Niên vụ mía đường 2018-2019, các nhà máy đường gặp vô vàn khó khăn do tác động tiêu cực của thời tiết cũng như biến động của thị trường đường thế giới. Nhiều diện tích mía hư hại, nông dân phá bỏ khiến vùng nguyên liệu mía bị thu hẹp. Bước vào vụ ép mới, các nhà máy đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người trồng mía, với quyết tâm giữ vùng nguyên liệu.
Kết thúc niên vụ nhiều khó khăn
Theo Ban điều hành chương trình mía đường, sắn tỉnh, niên vụ 2018-2019, do nắng hạn kéo dài, mía chết nhiều nên diện tích mía toàn tỉnh giảm gần 6% (còn khoảng 27.985ha); năng suất và sản lượng đều giảm đáng kể. Ngoài ra, các nhà máy đường trong tỉnh đã thu mua và chế biến 1,1 triệu tấn mía, giảm 32,2% so với vụ trước. Nguyên nhân là đầu vụ mưa lớn kéo dài, các doanh nghiệp chế biến đường vào vụ chậm nên xảy ra tình trạng sản lượng mía chín bị bán ra ngoài tỉnh.
Mặc dù các nhà máy mía đường của Phú Yên đã thu mua mía với giá cao hơn so với các nhà máy đường lân cận, nhưng giá mía vẫn thấp hơn so với vụ trước. Trong khi đó, giá công thu hoạch tăng hơn 50.000 đồng/tấn so với vụ trước (công thu hoạch từ 270.000-300.000 đồng/tấn) đã ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ trồng mía cũng như kế hoạch sản xuất kinh doanh của các nhà máy đường.
Theo Sở Công thương, vụ ép 2018-2019, các nhà máy đường đã chế biến gần 101.965 tấn, giảm 31,2% so với vụ trước nhưng việc tiêu thụ vẫn rất khó khăn. Đến nay, các nhà máy mới chỉ bán ra hơn một nửa sản lượng đường chế biến với giá rất thấp. Cụ thể, đường RS của TUSUCO (Công ty CP Mía đường Tuy Hòa) bán với giá 9.867 đồng/kg; đường RS của KCP (Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam) giá 10.570 đồng/kg và đường RE giá 12.090 đồng/kg.
Nguyên nhân là do giá đường thế giới xuống thấp, đường trên thị trường thừa do đường nhập theo hạn ngạch và nhập lậu nhiều; sức tiêu thụ đường chậm do một số đơn vị sản xuất thực phẩm và nước giải khát sử dụng chất tạo ngọt thay đường nguyên liệu đầu vào. Ngoài ra, đường lỏng xi rô cũng được nhập với thuế suất 0% càng gây áp lực lên ngành Mía đường trong nước nói chung và Phú Yên nói riêng.
Nỗ lực giữ vùng nguyên liệu
Bước vào niên vụ mía đường 2019-2020, Nhà máy đường Tuy Hòa và Nhà máy đường KCP bắt đầu vụ ép từ ngày 5/2. Tuy nhiên, từ ngày 4/2 đến nay xuất hiện tình trạng một số tư thương thu mua mía để bán ra ngoài tỉnh, đặc biệt là ở huyện Sông Hinh. Ước tính mỗi ngày, các thương lái thu mua và vận chuyển ra ngoài tỉnh khoảng 1.000 tấn mía. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến vùng nguyên liệu và gây thêm nhiều khó khăn cho các nhà máy mía đường trong tỉnh.
Bà Tôn Nữ Diễm Tú, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Mía đường Tuy Hòa (huyện Tây Hòa), cho biết: Do ảnh hưởng của vụ mía trước, nhiều diện tích trồng mía bị thu hẹp do người dân chuyển sang trồng sắn khiến diện tích vùng nguyên liệu của TUSUCO giảm mạnh. Thế nhưng, từ đầu tháng 2, khi nhà máy chưa bắt đầu vào vụ thì đã có nhiều thương lái thu mua mía trong vùng nguyên liệu của đơn vị, tập trung chủ yếu ở huyện Sông Hinh.
Điều này khiến việc sản xuất của Nhà máy đường Tuy Hòa gặp không ít khó khăn. Trong vụ ép mới, Nhà máy đường Tuy Hòa áp dụng giá thu mua mía 800.000 đồng/tấn mía sạch có chữ đường từ 8,5CCS; đồng thời áp dụng chính sách thưởng 30.000 đồng/tấn mía sạch có phần trăm tạp chất từ 1% trở xuống và thưởng 20.000 đồng/tấn mía sạch có phần trăm tạp chất trên 1-2%.
Trong khi đó, Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (huyện Sơn Hòa) áp dụng giá thu mua mía là 830.000 đồng/tấn mía sạch đối với mía 10 chữ đường. Cứ mỗi 0,1% chữ đường tiếp theo sẽ được cộng thêm 8.300 đồng để khuyến khích nông dân đầu tư nâng cao chất lượng cây mía. Ngoài ra, người nông dân còn được hưởng các chế độ khác như hỗ trợ tiền vận chuyển, bảo hiểm chữ đường 9%CCS, hỗ trợ trung chuyển 20.000 đồng/tấn mía sạch; thưởng 30.000 đồng/tấn mía sạch khi hoàn thành hợp đồng mà không vi phạm các điều khoản đã ký kết.
Theo ông K.V.S.R Subbaiah, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, mặc dù ngành Mía đường đang gặp nhiều khó khăn; giá đường xuống thấp nhưng năm nay KCP vẫn cố gắng duy trì giá thu mua mía khá cao để khuyến khích bà con giữ vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó, đơn vị cũng khuyến khích người trồng mía ứng dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào trồng trọt, thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, giảm chi phí sản xuất.
Cụ thể, KCP không tính lãi suất đầu tư phân, giống và tiền mặt nằm trong chính sách đầu tư của công ty. Với những khoản vay tiền mặt nằm ngoài chính sách hỗ trợ cố định, đơn vị cũng tính mức lãi suất ưu đãi 0,5%/tháng để khuyến khích người dân đầu tư nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng cho vùng nguyên liệu.
Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban điều hành mía đường, sắn tỉnh, cho biết: Thời gian qua, ngành Mía đường trong nước liên tục gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của thời tiết cũng như những tác động của thị trường đường thế giới.
Chính phủ và tỉnh đã và đang nỗ lực hỗ trợ ngành Mía đường trong nước. Tuy nhiên, bản thân các nhà máy đường cũng cần kiên trì triển khai nhiều giải pháp ứng biến; mà trước hết là giữ được vùng nguyên liệu để duy trì hoạt động của các nhà máy. Thời gian tới, các đơn vị cần đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu trồng thâm canh và thu hoạch để giảm áp lực phụ thuộc công lao động; hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng; phát huy các mô hình tưới nhỏ giọt… Bên cạnh đó, các đơn vị cần tiếp tục nghiên cứu sản xuất các sản phẩm sau đường để tận dụng các phụ phẩm và đa dạng hóa sản phẩm, tạo nguồn thu hỗ trợ để tăng giá mua mía cho nông dân.
NGÔ XUÂN