Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sau gần 9 năm triển khai, luật này đã hỗ trợ tích cực cho công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và được nhiều người dân quan tâm, tin tưởng.
Nâng cao nhận thức của người tiêu dùng
Theo Sở Công thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực vào năm 2011, sau đó Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cũng được thành lập (năm 2013), đã góp phần đưa luật đến với người tiêu dùng một cách rộng rãi hơn.
Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, Hội cũng đã thành lập tổ tư vấn, giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng với chức năng tiếp nhận và làm trung gian giải quyết tất cả ý kiến, thắc mắc của người dân liên quan đến vấn đề hàng hóa, dịch vụ. Đến nay, tổ tư vấn đã tiếp nhận 23 vụ khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến hàng hóa và giải quyết 100% số vụ nhằm đảm bảo lợi ích chính đáng của người tiêu dùng.
Chị Hoàng Thị Nga, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, cho biết: Trước đây, mỗi khi mua hàng hóa gặp vấn đề tranh chấp thì tôi thường chỉ im lặng chấp nhận thiệt thòi vì chẳng dám kêu ai. Thế nhưng, từ ngày được biết về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi luôn chủ động tìm hiểu các thông tin về hàng hóa, các chính sách, điều kiện mua bán, nên hạn chế được thiệt hại khi phát sinh các tình huống bất lợi.
Theo bà Tô Thị Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Phú Yên hoạt động được Hội quan tâm nhiều nhất là tuyên truyền, đưa luật đến với người dân ngày càng rộng rãi hơn. Vì chỉ khi nắm luật, hiểu luật thì mỗi người mới có thể tự bảo vệ mình một cách hiệu quả nhất.
Sau 6 năm hoạt động, Hội đã tổ chức 102 lớp tập huấn, tuyên truyền về luật cho hơn 14.000 lượt người tham gia, tập trung ở các vùng nông thôn, miền núi, khu vực vùng sâu vùng xa để nâng cao nhận thức cho người dân.
Ngoài ra, Hội cũng đã kết nạp gần 3.900 hội viên; thành lập được 3 câu lạc bộ phụ nữ tiêu dùng thông minh, với 100 thành viên. Đây chính là lực lượng cốt cán nhằm từng bước nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ.
Cần tiếp tục hoàn thiện
Việc triển khai đồng bộ các hoạt động về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về các quy định của pháp luật cũng như các kiến thức, kỹ năng tiêu dùng.
Qua đó nâng cao khả năng tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng trước những tiêu cực của thị trường; đồng thời nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng thực sự được bảo vệ một cách hiệu quả thì rất cần có sự quan tâm đồng bộ của các địa phương, các sở, ngành chức năng, đặc biệt là các lực lượng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), cho biết: Đối với người tiêu dùng, ATTP là vấn đề được quan tâm hàng đầu nhằm đảm bảo sức khỏe cũng như phát triển kinh tế, xã hội.
Do vậy, bên cạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, Chi cục ATVSTP đặc biệt quan tâm đến việc quản lý các cơ sở sản xuất, nuôi trồng, chế biến, kinh doanh thực phẩm; tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm cũng như giám sát chất lượng thực phẩm, cảnh báo các nguy cơ ô nhiễm thực phẩm… để chủ động hơn trong việc bảo vệ người tiêu dùng.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: Thời gian qua, việc thực hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được các sở ngành, địa phương triển khai rất tích cực, hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân cũng như đảm bảo những quyền lợi cơ bản nhất của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, công tác thực thi luật vẫn còn nhiều hạn chế do cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi người tiêu dùng; chế tài xử lý chưa đủ mạnh để tạo tính răn đe, thuyết phục. Nhiều người tiêu dùng vẫn còn tâm lý e ngại khiếu nại khi quyền lợi bị xâm hại, chưa nhận thức đầy đủ những quy định pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Do vậy, thời gian tới, Sở Công thương đề nghị các sở ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần tích cực hơn trong việc phối hợp quản lý việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng; đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý và công khai các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.
NGÔ XUÂN