Việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông là nhiệm vụ cần thiết, đang được ngành TT-TT và các doanh nghiệp trên địa bàn gấp rút triển khai. Qua đó tăng hiệu quả đầu tư, tạo thuận tiện trong công tác phát triển, xây dựng hạ tầng viễn thông, đảm bảo cảnh quan môi trường, an toàn cho người dân.
Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp
Theo đánh giá của ngành TT-TT, cơ sở hạ tầng viễn thông phát triển đồng bộ sẽ góp phần quan trọng trong sự phát triển của thị trường viễn thông. Tuy nhiên thời gian qua, công tác quản lý, xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động vẫn còn hạn chế, nhất là việc chia sẻ, sử dụng chung các công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà trạm viễn thông, cột ăng ten, cột treo cáp, công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm) của các đơn vị, doanh nghiệp.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng TT-TT đã ban hành Chỉ thị 52/CT-BTTTT về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông. Tiếp đó, Cục Viễn thông đã có văn bản hướng dẫn các địa phương về công tác phối hợp thực hiện.
Bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Phó Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: Trong việc chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động, vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp được quy định cụ thể. Các doanh nghiệp viễn thông di động, cố định phải chia sẻ, sử dụng chung trên cơ sở quy định của pháp luật có liên quan, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động của UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; định kỳ xây dựng kế hoạch phát triển cột ăng ten, cống bể cáp, cột treo cáp, nhà trạm.
Doanh nghiệp thực hiện thống nhất một số mẫu thiết kế cột ăng ten đảm bảo yêu cầu về an toàn xây dựng, mỹ quan đô thị và tăng cường khả năng sử dụng chung; tối ưu hóa tải trọng, dung lượng các nhà trạm, cột, trụ, cáp ngầm…; thường xuyên phối hợp với Sở TT-TT để tập hợp, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động và phương án sử dụng chung tại địa phương. Theo bà Dung, lâu nay, tuy việc chia sẻ, sử dụng chung hạ tầng đã được một số doanh nghiệp thực hiện nhưng để không làm giảm hiệu quả đầu tư, gây khó khăn trong phát triển, xây dựng hạ tầng của chính doanh nghiệp viễn thông, đảm bảo mỹ quan, an toàn cho người dân thì công tác này cần được thực hiện chặt chẽ hơn.
Ông Bùi Văn Hòa, đại diện Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV) cho biết: Doanh nghiệp chủ yếu phục vụ truyền hình, internet nên có dùng chung trụ cáp treo với các đơn vị khác. Trong quá trình thực hiện, doanh nghiệp luôn phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, làm theo quy trình, thực hiện đúng quy định nên không ảnh hưởng đến đường truyền, chất lượng các dịch vụ đang cung cấp.
Cùng phối hợp, hỗ trợ
Tại Phú Yên, các doanh nghiệp viễn thông thường dùng chung trụ cáp treo, trạm BTS, cột ăng ten, còn cống bể cáp thì khó có thể dùng chung vì hầu hết doanh nghiệp có chiến lược phát triển ở những vị trí khác nhau, hoặc hệ thống cống bể cáp của doanh nghiệp đã đầy nên không dùng chung được. Cũng theo các doanh nghiệp, bên cạnh thuận lợi thì việc dùng chung hạ tầng còn gặp một số khó khăn vì ảnh hưởng đến việc khai thác, vận hành nếu xảy ra sự cố.
Ông Dương Quang Bình, Tổ trưởng Tổ viễn thông Mobifone cho biết: Đặc thù của doanh nghiệp là truyền tải mạng di động nên chủ yếu đầu tư trạm BTS. Ngoài số lượng trạm BTS hiện nay khoảng 350 trạm các loại 2G, 3G, 4G, hàng năm, Mobifone đều đầu tư thêm thiết bị, hạ tầng mới và ưu tiên những vùng có hạ tầng mạng lưới yếu. Đối với những vị trí cần chia sẻ hạ tầng giữa các nhà mạng, Mobifone thực hiện theo yêu cầu của đơn vị quản lý. Đặc biệt ở những vị trí khó đầu tư, xây dựng trạm, doanh nghiệp luôn muốn chia sẻ, dùng chung với nhà mạng khác. Để việc dùng chung được thuận lợi, cần nhất là sự hỗ trợ qua lại giữa các doanh nghiệp nhằm tiết giảm chi phí phát sinh cho việc gia cố, đầu tư hạ tầng.
Còn theo ông Huỳnh Đăng Thọ, Phó Phòng Kỹ thuật đầu tư của Viễn thông Phú Yên, đơn vị có trao đổi sử dụng trạm BTS với nhà mạng Viettel, Mobifone với số lượng 70-80 trạm trên tổng số trạm hiện có của VNPT; còn trụ treo cáp thì có thuê trụ của ngành Điện. Khó khăn ở đây là mức độ an toàn của công trình. Ví như 1 trạm BTS có sức chịu cho số cột ăng ten của tầm 2 nhà mạng nhưng thực tế một số trụ có đến 3, 4 nhà mạng dùng chung; tải trọng lớn có thể làm mất an toàn trong mùa mưa, bão. Để thực hiện tốt công tác dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông với nhau, trước hết hạ tầng phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn, quy hoạch và cần sự phối hợp, hỗ trợ để xử lý các vấn đề phát sinh.
Theo bà Nguyễn Vũ Xuân Dung, Sở TT-TT đã rà soát nhu cầu, khả năng dùng chung hạ tầng của các doanh nghiệp viễn thông. Sắp tới, sở sẽ làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị có cho doanh nghiệp viễn thông dùng chung hạ tầng trên địa bàn để trao đổi, thống nhất quy trình và xây dựng phương án cụ thể, yêu cầu doanh nghiệp ký cam kết thực hiện. Đồng thời theo dõi, giám sát quá trình thực hiện của các doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng bộ, đảm bảo an toàn công trình, góp phần nâng chất lượng dịch vụ viễn thông, phục vụ nhu cầu sử dụng trên địa bàn.
KHANG ANH