Thời gian gần đây, nông nghiệp Việt Nam phát triển khá toàn diện và đang chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, với năng suất và chất lượng ngày càng cao, đảm bảo an ninh lương thực và giảm nghèo bền vững...
Bên cạnh đó, thị trường nông sản đã có bước phát triển mới với nhiều nông sản có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Nông sản Việt Nam hiện có mặt trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU...
Những thành công, sự phát triển vượt bậc của ngành nông nghiệp có sự đóng góp của khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó tập trung chính vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Để khoa học- công nghệ thúc đẩy sự phát triển vượt bậc ngành nông nghiệp trong thời gian tới, các Bộ, ngành cùng với địa phương tiếp tục từng bước hoàn thiện chính sách khuyến khích, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hiện nay, nhiều địa phương, doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã chọn nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm hướng đi chính để đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bà Nguyễn Giang Thu, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ NN-PTNT) cho biết cả nước đã có 46 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 9 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được công nhận.
Ngoài 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là Phú Yên, Bạc Liêu và Hậu Giang đã được thành lập, hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập 3 Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Thái Nguyên, Quảng Ninh và Lâm Đồng.
Cùng với đó, gói tín dụng thương mại phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã thu hút hơn 16.800 doanh nghiệp tham gia với khoản đầu tư hơn 39.000 tỉ đồng. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã cho thấy là hướng đi đúng trong sản xuất nông nghiệp những năm tiếp theo, góp phần đưa ngành nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc.
Cũng theo bà Nguyễn Giang Thu, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tích cực tham mưu cho Bộ NN-PTNT trong lĩnh vực khoa học công nghệ để KH-CN là động lực căn bản thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Vụ tập trung đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn để đề xuất các chủ trương cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai trên các lĩnh vực của ngành. “Chỉ khi nào khoa học công nghệ xuất hiện vững chắc trong từng ngành hàng, từng sản phẩm, địa bàn… thì nông nghiệp mới thực sự vững mạnh toàn diện”, bà Nguyễn Giang Thu nói.
Theo báo cáo, Việt Nam đầu tư cho nghiên cứu và phát triển ngành nông nghiệp tương đương 0,2% GDP nông nghiệp, trong khi ở các nước phát triển tỉ lệ này cao gấp 3-5 lần, thậm chí gấp 10 lần.
Do đó, để ngành nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, khẳng định được giá trị thương hiệu, sản phẩm cần tăng cường nguồn nhân lực cho công tác nghiên cứu, đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đặc biệt chuyển giao công nghệ cao, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái...
Cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư và các khu công nghệ cao; đẩy mạnh hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao và lĩnh vực công nghệ cao, Chính phủ cũng đang tập trung xây dựng Chương trình trọng điểm cấp quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cùng với đó, tiếp tục xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, chú trọng thu hút trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài, quan tâm phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Nhiều kết quả nổi bật nhờ ứng dụng khoa học công nghệ
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất hàng trăm quy trình kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp.
Đặc biệt, việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) ngày càng mở rộng và hiệu quả mang lại sản phẩm an toàn, chất lượng tốt, năng suất cao.
Bên cạnh đó, việc mở rộng ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất cùng với kết quả nghiên cứu, đánh giá, triển khai mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Mô hình cánh đồng mẫu lớn ngày càng nhiều, đến nay cả nước có gần 3.000 cánh đồng mẫu lớn.
Nét nổi bật của sản xuất nông nghiệp là hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến, việc ứng dụng khoa học - công nghệ sau thu hoạch tạo ra giá trị mới cho nông sản; các tiến bộ kỹ thuật được chuyển giao giúp sản phẩm tươi, an toàn, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng...
Các kết quả này góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng nhanh, nhiều loại nông sản được nâng lên thông qua kỹ thuật chế biến.
Theo báo cáo Bộ Khoa học- Công nghệ, đầu tư của nhà nước cho nghiên cứu và phát triển công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp còn thấp, chưa tới ngưỡng nên chưa tạo ra sản phẩm khoa học- công nghệ mang tính đột phá, đặc trưng vùng, liên vùng.
Bên cạnh đó, cần chuyển trọng tâm quản lý đầu vào sang quản lý đầu ra, ứng dụng hiệu quả sản phẩm khoa học công nghệ vào sản xuất... để nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.
Trong bối cảnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, đổi mới khoa học công nghệ là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn hiện nay.
Thứ trưởng Bộ Khoa học- Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định, khoa học- công nghệ đã thực sự là một trong các giải pháp quan trọng đóng góp có hiệu quả, tạo ra chuyển biến mang tính đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp như nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế, giải quyết bài toán "cực đoan" về biến đổi khí hậu... phục vụ tái cơ cấu nền nông nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Với sự đóng góp của cộng đồng các nhà khoa học, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, khoa học- công nghệ đã đóng góp hiệu quả vào phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa nông sản và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế.
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học đã được chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp như giống mới, quy trình công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Để góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục có bước phát triển mới, tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, cần ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Theo TTXVN/Vietnam+