Nhiều vị trí lạch sông Ngọn (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) đang bị bồi lấp, lấn chiếm nuôi trồng thủy sản trái phép, khiến tàu thuyền của ngư dân gặp nhiều khó khăn khi lưu thông ra vào khu neo đậu tránh trú bão.
Phải đi nơi khác sửa chữa tàu
Theo Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, lạch sông Ngọn dài 6km, là nơi neo đậu tránh trú bão của 450 tàu cá ngư dân xã Hòa Hiệp Nam và thị trấn Hòa Hiệp Trung. Trước đây, lạch rộng từ 120-300m, lòng sông sâu nên tàu thuyền của ngư dân ra vào, neo đậu tránh trú bão khá dễ dàng. Những thời gian gần đây, lòng sông bị cát hai bên bờ bồi lấp, lòng sông cạn dần, khiến tàu thuyền của ngư dân gặp nhiều khó khăn khi ra vào khu neo đậu, nhất là thời điểm triều kiệt.
Hiện trên lạch sông Ngọn đoạn qua khu vực thôn Đa Ngư có khoảng 250m lòng sông bị bồi lấp, cạn kiệt. Ngoài ra, có hàng chục hộ dân đã lấn chiếm mặt nước dọc hai bên bờ sông để nuôi tôm, vẹm, khiến lòng sông bị bó hẹp, có chỗ chỉ còn rộng từ 10-15m. Đặc biệt, khu vực gần cảng cá Phú Lạc đang bị người dân lấn chiếm xây dựng hồ bằng bê tông kiên cố để nuôi trồng thủy sản trái phép.
Ngư dân Phạm Lập, chủ tàu PY95174TS cho biết: “Tàu cá của gia đình tôi hành nghề câu cá ngừ đại dương, sau mỗi chuyến biển dài ngày, hoặc khi có bão trên biển Đông, tôi thường đưa tàu về neo đậu tại lạch sông Ngọn, vì nơi đây rất an toàn. Năm nay, lạch sông Ngọn bị cạn kiệt, tàu cá của tôi neo đậu trong lạch từ trước Tết Nguyên đán đến giờ vẫn chưa thể vươn khơi được, dù rất “nóng lòng” nhưng đành phải chờ khi triều lên thì tàu mới ra khỏi lạch được”.
Các tàu cá bị hỏng thiết bị muốn vào lạch sông Ngọn để sửa chữa, thay mới cũng gặp không ít khó khăn. Ngư dân Phạm Luyện, chủ tàu vỏ thép, than thở: “Gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ đóng tàu cá theo Nghị định 67. Sau một thời gian vươn khơi, tàu cần phải thay mới một số thiết bị, thế nhưng lạch sông Ngọn bị bồi, tàu không thể vào cơ sở đóng tàu để sửa chữa được. Chúng tôi phải đưa tàu vào tận TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa để sửa chữa. Nếu như trước đây, kinh phí sửa tàu tại địa phương chỉ mất từ 150-200 triệu đồng, thì nay tăng gấp đôi”.
Tốn hàng trăm triệu đồng nạo vét lòng sông
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, khu neo đậu, tránh trú bão lạch sông Ngọn được quy hoạch đảm bảo cho 1.000 tàu cá có công suất 500-1.000CV neo đậu, tránh trú bão an toàn. Trước tình trạng lòng sông thường xuyên bị bồi lấp, cạn kiệt, mỗi năm UBND huyện phải bỏ kinh phí từ 120-150 triệu đồng để nạo vét tạm thời lòng sông thì tàu cá mới có thể ra vào khu neo đậu.
UBND huyện cũng đã kiến nghị các cơ quan chức năng tỉnh tiến hành nạo vét lạch sông Ngọn đảm bảo tàu thuyền ra vào thuận lợi; tạo điều kiện để dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển, nhất là phát huy hiệu quả của âu thuyền tránh trú bão. Đối với tình trạng người dân lấn chiếm dọc hai bên lòng sông để nuôi vẹm, huyện đã đi kiểm tra, lập biên bản vi phạm và sẽ sớm tháo dỡ, di dời.
Trước đó, ngày 20/2, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT và huyện Đông Hòa trực tiếp đi khảo sát dọc lạch sông Ngọn. Đồng chí Trần Hữu Thế chỉ đạo huyện Đông Hòa có biện pháp mạnh xử lý tình trạng lấn chiếm lòng sông, tạo luồng lạch thông thoáng cho tàu thuyền ra vào khu neo đậu, tránh trú bão. UBND huyện Đông Hòa cần rà soát lại số lượng tàu thuyền, những khó khăn, vướng mắc, đề xuất UBND tỉnh giải pháp sớm giải quyết tình trạng lạch sông Ngọn bị bồi lấp, góp phần phát huy hiệu quả khu neo đậu, tránh trú bão, tạo thuận lợi cho ngư dân vươn khơi bám biển.
Tỉnh không quy hoạch lòng sông Ngọn nuôi vẹm, chính quyền địa phương cần xử lý nghiêm, sớm giải tỏa những bè nuôi vẹm, trả lại luồng lạch thông thoáng để tàu thuyền ra vào.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT |
TRẦN CƯ - ANH NGỌC