Ứng phó với SARS-CoV-2, ngành Công thương đang phối hợp với các doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh tăng cường dự trữ hàng hóa, triển khai các giải pháp ứng phó, kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, găm hàng… làm ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Đảm bảo nguồn cung
Nếu như những ngày trước, người dân đổ xô đi mua vật tư, thiết bị y tế, lương thực, thực phẩm thiết yếu về tích trữ sau khi nghe thông tin nước ta có người nhiễm SARS-CoV-2 thì hiện nay, mức tiêu thụ hàng hóa của người dân đã ổn định trở lại, các điểm bán không còn tình trạng thiếu hụt hàng hóa.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nga ở xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa, bày tỏ: Khi mới nghe thông tin có người nhiễm bệnh, bản thân tôi rất lo ngại và chạy đến các điểm bán để mua đồ dùng, thực phẩm về trữ với mục đích có thể hạn chế đi lại khi dịch bùng phát, tuy nhiên, đó là phản ứng nhất thời.
Còn hiện nay, tôi nhận thấy thực phẩm, hàng hóa cung ứng tại tỉnh rất nhiều, người dân không nhất thiết phải thi nhau mua, cứ hết đến đâu thì mua đến đó. Vì nếu dịch bệnh bùng phát mạnh hay xảy ra tình huống phải cách ly thì Nhà nước, chính quyền cũng không để người dân thiếu, đói.
Dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến bức tạp. Để người dân an tâm trong thời gian chống dịch, nhất là không phải lo thiếu đồ dùng, thực phẩm, ngành Công thương, chính quyền địa phương, doanh nghiệp đẩy mạnh các biện pháp kiểm soát thị trường, bảo đảm cung cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mọi thời điểm.
Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc tăng cường các biện pháp đảm bảo cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng, Sở Công thương đã triển khai các giải pháp cụ thể để huy động tối đa, hiệu quả các nguồn hàng phục vụ nhân dân trong thời gian chống dịch bệnh. Hàng ngày, sở chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi, nắm bắt nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân, nhất là mặt hàng thiết yếu; lập kế hoạch dự trữ, phân phối đảm bảo ứng phó với tình hình phòng, chống dịch bệnh. Đơn vị đã chỉ đạo, vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tăng cường dự trữ hàng hóa, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh.
Ông Đặng Trường Giang, Chủ siêu thị Gmart (huyện Sông Hinh), cho biết: Theo yêu cầu của ngành Công thương, những ngày qua, siêu thị tăng gấp đôi lượng hàng nhập kho để dự trữ, phòng trường hợp nhu cầu người dân tăng cao. Hiện nay, nhu cầu mua sắm thực phẩm thiết yếu, đồ dùng của người dân trên địa bàn huyện không tăng nên siêu thị đảm bảo cung cấp đủ cho người dân và có kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, phòng khi lượng cầu tăng đột biến. Còn theo bà Hồ Thị Bích Hải, đại diện Công ty TNHH Thương mại Hải Lâm (TP Tuy Hòa), các mặt hàng doanh nghiệp cung ứng lâu nay chủ yếu là mì ăn liền, bột ngọt, bột giặt, dầu ăn... Hiện người dân không mua nhiều, tuy nhiên để phân phối đủ hàng cho các đại lý, doanh nghiệp cũng chủ động nguồn vốn hiện có và nhập hàng với số lượng nhiều hơn 10-20%.
Chủ động phối hợp, ứng phó
Theo ông Trần Văn Tân, ngành Công thương đã phối hợp với các ngành chức năng, địa phương để thông tin đến người dân, doanh nghiệp về tình hình diễn biến và các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Sở đã chỉ đạo Thanh tra Sở phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, Ban chỉ đạo 389 tỉnh quản lý, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán theo giá niêm yết, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa, đầu cơ, tích trữ hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, nhất là khẩu trang, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch.
Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm soát hàng hóa lưu thông trên thị trường, kiên quyết xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, găm hàng, đầu cơ, nâng giá bất hợp lý. Cùng với hoạt động kiểm tra, các lực lượng cũng sẽ vận động, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân và nhân dân sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và đẩy mạnh sản xuất để ứng phó, phòng chống dịch bệnh trong thời gian dài và liên tục.
Ông Võ Đình Tiến, Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, cho biết: Trong những ngày bùng phát dịch vừa qua, nhu cầu hàng hóa thiết yếu, đồ dùng của người dân trên địa bàn không có dấu hiệu tăng đột biến. Địa phương đã chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiếp tục theo dõi, nắm bắt nhu cầu hàng hóa của người dân, lượng cung tại các chợ, cửa hàng… qua đó sẽ phối hợp với các ngành chức năng để cùng theo dõi và có kế hoạch cung ứng, kiểm soát hàng hóa…, nhằm không để khan hàng khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Sở Công thương đã triển khai các giải pháp cụ thể để huy động tối đa, hiệu quả các nguồn hàng phục vụ nhân dân trong thời gian chống dịch bệnh. Hàng ngày, sở chỉ đạo các bộ phận chuyên môn theo dõi, nắm bắt nhu cầu sử dụng hàng hóa của người dân, nhất là mặt hàng thiết yếu; lập kế hoạch dự trữ, phân phối đảm bảo ứng phó với tình hình phòng, chống dịch bệnh.
Ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công thương |
KHANG ANH