Thứ Bảy, 28/09/2024 18:16 CH
Cùng nhau gỡ khó, tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp
Thứ Bảy, 17/08/2019 08:00 SA

Đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (trái) trao đổi với các nông dân tiêu biểu trong tỉnh về kết nối cung cầu, ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp - Ảnh: HỒ NHƯ

Đó là một trong những mục tiêu trọng tâm được đề ra tại chuỗi hoạt động Trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ nông, lâm, thủy sản năm 2019 do UBND tỉnh Phú Yên phối hợp với các bộ KH-CN, NN-PTNT tổ chức diễn ra từ ngày 15-16/8.

 

Tháo gỡ khó khăn, giúp nông dân yên tâm sản xuất

 

Ngày 16/8, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì hội nghị Gặp gỡ, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với nông dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Hơn 200 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân sản xuất tiêu biểu trong tỉnh tham dự. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông lâm, thủy sản năm 2019 do UBND tỉnh tổ chức.

 

Tại buổi đối thoại, nông dân, doanh nghiệp đã phản ánh đến lãnh đạo tỉnh về những khó khăn, vướng mắc trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay như các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho nông dân, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông lâm thủy sản, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, nhiều nông dân như ông Đặng Ngọc Phú (huyện Tây Hòa), Nguyễn Văn Tâm (huyện Phú Hòa)… quan tâm đến các chính sách hỗ trợ nông dân về sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn cũng như việc chứng nhận, xây dựng nhãn mác, thương hiệu; hỗ trợ nông dân sản xuất nông sản công nghệ cao…

 

Trên cơ sở lắng nghe những ý kiến của nông dân và doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh và các nhà khoa học đã trực tiếp trao đổi, giải đáp, tháo gỡ những khó khăn giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.

 

Giám đốc Sở NN-PTNT Nguyễn Trọng Tùng cho biết: Phú Yên có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được Chính phủ phê duyệt và đang được đầu tư cơ sở hạ tầng sẽ là điều kiện quan trọng để thúc đẩy các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh liên quan đến nông nghiệp. Tuy nhiên một khó khăn hiện nay trong sản xuất nông nghiệp chính là đầu ra cho các sản phẩm, chi phí đầu tư các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao khá lớn.

 

UBND tỉnh đã có chủ trương thúc đẩy các chương trình kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu vào đối tượng hợp tác xã, người nông dân tham gia các mô hình liên kết chuỗi giá trị nhằm hỗ trợ vốn, đầu ra để mở rộng đầu tư sản xuất; tích cực kêu gọi các nhà đầu tư tham gia sản xuất tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao...

 

Một trong những hướng phát triển mới được đề xuất nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, hữu cơ là kết hợp với phát triển du lịch. Theo GS-TS, chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng, bên cạnh các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì người dân cũng có thể tìm hiểu từ nhiều kênh khác nhau, ví dụ như các doanh nghiệp tin cậy trong lĩnh vực này.

 

Kết thúc đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trí tuệ, rất thẳng thắn của bà con nông dân cũng như những phần giải đáp cụ thể, trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị liên quan. Đồng thời khẳng định, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân, mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, cũng như giúp nông dân phát huy hết khả năng làm giàu cho bản thân, cho đất nước.

 

Để ngành Nông nghiệp tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc hơn trong thời gian tới cần có sự chung tay, chung sức của “5 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, ngân hàng). Mỗi nhà cần phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của mình; phối hợp, liên kết chặt chẽ và nhịp nhàng với 4 nhà còn lại tạo nên sức mạnh tổng hợp, hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp và kết nối cung cầu để nâng cao giá trị, tăng sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Có như vậy, ngành Nông nghiệp Phú Yên mới thực sự phát triển bền vững; các mặt hàng nông sản mang thương hiệu Phú Yên sẽ có cơ hội tham gia, hội nhập với thị trường trong nước và thế giới.

 

Tại hội nghị, một số đơn vị đã ký kết hợp tác với nhau trong ứng dụng công nghệ vào chuỗi sản xuất nông, lâm, thủy sản dưới sự chứng kiến của ban tổ chức.

 

Ứng dụng công nghệ trong sản xuất, chế biến

 

Nằm trong chuỗi hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản tỉnh Phú Yên năm 2019, chiều cùng ngày cũng đã diễn ra Hội thảo “Ứng dụng và đổi mới công nghệ trong sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Phú Yên”.

 

Chủ trì hội thảo có các đồng chí Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ; Lê Văn Cựu, Giám đốc Sở KH-CN; Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cùng với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia và gần 100 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý của tỉnh, viện, trường, hiệp hội, hội đoàn thể, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học về ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp - Ảnh: PV

 

Tại hội thảo, các nhà quản lý, khoa học, chuyên gia đã trình bày tham luận về các chủ đề như: Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp - những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển; thu hút đầu tư ứng dụng KH-CN, công nghệ cao phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; thách thức đối với cây mía Phú Yên trong bối cảnh hội nhập; Xu hướng, thực trạng và giải pháp phát triển công nghệ bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam - Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; phát triển nông nghiệp thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu…

 

Tại diễn đàn này, các nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, thảo luận về khả năng hợp tác, triển khai ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nhằm thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ, góp phần đưa nhanh tiến bộ KH-CN vào sản xuất các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương; nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

 

Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng nhấn mạnh: Với sự góp mặt của các nhà quản lý, nhà cung cấp công nghệ, các doanh nghiệp đang có nhu cầu về đổi mới công nghệ… sẽ thuận lợi cho việc kết nối, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

 

Đổi mới công nghệ theo chuỗi để phát triển rừng trồng

 

Cũng nằm trong chuỗi hoạt động trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, tại Hội thảo Đổi mới công nghệ theo chuỗi để phát triển rừng trồng tại Phú Yên, đại diện Sở NN-PTNT cho biết Phú Yên hiện có 7 doanh nghiệp đầu tư vốn, công nghệ vào trồng rừng với diện tích hơn 10.055ha, trong đó có 3 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ rừng với tổng diện tích khoảng 8.635ha gồm Công ty TNHH MTV Bảo Châu, Công ty TNHH Bình Nam và Công ty TNHH Trồng rừng Trường Thành OJI.

 

Hiện có 15 doanh nghiệp đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị để sản xuất sản phẩm mộc hoàn chỉnh, viên nén, ván dăm xuất khẩu và bán nội địa; ngoài ra, còn có 2 HTX là Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa) và Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) tham gia dự án do Cơ quan Nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (FFD) hỗ trợ hộ gia đình cá nhân trồng rừng quy mô nhỏ tại Việt Nam và hướng tới cấp chứng chỉ rừng.

 

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau thảo luận, bàn giải pháp liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm lâm nghiệp góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Phú Yên theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững; phát triển rừng sản xuất theo mô hình chứng chỉ rừng FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững của Hội đồng Quản lý rừng thế giới) đối với hộ gia đình; phát triển trồng rừng theo chuỗi liên kết để nâng cao giá trị và phát triển bền vững; vai trò của doanh nghiệp lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đối với việc phát triển trồng rừng sản xuất theo chuỗi liên kết; cơ chế chính sách trong việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất tại Việt Nam và một số giải pháp, chính sách cho tỉnh Phú Yên.

 

Hội thảo này là diễn đàn để tỉnh có cơ hội lắng nghe, tiếp thu các ý kiến, tham luận của quý vị lãnh đạo, các tổ chức quốc tế, các nhà khoa học, chuyên gia… về định hướng đổi mới tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi giá trị phát triển rừng trồng tại Phú Yên nhằm triển khai hiệu quả đề án Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế

 

NHÓM PHÓNG VIÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek