Thứ Tư, 02/10/2024 15:15 CH
Tăng cường giao đất, giao rừng để người dân có điều kiện sản xuất
Thứ Năm, 13/06/2019 14:13 CH

Nhiều hộ nghèo đã được giao đất nhưng không có tiền mua cây giống để sản xuất. Trong ảnh: Mô hình ươm cây giống của một hộ dân ở xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa - Ảnh: MINH DUYÊN

Chính sách giao đất, giao rừng để người dân miền núi có đất sản xuất, từng bước nâng cao đời sống được thực hiện từ năm 2006. Tuy nhiên đến nay, tỉ lệ đất rừng mà cộng đồng dân cư và hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý còn thấp; trong khi đây là những đối tượng chính được thụ hưởng chính sách này.

 

Trao đổi với Báo Phú Yên xung quanh vấn đề nói trên, ông Phạm Ngọc Công, Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh, cho biết:

 

- Phú Yên có 70% diện tích đất đồi núi, là nơi sinh sống của hơn 236.000 đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi, những người sống gắn bó với rừng và thu nhập chủ yếu từ nghề rừng. Hiện toàn tỉnh còn hơn 1.200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thiếu đất ở, trên 1.500 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất và hơn 610 hộ cần chuyển đổi nghề. Từ đây đòi hỏi các cấp, ngành phải thực hiện tốt chính sách giao đất, giao rừng cho vùng miền núi, để người dân có đất sản xuất, ổn định nghề nghiệp và từng bước nâng cao đời sống.

 

Ông Phạm Ngọc Công

* Thời gian qua, chính sách giao đất, giao rừng cho người dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Từ năm 2006 đến nay, dựa theo quy định của Nhà nước, Phú Yên đã hoàn thành quy hoạch 3 loại rừng; hoàn tất trình tự, thủ tục giao rừng, thuê rừng gắn với giao đất, thuê đất; thực hiện quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp…

 

UBND tỉnh đã phê duyệt 2 đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng và ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, chủ rừng triển khai quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ đây, tỉnh có căn cứ để thực hiện chính sách giao đất giao rừng vùng miền núi.

 

Cụ thể, tỉnh thực hiện 4 phần việc căn bản, gồm tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và phát triển rừng, giao đất, giao rừng; thành lập ban chỉ đạo các cấp; cụ thể hóa các văn bản hướng dẫn; thực hiện khảo sát, lập hồ sơ quy hoạch, cắm mốc ranh giới, phê duyệt và ra quyết định triển khai. Theo đó, cấp tỉnh có ban chỉ đạo giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng.

 

Cấp huyện có thành viên tham gia ban chỉ đạo cấp tỉnh. UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán lập hồ sơ địa chính tỉ lệ 1/10.000, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trên tổng quỹ đất dự kiến giao đã đo vẽ được chi tiết thửa đất, lập bản đồ địa chính, xác định ranh giới giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

 

Hiện toàn tỉnh đã giao hơn 195.537ha rừng; trong đó giao cho hộ gia đình, cá nhân hơn 58.506ha (chiếm tỉ lệ 21,19%), giao cho cộng đồng dân cư 8,64ha (tỉ lệ 0,003%), phần còn lại do các cơ quan, tổ chức khác quản lý.

 

* Tỉ lệ đất rừng mà cộng đồng dân cư và hộ gia đình, cá nhân được giao quản lý chỉ 0,003% và 21,19%; trong khi đây chính là những đối tượng chính được thụ hưởng chính sách. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

 

- Đây là kết quả rất thấp, với 0,003% gần như không có gì, còn 21,19% cũng quá ít. Điều này cho thấy việc thực hiện chính sách còn nhiều hạn chế. Qua thực tế khảo sát cho thấy tiến độ giao còn chậm; nhiều diện tích đất lâm nghiệp chưa xác định được vị trí, ranh giới giữa bản đồ và thực địa; chưa có sự thống nhất giữa ngành Nông nghiệp và ngành TN-MT dẫn tới sự khác biệt giữa hồ sơ và thực tế.

 

Nguyên nhân do cấp xã chưa đủ năng lực quản lý, thiếu cán bộ, lực lượng cũng như phương tiện bảo vệ; thiếu kinh phí đo đạc, lập bản đồ địa chính. Đề án giao rừng, cho thuê rừng, thu hồi rừng giai đoạn 2011-2015 đã được phê duyệt từ năm 2012 nhưng tỉnh không cân đối được kinh phí nên không triển khai.

 

Đối tượng được hưởng lợi từ chính sách thì nhận thức còn hạn chế. Đời sống kinh tế khó khăn, bà con cần giải quyết nhu cầu lương thực và chi phí hàng ngày, trong khi chu kỳ khai thác rừng lại dài, họ không đủ kinh phí tham gia nên đã mua bán, chuyển nhượng lại đất được giao…

 

* Thời gian tới, chúng ta có giải pháp gì để những đối tượng thụ hưởng chính sách được giao thêm đất, thêm rừng và thực sự phát huy hiệu quả chính sách này, thưa ông?

 

- Theo tôi, các cấp ngành cần tăng cường tuyên truyền nội dung của chính sách đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân biết tham gia đăng ký nhận rừng, thuê rừng quản lý và sử dụng. Cơ quan chức năng tích cực thanh tra, kiểm tra các chủ rừng nhằm xử lý dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng và hạn chế tối đa việc mua đi bán lại diện tích đất đã được giao.

 

Bên cạnh đó, tỉnh cũng cần kiên quyết thu hồi những diện tích quản lý sai đối tượng, sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích để giao lại cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư khác cần đất, thiếu đất. Đồng thời huy động mọi nguồn vốn hỗ trợ hộ nghèo để người nhận đất, nhận rừng yên tâm sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo…

 

* Xin cảm ơn ông!

 

MINH DUYÊN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek