Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19.
Hội nghị được tổ chức vào ngày 10/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, với sự tham dự của các Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương.
Tại điểm cầu Phú Yên, các đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Đại Dương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Văn Cư, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành trên địa bàn tỉnh tham dự. Ở các huyện, thị xã, thành phố, lãnh đạo địa phương cùng đại diện các phòng ban liên quan cũng dự hội nghị trực tuyến này.
Hội nghị “4 trong 1”
Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền. Chúng ta cần hành động nhanh, hành động ngay, làm càng sớm càng tốt thì mới có thể giảm thiểu tác động của dịch bệnh đến đời sống kinh tế - xã hội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Dịch COVID-19 đã và đang gây tác động rất lớn đối với kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, do nền kinh tế đang hội nhập và có độ mở lớn, tác động của dịch COVID-19 là rất nghiêm trọng, đã ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô... Trong quý I/2020, mặc dù tăng trưởng cao nhất khu vực nhưng GDP chỉ đạt 3,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước, và thấp nhất kể từ năm 2011, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh: Trong bối cảnh nói trên, nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ việc phục hồi, phát triển kinh doanh thì sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn về kinh tế - xã hội, kể cả bất ổn xã hội. Do đó, hội nghị trực tuyến lần này được xem là hội nghị “4 trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước, quật cường của nhân dân Việt Nam để chiến thắng dịch bệnh COVID-19; đồng thời nỗ lực vượt khó, vươn lên trong sản xuất và đời sống. Nhiệm vụ của chúng ta là đảm bảo thực hiện nghiêm túc các biện pháp khống chế dịch bệnh. Sau dịch, phải làm sao biến nguy thành cơ, để nền kinh tế tăng tốc, không chỉ bù đắp những tổn thất rất lớn vừa qua mà còn đạt được những tầm nhìn, những quyết tâm về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng.
Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm đưa ra cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, mạnh mẽ, đúng và trúng để duy trì, phục hồi sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, đảm bảo đời sống trong thời gian có dịch, đặc biệt là thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh như một chiếc lò xo bị nén lâu ngày để đuổi kịp thời gian.
Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020 (gần 700.000 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD), không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Về triển khai gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước đã bố trí khoảng 62.000 tỉ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Vấn đề quan trọng là tổ chức thực hiện ở từng địa phương. Còn về bảo đảm an ninh trật tự trong bối cảnh khó khăn này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công an và các tỉnh, thành có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể, đặc biệt là đối với nạn trộm cắp, tội phạm hình sự phát sinh do thất nghiệp, làn sóng di cư lao động, người dân trở lại khu vực nông thôn, hành vi đầu cơ nâng giá, đồng thời có các biện pháp trấn áp các hành vi chống phá của thế lực thù địch, lợi dụng tình hình khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp thủy sản gặp khó khi bị hoãn đơn hàng do dịch COVID-19. Ảnh: LÊ HẢO |
Chuẩn bị điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ
Tại hội nghị, đại diện một số bộ, ngành Trung ương, địa phương đã báo cáo giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm trật tự an toàn xã hội cũng như công tác chủ động phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, du lịch, hàng không, vận tải, dệt may, da giày… Phần lớn doanh nghiệp ước tính doanh thu giảm mạnh từ 40-50% so với năm 2019 và chỉ có khả năng cầm cự trong ngắn hạn. Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài đến hết quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong thời gian có dịch cần tập trung vào các giải pháp nhằm giảm gánh nặng, giảm chi phí đầu vào, trách nhiệm các khoản phải đóng… nhằm giúp các doanh nghiệp tồn tại, cầm cự, vượt qua khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động, nâng cao khả năng chống chịu trong thời gian có dịch và sớm quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện thuận lợi trở lại. Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước.
Còn theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, trong bối cảnh dự báo thu ngân sách có thể giảm lớn nhưng vẫn phải đảm bảo chi đầu tư phát triển, tăng chi an sinh xã hội và phòng chống dịch bệnh, Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp cân đối nguồn lực đảm bảo chi ngân sách. Cụ thể là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương rà soát, cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài (riêng các cơ quan Trung ương dự kiến tiết kiệm được khoảng 600-700 tỉ đồng). Sử dụng dự phòng ngân sách triệt để tiết kiệm, trước mắt sử dụng khoảng 50% dự phòng của Trung ương và địa phương, tập trung cho các nhiệm vụ khắc phục hậu quả dịch COVID-19, các nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Thủ tướng và đang đàm phán với các nhà tài trợ như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Cơ quan phát triển Pháp (AFD) để có điều kiện vay ưu đãi nhất, dự kiến có thể vay với chi phí thấp từ các tổ chức này khoảng 1 tỉ USD.
Xây dựng kịch bản đưa nền kinh tế bật dậy sau dịch
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp vào nội dung hội nghị, Thủ tướng Chính phủ kết luận: Trong tình hình hiện nay, chúng ta cần tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội, tuy nhiên không ngăn sông cấm chợ, không ngăn cản vận chuyển hàng hóa, vật tư, thiết bị; vẫn tổ chức sản xuất nhưng phải bảo đảm khoảng cách để không lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kép, đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong quá trình thực hiện; chống nguy cơ đầu cơ nâng giá; tìm thị trường mới, biến nguy thành cơ. “Tôi đề nghị chúng ta cùng chung sức, đồng lòng, phối hợp chặt chẽ và có quyết tâm rất cao trong tổ chức thực hiện với tinh thần là dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi thì chúng ta cố gắng gấp ba”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc còn chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành khẩn trương xây dựng kịch bản để phục hồi, đưa nền kinh tế bật dậy nhanh sau dịch; đồng thời tổng hợp các khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất Chính phủ các giải pháp tháo gỡ ngay. |
LÊ HẢO