Thứ Bảy, 12/10/2024 01:22 SA
Trồng mía nâng cao chữ đường để tăng thu nhập
Thứ Tư, 12/12/2018 07:00 SA

Nông dân xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) thu hoạch mía - Ảnh: HOÀI NAM

Ngành Nông nghiệp triển khai mô hình hỗ trợ thiết bị cơ giới hóa sản xuất mía, sử dụng giống mía mới có năng suất vượt trội, chữ đường cao mang lại thu nhập cho người trồng mía. Trước đó, nông dân “ham” số lượng, không chú trọng chữ đường dẫn đến không có lãi, thậm chí lỗ vốn.

 

Thất thu vì chữ đường thấp

 

Ông Nguyễn Văn Mỹ, một nông dân trồng mía ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), cho hay: Vụ rồi tôi trồng 10ha mía tơ, năng suất đạt 90 tấn/ha. Giá thu tại ruộng là 720.000 đồng/tấn (8 chữ đường), tôi thu được gần 65 triệu đồng, trừ chi phí thu hoạch, tôi chỉ còn lại 40 triệu đồng.

 

Trong khi đó, chi phí đầu tư trồng mới 1ha mía hết 45 triệu đồng, nên tôi phải bù lỗ 5 triệu đồng/ha. Còn trước đó cũng diện tích mía này, nhà tôi trồng đạt 10 chữ đường, nhà máy mua với giá 930.000 đồng/tấn mía, với 10ha trừ chi phí tôi lãi 120 triệu đồng.

 

Cũng theo ông Mỹ, nông dân đầu tư trồng 10ha mía thu khoảng 900 tấn mía cây nhưng chỉ đạt 8 chữ đường không bằng người trồng 5ha thu 450 tấn mía cây nhưng đạt 10 chữ đường. Vì vậy, người trồng mía nên quan tâm chữ đường, chứ đừng “ham” số lượng vì “gánh” đủ chi phí như công chặt và bốc lên xe 300.000 đồng/tấn, tiền vận chuyển 30.000 đồng/tấn. Số lượng mía càng nhiều thì chi phí vận chuyển, bốc vác càng tăng…

 

Còn theo ông Huỳnh Khắc Vũ, một người có 80ha mía ở xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) thì mấy năm trước, Nhà máy đường KCP mua với giá 930.000 đồng/tấn mía 10 chữ đường, người trồng lãi ít nhất 15 triệu đồng/ha, với 80ha ông thu 120 triệu đồng.

 

Vụ rồi do ảnh hưởng mưa bão, mía bị ngã đổ nên chỉ đạt 8 chữ đường, bán với giá 720.000 đồng/tấn tại ruộng nên người trồng mía vừa đủ chi phí, đồng nghĩa với việc gia đình ông thất thu 120 triệu đồng. “Hiện nay người trồng mía hơn nhau chỗ chữ đường thì mới có lãi”, ông Vũ nói.

 

Nông dân tham quan mô hình trồng mía, bón phân bằng máy tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa) - Ảnh: LÊ TRÂM

 

Trồng mía chữ đường cao

 

Mới đây, tại xã Ea Chà Rang (huyện Sơn Hòa), ngành Nông nghiệp triển khai mô hình hỗ trợ thiết bị cơ giới hóa sản xuất mía, sử dụng giống mía mới có năng suất vượt trội, chữ đường cao trên diện tích 4ha. Mô hình trồng mía, bón phân bằng máy.

 

Ông Võ Bảo Dương tham gia mô hình cho hay: Áp dụng trồng mía bằng máy tiết kiệm được 1 lần cày (tương đương 1 triệu đồng) và giảm 10 công lao động/ha (1 triệu đồng), từ đó mô hình tiết kiệm chi phí 2 triệu đồng/ha so với canh tác thủ công.

 

Còn bà Nguyễn Thị Ngọc Thảo, nông dân tham gia mô hình chia sẻ: Trồng mía bằng máy cày sâu, mía “ăn” 2 mùa gốc cũng không đổ ngã. Còn cày bò thì trồng cạn, mía lồi gốc nên chỉ cần mưa ngập úng là bật gốc đổ ngã.

 

Theo kinh nghiệm của tôi, cùng một sở mía nhưng đám mía đứng thì năng suất chữ đường cao, còn mía ngã “bò” sát đất (mía ngã sớm vươn lóng sát đất rồi đâm chồi) thì ruột mía bị xốp, chữ đường rất thấp. Hơn nữa trồng mía theo mô hình, bón phân cân đối có đủ hàm lượng lân, kali nên nâng cao chữ đường, còn trồng mía truyền thống chỉ bón đạm xanh cây…

 

Ông Thái Hồng Tân, Chủ tịch UBND xã Ea Chà Rang cho hay: Mô hình sử dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh tổng hợp từ làm đất, bón phân chữ đường cao, chống chịu tốt với một số loài sâu bệnh hại trên mía phổ biến, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương. Mô hình tập huấn kỹ thuật cho 21 nông dân vận hành giàn thiết bị trên đồng ruộng, góp phần đẩy mạnh chương trình CNH-HĐH nông nghiệp nông thôn.

 

Theo ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, trong những năm gần đây, diện tích trồng mía của huyện luôn được duy trì và giữ vững ở mức khoảng 15.620ha, với năng suất bình quân 70,76 tấn/ha.

 

Tuy nhiên thực trạng thâm canh tăng năng suất cây mía trên địa bàn huyện cũng còn gặp rất nhiều bất cập trong sản xuất như diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp, trình độ nông dân giữa các vùng không đồng đều; việc đầu tư thâm canh sản xuất và ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất mía chưa được sâu rộng, diện tích trồng mía phần lớn phụ thuộc vào nước trời…

 

Trước tình hình đó, vấn đề nâng cao năng suất và chất lượng mía vùng nguyên liệu là một trong những yêu cầu cấp bách. Việc tiếp tục nhân rộng mô hình cơ giới hóa trồng mía sẽ góp phần phát triển ổn định vùng nguyên liệu mía, tăng năng suất, chất lượng, nâng cao thu nhập cho người trồng mía.

 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Thời gian qua, ngành Nông nghiệp triển khai các mô hình trồng mía, bón phân bằng máy, năng suất đạt trên 80 tấn/ha. Mô hình là nơi tham quan học tập cho các nông dân trong vùng và các địa phương khác, qua đó nhân rộng việc ứng dụng kỹ thuật mới trên toàn vùng nguyên liệu mía của tỉnh, góp phần thực hiện thành công đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh Phú Yên.

 

LÊ TRÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek