Thứ Ba, 01/10/2024 02:33 SA
Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao đời sống người dân miền núi
Thứ Năm, 11/07/2019 10:13 SA

Mô hình trồng cam của ông Nguyễn Hữu Bằng ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho hiệu quả kinh tế cao - Ảnh: MINH DUYÊN

Vùng miền núi của tỉnh lấy sản xuất nông nghiệp làm tiền đề phát triển kinh tế. Thời gian qua, nhiều mô hình sản xuất theo hướng nâng cao kỹ thuật thâm canh, đa dạng cây trồng để tăng năng suất và chất lượng nông sản đã được triển khai và nhân rộng, giúp người dân vùng miền núi tăng thu nhập.

 

Hiệu quả từ các mô hình sản xuất

 

Sau thành công của các mô hình đưa lúa lai lên đất núi, trồng cây ăn trái…, huyện Sông Hinh tiếp tục triển khai các mô hình này theo hướng nâng cao kỹ thuật canh tác, nhân rộng diện tích gieo trồng. Ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, cho biết: Địa phương đang triển khai mô hình thâm canh cây lúa nước trên đất mới khai hoang tại trạm bơm buôn Học, xã Ea Lâm với quy mô gần 4,4ha, thu hút 16 hộ tham gia, gồm các giống PY13, CH33, VN121…

 

Đồng thời trồng thử nghiệm một số giống lúa thuần chất lượng cao như Cốm 4, LH12, Hồng Đức 9, Thơm Lài… diện tích khoảng 1,2ha tại các xã Sơn Giang và Đức Bình Tây. Bên cạnh đó, huyện còn nhân rộng diện tích mô hình trồng cây ăn trái tại 11 xã, thị trấn lên 39,3ha, tăng hơn 29ha so với năm 2017 với các giống chủ lực như cam, bơ, sầu riêng, xoài, ổi, bưởi, mít…

 

Với các mô hình trên cây lúa, đơn vị chuyển giao kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa để giảm lượng giống gieo sạ, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả kinh tế và áp dụng rộng rãi kỹ thuật thâm canh. Sau hơn 1 năm thực hiện, bà con đã giảm dần lượng giống gieo sạ từ 160kg/ha xuống còn 80-120kg/ha.

 

Diện tích sử dụng giống lúa đạt chuẩn cấp nguyên chủng và xác nhận là 1.150ha, chiếm trên 67% tổng diện tích gieo trồng. Với mô hình cây ăn trái, để hướng tới sản xuất sạch theo chuẩn VietGAP, Phòng NN-PTNT huyện khuyến khích các hộ sử dụng phân hữu cơ, tái tạo đất bằng cách khôi phục môi trường sống cho vi sinh vật có lợi, thu hút thiên địch tấn công vi sinh vật có hại…

 

Huyện Đồng Xuân cũng triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất, từng bước đa dạng cây trồng, tránh rủi ro trong sản xuất. Theo ông Trần Quốc Huy, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện, hơn năm qua, ngoài cây lúa, địa phương còn thực hiện các mô hình sản xuất trên các cây trồng khác, như mô hình thâm canh cây đậu phộng với diện tích 21ha tại xã Xuân Phước, thâm canh cây mít tại xã Xuân Sơn Bắc với quy mô 7ha và trồng rừng thâm canh gỗ lớn giống keo lá tràm tại các xã Xuân Quang 1, Xuân Quang 2, Đa Lộc với quy mô 60ha. Qua đó giúp bà con thay thế diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả; chuyển giao kỹ thuật trồng cây ăn trái; và trồng rừng tăng hiệu quả kinh tế.

 

Ở huyện Sơn Hòa, địa phương cũng triển khai nhiều mô hình sản xuất, trong đó nhiều nhất là các mô hình trên cây mía, từng bước hướng tới xây dựng cánh đồng mía lớn. Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở NN-PTNT), cho biết: Trong năm qua, đơn vị đã triển khai 3 mô hình trên cây mía tại các xã Ea Chà Rang và Krông Pa, chú trọng tới việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

 

Theo đó, đơn vị đã hỗ trợ 7 giàn phun mưa cho 7 hộ để tưới nước cho mía trên diện tích 7ha, 4 giàn thiết bị trồng và bón phân cho 8 hộ trên diện tích 8ha. Kết quả mía tưới nước cho năng suất cao hơn trồng mía ăn theo nước trời 18 tấn/ha, cho hiệu quả kinh tế cao hơn 2,4 triệu đồng/ha; còn khâu trồng và bón phân bằng máy tiết kiệm được 2 triệu đồng chi phí cho mỗi hécta.

 

Mang lại lợi ích cho người dân

 

Theo ông Phạm Minh Trí ở xã Ea Chà Rang, so với canh tác thủ công, khi trồng và bón phân bằng máy có thể tiết kiệm được 1 lần cày (tương đương 1 triệu đồng) và giảm được 10 công lao động. “Nếu tính ở giá thấp thì 150.000 đồng/công. Nhưng trên thực tế, giá công ngày một cao, có lúc hiếm lao động nông nhàn, tôi phải thuê công từ 200.000-250.000 đồng/công. Việc đưa máy móc vào sản xuất là nhu cầu tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại”, ông Trí nói.

 

Còn ông Nguyễn Hữu Bằng ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho biết: Tôi đã trồng cây ăn trái từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa tự tin vì kỹ thuật trồng chủ yếu học trên mạng và kinh nghiệm của những người đã làm. Cho tới khi tiếp cận những mô hình trồng cây ăn trái ở địa phương với kỹ thuật trồng mới và được chính quyền địa phương khuyến khích trồng theo quy hoạch, tôi đã quyết định mở rộng diện tích với nhiều loại cây trái xen canh. Hiện gia đình tôi tăng diện tích từ 2,3ha lên trên 6ha với đa dạng các loại cây ăn trái gồm cam, sầu riêng, chanh dây và cả hồng xiêm… Thu nhập mỗi năm bình quân trên 1 tỉ đồng.

 

Ông Nguyễn Dư, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: Hiện diện tích trồng đậu phộng của bà con tăng lên 30ha. Vụ vừa qua, năng suất đạt 7 tạ/ha, với giá bán 16.000 đồng/kg đậu phộng tươi và 25.000 đồng/kg đậu phộng khô, bà con có thu nhập cao hơn trồng lúa gấp 3 lần. Hiện HTX được các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ lắp đặt máy móc, xây dựng thương hiệu độc quyền cho sản phẩm đậu phộng Xuân Phước. Sau khi hoàn thành, diện tích trồng đậu phộng của bà con tăng lên từ 50-100ha, không lo đầu ra tiêu thụ.

 

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều mô hình sản xuất tại vùng miền núi, giúp thay đổi tập quán canh tác của bà con, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sở chú trọng tới khâu giống, cơ giới hóa, đa dạng cơ cấu cây trồng, giảm chi phí sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp tự động hóa. Đến nay, bà con vùng miền núi đã căn bản nâng cao kỹ thuật canh tác, từng bước hiện đại hóa sản xuất… Thời gian tới, đơn vị tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất tại vùng miền núi, trong đó tập trung vào các loại nông sản chủ lực gắn với mỗi xã một sản phẩm làng nghề; thử nghiệm các cây trồng mới, giống mới cho giá trị kinh tế cao…

 

Thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục triển khai các mô hình sản xuất tại vùng miền núi, trong đó tập trung vào các loại nông sản chủ lực gắn với mỗi xã một sản phẩm làng nghề; thử nghiệm các cây trồng mới, giống mới cho giá trị kinh tế cao...

 

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek