Cửa ngõ của đô thị là nơi các phương tiện giao thông đối ngoại tiếp cận với đô thị. TP Tuy Hòa có ba loại phương tiện giao thông đối ngoại gồm đường bộ, đường sắt và đường hàng không, nên có các cửa ngõ tương ứng với ba loại hình giao thông trên.
Đường hàng không trở thành động lực, mở cánh cửa cho TP Tuy Hòa bay cao hơn, vươn xa hơn, là cầu nối xích lại gần hơn với thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật lớn của cả nước. |
1. Đường bộ có ưu điểm là cơ động, giá rẻ, thích nghi với việc đi lại gần; nhược điểm là khối lượng vận chuyển nhỏ, độ an toàn thấp. TP Tuy Hòa có ba cửa ngõ giao thông đường bộ. Trong đó, cửa ngõ phía bắc là nút giao giữa đại lộ Nguyễn Tất Thành và đại lộ Hùng Vương với quốc lộ 1 đi Bình Định. Cửa ngõ phía nam là nút giao giữa đường Nguyễn Văn Linh và đại lộ Nguyễn Tất Thành với quốc lộ 1 đi Khánh Hòa. Cửa ngõ phía tây là nút giao giữa đường Hải Dương với cải lộ tuyến, nối với quốc lộ 25 đi Gia Lai. Các nút giao thường được quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan với tượng đài, cụm pa nô hay cổng chào hoành tráng biểu trưng cho thành phố, vườn hoa cây xanh...
Nói thêm một chút về đường Hải Dương, đường này dài khoảng 2km, lộ giới theo quy hoạch rộng 52m với mặt cắt ngang 6 làn xe ô tô, có 3 dải phân cách trồng cây xanh và 2 bên lề đường dành cho người đi bộ. Tuy nhiên, hiện trạng đường và cầu rất nhỏ, các phương tiện giao thông quá đông, nhất là giờ cao điểm. Theo chúng tôi, đường Hải Dương cần sớm đầu tư mở rộng, kể cả cầu Trần Hưng Đạo qua sông Bơ. Tên cầu Trần Hưng Đạo nên đổi lại thành cầu Hải Dương vì cầu là điểm đầu của đường Hải Dương.
2. Đường sắt có ưu điểm là ít lệ thuộc vào thời tiết, vận tốc trung bình, an toàn, có khối lượng vận chuyển lớn, giá thành rẻ; nhược điểm là không cơ động. Ga Tuy Hòa là cầu nối giữa giao thông đường sắt với TP Tuy Hòa, được đầu tư xây dựng từ thời Pháp thuộc. Trước năm 1989, ga Tuy Hòa chỉ là ga cấp huyện, nhiều chuyến tàu chính không dừng lại sân ga để nhận và trả khách; nhà ga nhỏ, lối đi lại trong sân ga còn đất đá, không có mái che mưa nắng cho khách khi đợi tàu.
Vị trí nhà ga Tuy Hòa, phía trước sân ga là đường Lê Trung Kiên, đấu nối với các đường lớn như Trần Phú, Nguyễn Huệ, Lê Lợi và Trần Hưng Đạo, nên rất thuận lợi cho việc đi lại tới sân ga. Nhà ga cùng với các công trình công cộng khác như nhà thờ Tuy Hòa, trụ sở UBND thành phố, Đài Phát thanh - Truyền hình Phú Yên, nhà văn hóa Diên Hồng và quần thể công viên Núi Nhạn là tuyến phố có không gian rất đẹp, thoáng đãng, cao ráo không bao giờ ngập lụt.
Sau ngày tái lập tỉnh năm 1989, ga Tuy Hòa trở thành ga chính, ga cấp tỉnh, tất cả các đoàn tàu khách ra Bắc vào Nam đều dừng lại để đón và trả khách. Nhà ga, sân ga, các mái che sau ngày tái lập tỉnh cũng đã được đầu tư xây dựng để phục vụ tốt cho công tác chạy tàu, đón và trả khách.
Nhà ga đường sắt được xếp loại “công trình công cộng đặc biệt” trong thành phố, nhưng nhà ga Tuy Hòa có kiến trúc không được đẹp mấy. Theo chúng tôi, ngành Đường sắt cần tuyển chọn phương án kiến trúc nhà ga có tính thẩm mỹ, biểu tượng nghệ thuật cao, xứng tầm với cấp thành phố và sớm cải tạo, nâng cấp lại công trình này.
3. Đường hàng không có ưu điểm là rút ngắn thời gian đi lại, thuận lợi cho việc đi xa, có nhược điểm là chịu ảnh hưởng thời tiết, giá thành đắt, đòi hỏi kỹ thuật cao. Cảng hàng không Tuy Hòa tên cũ là sân bay Đông Tác, thuộc phường Phú Thạnh, cách trung tâm TP Tuy Hòa khoảng 5km về phía nam theo đại lộ Hùng Vương. Sân bay Đông Tác được xây dựng vào năm 1960, là căn cứ không quân lớn ở khu vực Nam Trung Bộ của không lực Hoa Kỳ. Từ sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975 đến nay là sân bay quân sự và đổi tên là Cảng hàng không Tuy Hòa. Đến năm 1996, cửa ngõ hàng không mới được mở ra cho đô thị Tuy Hòa và bắt đầu kết hợp là sân bay dân dụng, ban đầu 2 chuyến một tuần đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và ngược lại. Hiện nay, các chuyến bay được tăng lên, công suất đạt tới 550.000 khách/năm và đến năm 2022 là 850.000 khách/năm.
Nhà ga hành khách được xây dựng mới vào năm 2016 có kiến trúc đẹp, hình khối, đường nét mới lạ, rộng rãi khang trang, diện tích xây dựng 638m2, phía trước là quảng trường sân ga rộng hơn 3ha thuận lợi cho xe đưa đón khách; mở cổng chính ra vào về phía đông nam, đấu nối với đại lộ Hùng Vương.
Từ Cảng hàng không Tuy Hòa về trung tâm thành phố, đi trên đại lộ và cầu Hùng Vương rộng mở, hai bên là các khu đô thị, đất đai đầy tiềm năng còn chưa được khai thác hết. Đại lộ Hùng Vương phía nam cầu trồng cây xanh bóng mát hai bên lề và ở giữa dải phân cách; điểm xuyến những cụm tượng, cụm phù điêu nghệ thuật làm không gian kiến trúc cảnh quan trên tuyến đường này thêm sinh động. Nút giao thông phía nam cầu Hùng Vương còn là bãi đất trống, có thể kết hợp làm nơi đỗ ô tô dưới tán cây xanh cho khu đô thị bờ nam sông Đà Rằng.
4. Về đường thủy, Phú Yên có cảng Vũng Rô, nhưng cách trung tâm TP Tuy Hòa hơn 10km, nên chưa phải là cửa ngõ, là động lực đối với quá trình hình thành và phát triển của đô thị. Cảng phường 6 và Đông Tác chỉ là cảng cá, vị trí cảng không ổn định, thường bị bồi lấp.
Cửa ngõ và đoạn đường từ cửa ngõ vào trung tâm thành phố là động lực, là bộ mặt của đô thị, địa phương và ngành dọc cần có sự hợp tác đầu tư, không nên trông chờ vào nhau. Thành phố trẻ Tuy Hòa đang từng bước phấn đấu để xây dựng một đô thị xanh - sạch - đẹp và từng bước hiện đại, trong đó các cửa ngõ đô thị cần phải được ưu tiên làm trước.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG