Trung tâm Giống và kỹ thuật thủy sản (Sở NN-PTNT) vừa lấy mẫu nước tại các vùng nuôi thủy sản ở TX Sông Cầu để xét nghiệm.
Kết quả, chỉ tiêu NH3 vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Phú Dương (xã Xuân Thịnh), Phước Lý (phường Xuân Yên) và Nhất Tự Sơn (phường Xuân Thành) dao động từ 0,12-0,5mg/l. Chỉ tiêu PO4 vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Phước Lý và Nhất Tự Sơn, dao động từ 0,32-0,35mg/l. Chỉ tiêu H2S vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại Phước Lý (1,838 mg/l). Hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp hơn giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Phú Dương, Phước Lý và Nhất Tự Sơn, dao động từ 0,5-4,9mg/l. Mật độ vibrio spp tổng số vượt ngưỡng giới hạn cho phép tại các vùng nuôi Phú Dương, Dân Phú (xã Xuân Phương) và Nhất Tự Sơn, dao động từ 1.190-1.640CFU/ml.
Trong thời gian đến, do ảnh hưởng nắng nóng kéo dài, khả năng có mưa giông là điều kiện thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy hữu cơ, tảo phát triển mạnh, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường tại các vùng nuôi ở khu vực này là rất cao. Hiện mật độ lồng nuôi tôm hùm tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu dày đặc cũng là nguyên nhân làm cho môi trường nước vùng nuôi ngày càng bị ô nhiễm.
Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn trực thuộc sở và đề nghị TX Sông Cầu hướng dẫn người nuôi tôm hùm sang thưa mật độ tôm nuôi nhằm tránh tình trạng thiếu ôxy cục bộ tại lồng nuôi, sử dụng lưới lồng với kích cỡ mắt lưới phù hợp nhằm tăng quá trình lưu thông nước. Đồng thời, người nuôi cần cho tôm ăn thức ăn tươi và kiểm soát quá trình tôm ăn để tránh dư thừa, giảm bớt thức ăn hàng ngày vào thời điểm nắng nóng.
Khi phát hiện môi trường nước vùng nuôi biến đổi bất thường, tôm nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, người nuôi cần ganh lồng lên gần mặt nước, áp dụng các biện pháp tạo ôxy để tăng hàm lượng ôxy hòa tan trong nước.
ANH NGỌC