Sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương, sự kiện diễn ra định kỳ sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: TTXVN |
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch COVID-19, dẫn đến sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua.
Không chủ quan nhưng cũng không bi quan
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá hơn 2 tháng trong nước không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. Đây là thành công lớn của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, được dư luận và nhân dân trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý đại dịch đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội; đặt ra yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay phải phục hồi kinh tế, tăng trưởng với phương châm tận dụng cơ hội khi đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
"Tinh thần là kiên quyết không để dịch COVID-19 quay lại Việt Nam, đồng thời tiến công mạnh mẽ, trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn", Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiện nay, tình hình dich bệnh trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều nơi tình hình xấu đi, có sự lan rộng, chưa dự báo được thời điểm kết thúc; trong đó có các đối tác lớn, quan trọng của nước ta.
Cũng do tác động từ dịch bệnh, kết quả phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các tháng 4, 5, tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua; 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Các chỉ số về tiêu dùng, xuất khẩu giảm, sản xuất kinh doanh khó khăn...
Song, Thủ tướng cũng phân tích nhiều điểm sáng quan trọng như kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, tạo nền tảng quan trọng cho phục hồi kinh tế.
Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định, là bệ đỡ của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn. Giá thịt lợn tháng 6 giảm; chỉ số công nghiệp tiếp tục phục hồi, đặc biệt chế biến, chế tạo, dự báo quý 3 sẽ sản xuất tốt hơn...
Nhu cầu tiêu dùng trong nước dần phục hồi, du lịch trong nước phục hồi, khách nội địa tăng 20% so với cùng kỳ. Đời sống nhân dân được bảo đảm, số hộ thiếu đói giảm so với cùng kỳ, an ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.
Đầu tư trong nước và nước ngoài tăng trong tháng 6, thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại. Cả nước có hơn 62.000 doanh nghiệp được thành lập mới; 6 tháng đầu năm có 25.200 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong tháng 6, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, được quốc tế đánh giá cao. Tại hội nghị, Việt Nam tiếp tục nêu rõ, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong bảo vệ chủ quyền biển đảo, toàn vẹn lãnh thổ.
Vừa qua, Quốc hội đã phê chuẩn 2 hiệp định: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA).
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh toàn thế giới bị ảnh hưởng, suy thoái nặng nề, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đảm bảo ổn định, phục hồi kinh tế xã hội. Đây là minh chứng cho định hướng đúng, giải pháp quyết liệt, thể hiện sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân cả nước.
"Chúng ta cần bình tĩnh, chủ động, vững tin trong nhận định tình hình, chỉ đạo, điều hành, không chủ quan nhưng cũng không bi quan. Mỗi khi khó khăn thì dân tộc Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, vượt khó vươn lên, lửa thử vàng, gian nan thử sức", Thủ tướng nhấn mạnh.
Không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển
Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận, đưa ý kiến, giải pháp.
Theo Thủ tướng, mặc dù kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tiền tệ, tài chính gia tăng. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần đánh giá tác động bên ngoài và bên trong để có chỉ đạo, điều hành, củng cố niềm tin của doanh nghiệp, người dân, tạo động lực cho phát triển.
Thủ tướng ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như cỗ xe tam mã gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và chỉ đạo hội nghị lần này phải tìm giải pháp tăng cả 3 "con ngựa kéo" để đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất.
Trong bối cảnh dịch, Việt Nam đạt tăng trưởng dương nhưng tốc độ tăng trưởng 1,81% trong 6 tháng đầu năm là con số thấp; trong đó có 12 địa phương tăng trưởng âm.
Theo Thủ tướng, tinh thần là "không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển" và cho rằng: "nếu chỉ ổn định đời sống nhưng tăng trưởng kinh tế không đạt một mức nhất định thì nghèo đói, tệ nạn xã hội sẽ phát sinh".
Thủ tướng đặt vấn đề liệu chúng ta có đảm bảo được vĩ mô hay không, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu cần điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ để đảm bảo tăng trưởng, vì lợi ích tổng thể của nền kinh tế, vì việc làm, thu nhập của người dân.
Bày tỏ lo ngại về lĩnh vực giải ngân vốn đầu tư công chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm tăng nhưng mới được hơn 30% kế hoạch; giải ngân vốn ODA rất thấp (10%), Thủ tướng cho rằng nếu giải ngân tốt khoản vốn gần 700 nghìn tỉ đồng sẽ là giải pháp kích cầu ngắn hạn, tạo động lực cho tăng trưởng 6 tháng cuối năm và đầu năm.
Do đó, Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ KH-ĐT, các địa phương phải nêu được các giải pháp, chế tài cụ thể để giải ngân hết số vốn này".
Thủ tướng cho biết thêm, vừa qua, Quốc hội, Bộ Chính trị đã đồng ý, nếu địa phương nào, ngành nào không giải ngân được vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA thì Thủ tướng Chính phủ có quyền điều chuyển từ ngành này sang ngành khác, địa phương này sang địa phương khác.
"Tại sao nhiều ngành, địa phương giải ngân tốt, mà nhiều nơi lại rất chậm. Lần này phải có chế tài mạnh, Bộ KH-ĐT phải có báo cáo về vấn đề này", Thủ tướng chỉ đạo.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường thế giới bị ảnh hưởng bởi dịch, cầu trong nước giảm, Thủ tướng đề nghị bàn thảo giải pháp để mở rộng thị trường, kích cầu tiêu dùng nội địa. Thời gian qua, nhiều ngành, địa phương đã làm nhưng còn chưa đồng bộ, còn nhiều hạn chế, Bộ Công thương và các bộ ngành, địa phương cần đề xuất.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung hoàn thiện pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Các bộ ngành, địa phương cần đề xuất giải pháp cụ thể, chi tiết thủ tục hành chính nào cần cắt giảm, đề xuất mới để tận dụng cơ hội phát triển trong giai đoạn hiện nay.
Trong khó khăn, các bộ ngành, địa phương phải lưu ý về thái độ phục vụ nhân dân, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã,... phát triển.
Một vấn đề khác là giải pháp phát triển một số ngành kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị, phát triển mạnh mẽ nhà ở xã hội, bất động sản, ... "Những nội dung này địa phương nào chỉ đạo tốt sẽ không chỉ đảm bảo ổn định kinh tế, đời sống mà còn có cơ hội rất lớn để phát triển", Thủ tướng nói.
Về thu hút đầu tư xã hội, nguồn vốn đầu tư tư nhân, FDI, Thủ tướng hoan nghênh cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp chủ động, sáng tạo, đổi mới trong khó khăn; hoan nghênh một số địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... có chương trình thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng phải có giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phát huy vai trò, quyết tâm của các địa phương, nhất là những khu vực kinh tế trọng điểm, đầu tầu kinh tế, thành phố lớn trong bối cảnh khó khăn, trong đó tìm các giải pháp đổi mới kinh doanh, sản xuất, đẩy mạnh kinh tế chia sẻ, thanh toán thương mại điện tử,... và khôi phục một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn.
Theo TTXVN/Vietnam+