Thứ Bảy, 16/11/2024 15:46 CH
Biến “nguy” thành “cơ”
Thứ Ba, 14/04/2020 06:00 SA

Tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các bộ, ngành và địa phương trong toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Nhiệm vụ của chúng ta là bảo đảm thực hiện nghiêm túc biện pháp, trước hết không để lây lan, sớm khống chế được dịch bệnh. Không chỉ có vậy, phải làm sao biến nguy thành cơ. Sau dịch COVID-19 làm thế nào cho nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất to lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng”.

 

Nói về cuộc chiến chống COVID-19 đầy cam go và quyết liệt này, ngay từ đầu, Chính phủ ta đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá đất nước, ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn dân nên đã hành động mau lẹ, đưa ra những quyết định đúng đắn nhanh chóng và kịp thời. Với phương châm “chống dịch như chống giặc”, bằng những giải pháp quyết liệt, kịp thời, đồng bộ đã được Chính phủ đề ra, tạo được sự đồng lòng, quyết tâm thực hiện trong các cấp, ngành và toàn dân. Công cuộc phòng chống đại dịch COVID-19 của Việt Nam được dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

 

Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống. Làm thế nào để biến nguy cơ thành cơ hội, thời cơ ngay cả khi dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc?

 

Dệt may là một trong những ngành bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, nhưng đây cũng là một trong những ngành sớm biến “nguy” thành “cơ” từ việc sản xuất khẩu trang vải xuất đi nhiều nước. Theo Bộ Công thương, Việt Nam hiện có hơn 3.500 doanh nghiệp dệt và gần 7.000 doanh nghiệp may. Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam mỗi tháng có thể sản xuất được 50 triệu khẩu trang vải. Toàn ngành Dệt may Việt Nam có thể sản xuất khoảng 150-200 triệu khẩu trang vải/tháng. Trước nhu cầu khẩu trang trên thế giới tăng cao do dịch COVID-19, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã nhanh nhạy khi không chỉ sản xuất được các loại khẩu trang vải thông thường mà còn sản xuất được khẩu trang vải kháng khuẩn, không thấm nước, chống giọt bắn, thậm chí là ngăn được tia UV hay khẩu trang phủ muối độc đáo... Sự tiếp cận nhạy bén và chuyển đổi nhanh chóng giữa các sản phẩm dệt may truyền thống với mặt hàng khẩu trang sẽ là bí quyết để các doanh nghiệp dệt may, trong đó có doanh nghiệp Phú Yên, không chỉ cầm cự qua mùa dịch, mà còn có thể tạo ra một sân chơi mới, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và đất nước.

 

Tương tự, sau Tập đoàn Vingroup công bố quyết định triển khai việc sản xuất máy thở các loại và máy đo thân nhiệt nhằm cung ứng cho thị trường Việt Nam, kịp thời phòng chống đại dịch COVID-19; ngày 11/4, Tổng Giám đốc Tập đoàn Bkav Nguyễn Tử Quảng cũng cho biết đã sẵn sàng sản xuất máy thở PB 560 để điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Hiện tại, khoảng 10% bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 phải dùng đến máy thở và thế giới đang thiếu trầm trọng thiết bị này. Hơn 9.000 công nhân với 4 nhà máy của Bkav thay vì chỉ sản xuất Bphone và đang bí đầu ra, sẽ biến “nguy” thành “cơ”, sẽ có việc làm ổn định và thu nhập cao từ sản xuất máy thở để cung cấp cho các bệnh viện.

 

Ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội, không để tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ tăng giá vẫn là ưu tiên hàng đầu để giảm tối đa tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó phải biến “nguy” thành “cơ”, đề ra cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, ổn định đời sống cho nhân dân trong thời gian có dịch, và đặc biệt là vực dậy, thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch.

 

LẠC VIỆT

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek