45 năm sau ngày giải phóng Phú Yên, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Thuế Phú Yên đã không ngừng phấn đấu vươn lên, đạt được nhiều thành tích nổi bật, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Vượt khó vươn lên
Tháng 9/1975, Phòng Thuế vụ được thành lập, trực thuộc Ban Tài chính giá cả TX Tuy Hòa. Những cán bộ thuế thời kỳ đầu là người tập kết từ miền Bắc trở về, người từ chiến khu ra và thanh niên tạm tuyển để làm nhiệm vụ. Thời kỳ này, các loại thuế tiếp tục được hoàn thiện, áp dụng đồng bộ trong cả nước, phù hợp với quá trình thống nhất các chính sách giá cả, tiền tệ, thị trường. Chính sách thuế đã được sửa đổi, cải tiến theo hướng động viên và tạo nguồn thu trong nước kết hợp với viện trợ, vay nợ từ nguồn vốn nước ngoài.
Ông Lâm Văn Danh, Trưởng Phòng Kiểm tra nội bộ Cục Thuế Phú Yên, cho hay: Năm 1980, sau khi tốt nghiệp THPT, đang công tác tại Đoàn phường 1 thì tôi được UBND phường 1 trưng tập làm công tác đăng ký kinh doanh. Lúc đó, tôi được biên chế vào tổ do anh Nguyễn Bá Lộc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, làm tổ trưởng và phụ trách địa bàn phường 4 (TX Tuy Hòa). Sau đợt công tác đó, tôi được tuyển dụng vào công tác tại Phòng Thuế vụ thị xã.
“Lúc này cả nước đang áp dụng mô hình kế hoạch hóa tập trung cho nền kinh tế, các nhà máy, xí nghiệp trong tỉnh chưa phát triển mạnh, do đó nhiệm vụ của ngành Thuế lúc này chủ yếu là thu thuế buôn chuyến của những người đi buôn liên tỉnh, liên huyện và các nguồn khác như thuế sát sinh, thuế thổ trạch, thuế siêu ngạch, thuế lợi tức... nhưng số thu không đáng là bao”, ông Dương Công Diệp, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Phú Hòa, là thanh niên tạm tuyển vào làm việc ở Trạm thuế 14 phụ trách thu thuế ở Bến xe Tuy Hòa lúc bấy giờ, nhớ lại.
Theo những cán bộ thuế thời kỳ đầu, khó khăn lúc bấy giờ ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn là cán bộ thuế phải độc lập tác chiến chứ chưa nhận được sự hỗ trợ của các cấp, ngành; bởi lẽ thời bao cấp, ngân sách được cấp phát từ trung ương, chính quyền địa phương chưa đặt nặng nhiệm vụ quản lý thuế.
Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ thuế còn non trẻ, chưa được đào tạo bài bản nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình công tác.
Chưa kể thời điểm này, các chủ trương, chính sách thuế từ trung ương xuống chưa được cập nhật kịp thời nên quá trình thực thi công vụ cũng có mặt hạn chế. Tuy vậy, vượt qua những khó khăn bước đầu, cán bộ thuế thời kỳ này luôn nỗ lực làm việc, tích cực trau dồi chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc được giao.
Từng bước hiện đại hóa
Giai đoạn 1990-2000 là thời kỳ cải cách thuế bước 1. Hệ thống thuế cả nước tổ chức theo một hệ thống dọc từ trung ương đến địa phương, trên cơ sở sáp nhập ba tổ chức: thuế nông nghiệp, thuế công thương nghiệp và thu quốc doanh thành một đầu mối thống nhất là Tổng cục Thuế. Theo đó ngày 1/10/1990, Cục Thuế Phú Yên chính thức được thành lập trên cơ sở hợp nhất 3 tổ chức thu ngân sách là Chi cục Thuế Công thương nghiệp, Bộ phận Thu quốc doanh và Ban Thuế nông nghiệp. Thời gian đầu, Cục Thuế có 7 phòng và 7 chi cục thuế với đội ngũ cán bộ công chức 272 người, trong đó có đến 65% chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ.
Ông Nguyễn Minh Thái, cục trưởng đầu tiên của Cục Thuế Phú Yên cho biết: Thời điểm đó, Văn phòng Cục Thuế và các chi cục thuế đều chưa có trụ sở; phương tiện làm việc, phục vụ công tác đều thiếu thốn. Anh em lúc đó khi thực hiện nhiệm vụ chủ yếu đều làm thủ công, từ viết mẫu tờ khai, tổng hợp số thu đến báo cáo tình hình thu ngân sách cho các cấp, ngành. Tuy khó khăn nhưng ngay từ khi thành lập, ngành Thuế Phú Yên luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp của các cấp chính quyền. Chưa kể, những năm đầu thành lập, từ tỉnh đến cơ sở luôn có hội đồng tư vấn thuế, việc thu ngân sách có gì khó khăn là hội đồng họp bàn biện pháp giải quyết, nên ngành Thuế luôn thực hiện đạt kế hoạch được giao. Nếu số thu ngân sách năm 1990 hơn 15 tỉ đồng thì đến năm 1999, số thu ngân sách gần 174 tỉ đồng, tăng 11,6 lần sau 10 năm thực hiện cải cách thuế bước 1.
Giai đoạn 2001-2015 là thời kỳ cải cách thuế bước 2, thực hiện cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế. Từ 2011-2015, ngành Thuế từng bước cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020. Cùng với ngành Thuế cả nước, ngành Thuế Phú Yên thực hiện mạnh mẽ Chiến lược cải cách hệ thống thuế, hướng đến mục tiêu xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Đến nay, cán bộ công chức ngành Thuế được trang bị phương tiện làm việc hiện đại, chất lượng đội ngũ cán bộ thuế cũng từng bước được nâng lên, đáp ứng yêu cầu công việc với số lượng công chức, người lao động hiện nay là 422 người, trong đó hơn 80% có trình độ đại học và trên đại học. Các dịch vụ phục vụ người nộp thuế ngày càng hiện đại hóa, 182/304 thủ tục hành chính đạt mức độ 3, 4, còn lại đạt mức độ 2. 100% doanh nghiệp thực hiện khai nộp thuế điện tử. Số thu năm 2019 đạt trên 7.000 tỉ đồng, vượt 500 lần so với số thu năm 1990, nhiệm vụ thu ngân sách năm 2020 là 9.000 đồng, tăng 643 lần so với năm đầu tiên thành lập ngành.
“Trải qua 45 năm xây dựng và phát triển, thế hệ đi trước truyền kinh nghiệm, truyền lửa cho thế hệ đi sau, để thành công tiếp nối thành công trên nhiều mặt công tác thuế, là tinh thần dám nghĩ, dám làm, tâm huyết, tận tâm tận lực phục vụ công tác quản lý thu, ngành Thuế Phú Yên đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Phú Yên nói.
Thời gian đến, ngành Thuế Phú Yên tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để hiện đại hóa công tác quản lý thuế, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan thuế, thực hiện thành công cam kết của ngành: Minh bạch - Chuyên nghiệp - Liêm chính - Đổi mới. Qua đó góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ của mình.
Ông Công Văn Lãnh, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế Phú Yên |
VIỆT AN