Chủ Nhật, 13/10/2024 13:21 CH
Nhiều giải pháp giảm nghèo ở khu vực miền núi
Thứ Ba, 13/11/2018 09:27 SA

Được hỗ trợ bò, nhiều hộ nghèo đã có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Trong ảnh: Một hộ nghèo ở xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa được hỗ trợ bò giảm nghèo - Ảnh: MINH DUYÊN

Thời gian qua, các địa phương vùng miền núi của tỉnh đã huy động các nguồn vốn từ nhiều kênh để hỗ trợ xây nhà, gây dựng mô hình sản xuất tạo thêm sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Từ đây, nhiều hộ nghèo, nhất là hộ nghèo vùng miền núi đặc biệt khó khăn đã có nhà ở, có phương tiện sản xuất và được trang bị kỹ thuật trồng trọt chăn nuôi, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

 

Trao cơ hội cho hộ nghèo

 

Mí Thin ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa) từng là hộ nghèo, sau khi được hỗ trợ bò, được hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước, gia đình mí đã vươn lên ổn định cuộc sống. Mí Thin chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi có 4 sào lúa rẫy, phụ thuộc vào nước trời nên sản lượng thấp, thu nhập không đủ chi phí nên thiếu trước hụt sau.

 

3 năm trước, gia đình tôi được trao một con bò lai sinh sản, được hỗ trợ vốn 10 triệu đồng và còn được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Từ đó, tôi quyết định mua keo giống về trồng trên 4 sào đất dốc và thuê đất bằng trồng lúa nước. Hàng năm, lúa đủ cung cấp lương thực, phục vụ sinh hoạt cho cả gia đình, bò và keo làm vốn tích lũy. Hiện gia đình tôi đã thoát nghèo.

 

Còn vợ chồng Y Dú ở xã Sơn Giang (huyện Sông Hinh), từ một hộ nghèo, nhờ có nguồn vốn vay ưu đãi đã đầu tư sản xuất, đến nay đã vươn lên trở thành hộ khá trong xã. Theo Y Dú, năm 2009, Ngân hàng Chính sách xã hội cho gia đình anh vay 20 triệu đồng. Có vốn, vợ chồng anh đã mua một con bò lai sinh sản. Đến cuối năm 2012 đã gầy thành đàn bò 5 con và gia đình anh thoát nghèo.

 

Tiếp tục vươn lên, gia đình anh vay thêm 50 triệu đồng mua đất canh tác và mở rộng chăn nuôi. Đến nay, vợ chồng anh có 1ha đất rẫy, gần 2 sào lúa nước và đàn bò 18 con. Làm và tích lũy dần, vợ chồng anh trả hết vốn vay, hàng năm có lãi bình quân 50 triệu đồng.

 

Y Dú nói: “Trước đây, vợ chồng làm từ sáng đến tối cũng không đủ ăn, đó là do mình không có vốn đầu tư. Được hỗ trợ vốn mua bò, các thành viên gia đình cùng làm, bò lớn nhanh, nhân đàn, lại có đất rẫy sản xuất, có của ăn của để; nhiều lúc nằm mơ cũng không nghĩ vợ chồng tôi lại có được như ngày hôm nay”.

 

Còn ông Nguyễn Văn Vinh ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), chia sẻ: Gia đình tôi là hộ nghèo, làm đủ ăn đủ mặc đã khó, nói chi tới việc xây nhà kiên cố. Năm nào cũng vậy, làm quần quật cũng chỉ đủ tiền sửa nhà sao cho qua được mùa bão nên cứ quanh quẩn với cái nghèo mãi. Năm nay yên ấm rồi vì được ở nhà Tình nghĩa do chính quyền các cấp hỗ trợ. Có nhà, gia đình tôi yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 

Cộng hưởng từ các nguồn hỗ trợ

 

Ông Vinh là một trong 32 hộ nghèo ở xã Xuân Quang 3 được hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát từ nguồn vốn giảm nghèo của địa phương. Đồng thời để hộ nghèo có cơ hội vươn lên, chính quyền xã này đã huy động vốn từ chương trình xây dựng nông thôn mới và các nguồn vốn khác, tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn, tiếp cận kỹ thuật sản xuất mới và nhân rộng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả.

 

Ông Lâm Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, cho biết: Địa phương chú trọng tới xây dựng các mô hình sản xuất như là cách “trao cần câu” để hộ nghèo tìm ra hướng thoát nghèo phù hợp. Trong năm qua, UBND xã đã triển khai thành công nhiều mô hình sản xuất như mô hình trồng đậu phộng ở đồng Chợ Lùng trên diện tích 2ha, năng suất đạt 22 tạ/ha; mô hình lúa chất lượng vụ hè thu 29ha; chuyển đổi từ trồng lúa vụ hè thu kém hiệu quả sang trồng bắp tại soi Chợ Lùng 15ha và trồng mè 1ha tại soi Bầu Bún.

 

Đồng thời giao HTX thực hiện mô hình chuỗi sản xuất bao tiêu lúa giống trên diện tích 29ha. Nhờ đó, hàng năm thu nhập bình quân đầu người trong xã tăng lên đáng kể, năm 2016 đạt gần 27 triệu đồng/người/năm, đến nay đạt gần 28 triệu đồng/người/năm, cao hơn mức thu nhập áp dụng theo vùng là 950.000 đồng/người/năm; 324 hộ thoát nghèo, đưa tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm từ 5% xuống còn 4,23%.

 

Từ sự hỗ trợ của chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong năm qua, huyện Sơn Hòa có hàng trăm hộ thoát nghèo, tỉ lệ hộ nghèo theo đó cũng giảm từ trên 20% xuống còn hơn 17%. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đạt gần 37 triệu đồng/người/năm.

 

Ông Đào Duy Linh, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa, cho biết: Hộ nghèo ở các xã được phát 22 máy bơm nước và 174 con bò từ chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất. Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ 124 triệu đồng cho 7 xã có tỉ lệ hộ nghèo cao. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, Phòng NN-PTNT huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cây lúa nước theo phương thức cầm tay chỉ việc và hỗ trợ giống lúa mới, góp phần thay đổi tập quán canh tác của bà con từ cây lúa thổ năng suất thấp, sang sản xuất cây lúa nước năng suất cao, giúp đồng bào ổn định lương thực tại chỗ…

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, với cách hỗ trợ “đa chiều” từ xây nhà Tình nghĩa, cấp phát phương tiện, cây, con giống tới hỗ trợ vay vốn và xây dựng mô hình sản xuất, là những cách làm hiệu quả giúp hộ nghèo ở vùng miền núi của tỉnh có cơ hội vươn lên thoát nghèo.

 

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm từ 4-5%, ngoài sự hỗ trợ thì quan trọng nhất vẫn là ý chí tự lực vượt qua khó khăn của người nghèo. Vì vậy cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức để đồng bào không còn tâm lý ỷ lại hay trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek