Sau thời gian dài dịch tả heo châu Phi hoành hành, gây thiệt hại lớn, hầu hết các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng, bỏ chuồng trống thì hiện nay người chăn nuôi ở các vùng nuôi heo trọng điểm của tỉnh như các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An đã bắt đầu nuôi trở lại.
Giá heo giống cao và khan
Trong đợt dịch tả châu Phi hồi năm ngoái, cả đàn heo của nhà ông Trương Tấn Sơn ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) bị bệnh buộc phải tiêu hủy, sau đó ông bỏ chuồng luôn không nuôi nữa. “Vừa qua, thấy dịch bệnh đã lắng, giá heo tăng phi mã nên tôi quyết định thả giống nuôi trở lại được chục heo con và 1 con nái giống. Hiện heo thịt đã được khoảng 30-35kg/con, hy vọng đàn heo khỏe mạnh, phát triển tốt và có giá tốt, tôi kiếm được ít lãi để tăng đàn”, ông Sơn nói.
Còn theo bà Trần Thị Bảy ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), vừa rồi gia đình bà đã sửa sang, vệ sinh, khử trùng toàn bộ khu chuồng nuôi heo sau gần 1 năm bỏ hoang để nuôi trở lại. Tuy nhiên vì giá giống tăng quá cao, mỗi con giống khoảng 20kg giá hơn 2 triệu đồng, nên nhà bà chỉ thả được 5 con giống.
Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa Nguyễn Tiến Hùng cho biết: Từ sau Tết đến nay, người chăn nuôi heo trên địa bàn huyện đã tái đàn khá nhiều, trong đó tập trung nhiều nhất ở hai xã Hòa Trị và Hòa Quang Nam. Tuy nhiên khó khăn nhất lúc này của bà con khi tái đàn là giá heo giống tăng cao, con giống lại hút nên tốc độ tái đàn còn chậm. Tổng đàn heo của địa phương hiện có khoảng 9.000 con, giảm hơn 3.000 con so với thời điểm chưa phát dịch tả heo châu Phi. Khả năng nếu dịch bệnh ổn định, giá heo đứng ở mức cao như hiện nay thì thời gian tới người dân sẽ tiếp tục tái, tăng đàn.
Tương tự, tại huyện Tây Hòa, người nuôi heo ở huyện này cũng đang tái, tăng đàn. Ông Trần Khắc Dũng, Phó trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tây Hòa, cho biết: Nhờ người dân nuôi trở lại nên đàn heo của huyện bắt đầu tăng dần. Hiện tổng đàn heo của Tây Hòa khoảng 14.000 con, nhưng vẫn còn thấp hơn lúc trước khoảng 2.000 con. Mặc dù vậy, một thời gian nữa, đàn heo trên địa bàn huyện sẽ tăng khá nhanh vì lúc này hầu hết các hộ đều nuôi heo nái để chủ động sản xuất giống.
Không chỉ các hộ nuôi heo thịt đang tập trung tái đàn, mà nhiều hộ nuôi heo rừng cũng bắt đầu mua giống, gầy lại đàn nuôi. Ông Hai Được, chủ một trại nuôi heo rừng ở xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) nói: Dịch tả heo châu Phi năm ngoái đã làm toàn bộ đàn heo rừng hơn 100 con của tôi chết sạch. Bây giờ dịch đã qua, tôi mới đặt mua lại được 6 con heo rừng giống về nuôi để gầy lại đàn. Phải mất gần 2 năm mới có thể gầy lại đàn heo bằng lúc trước.
Chăn nuôi theo hướng bền vững
Tái, tăng đàn heo hiện là việc làm cần thiết để khôi phục nền chăn nuôi. Tuy nhiên, việc tái, tăng đàn phải được thực hiện cẩn trọng, đảm bảo các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, tránh rủi ro. Ông Nguyễn Tiến Hùng cho hay: Đề phòng dịch bệnh có thể bùng phát lại khi người dân tái đàn chăn nuôi, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Phú Hòa đã phối hợp cùng chính quyền các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp vệ sinh, khử trùng chuồng trại trước khi thả giống, theo dõi đàn vật nuôi và các dấu hiệu nhận biết sớm một số dịch bệnh thường xuyên xảy ra, xử lý chất thải chăn nuôi đúng cách... Cùng với đó, chúng tôi còn yêu cầu người nuôi heo ký cam kết thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Lan ở xã Hòa Trị, gia đình bà vừa thả 15 con heo giống, lâu nay chất thải chăn nuôi bà dẫn thải ra hầm trồng cỏ sau nhà. Còn bây giờ, để đảm bảo đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, gia đình bà đã xây hầm biogas xử lý toàn bộ chất thải từ chăn nuôi. Ngoài ra, bà còn phun thuốc tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi hàng tuần để tiêu diệt bớt mầm bệnh trong môi trường.
Còn theo Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Tuy An, trong thời điểm người nuôi heo tập trung tái đàn như hiện nay, địa phương tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, theo dõi việc mua bán, vận chuyển con giống trên địa bàn để thực hiện việc nuôi cách ly theo quy định, đảm bảo không đưa mầm bệnh từ ngoài về. Ngoài ra, trạm còn yêu cầu người chăn nuôi khi tái đàn phải mua con giống ở các trại giống uy tín, đảm bảo con giống được chủng ngừa và sạch bệnh. Đồng thời, bà con phải tuân thủ việc tiêm phòng đầy đủ, đúng kỳ các loại vắc xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, phó thương hàn, tai xanh...
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Văn Lâm cho biết: Trong đợt dịch tả heo châu Phi vừa qua, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy gần 2.700 con heo với trọng lượng gần 103 tấn. Ngoài ra, để phòng dịch người chăn nuôi cũng chủ động giảm đàn nên đàn heo của tỉnh giảm mạnh, khiến nguồn cung thịt heo trên thị trường bị thiếu hụt. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khôi phục, phát triển chăn nuôi trên địa bàn, đơn vị phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khi tái đàn nuôi. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi đã tái, tăng đàn nuôi trở lại nâng tổng đàn heo lên 102.000 con, đạt hơn 90% so với tổng đàn trước khi có dịch.
THỦY TIÊN