanh cho biết.
Còn theo ông Phan Đại Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nông dân Phú Yên, từ năm 2015 đến nay, các cấp hội trong tỉnh đã phối hợp đào tạo được trên 350 lớp nghề, với hơn 15.000 lao động nông thôn tham gia học nghề trình độ đào tạo nghề ngắn hạn và sơ cấp nghề. Sau thời gian đào tạo, qua kết quả khảo sát của Tỉnh hội, có từ 75-80% lao động nông thôn sau khi học nghề đã có việc làm ổn định, một số hộ đứng ra thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã; đa số gia đình có người tham gia học nghề và phát huy nghề đã học đều được địa phương công nhận thoát nghèo; một số hộ trở thành hộ khá giả, kinh tế gia đình từng bước phát triển, đạt danh hiệu Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
HÙNG PHIÊN