Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thành lập khu kinh tế nam Phú Yên nhằm tạo động lực thúc đẩy tỉnh phát triển hơn trong thời gian tới. Đây sẽ là một khu kinh tế có qui mô lớn ở khu vực Nam Trung bộ với cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện đại phục vụ cho nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau.
Công trường mùa xuân - Ảnh: KIM SA |
Theo qui hoạch, khu kinh tế nam Phú Yên có diện tích tự nhiên 20730 ha bao gồm phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa) và các xã Hòa Tâm, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Nam, một phần các xã Hòa Xuân Nam, Hòa Xuân Đông, Hòa Vinh (huyện Đông Hòa). Mục tiêu của tỉnh là đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế này thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa chức năng với trọng tâm là ngành công nghiệp lọc, hóa dầu và các ngành công nghiệp sau dầu, các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến và xuất khẩu; gắn với việc phát triển và khai thác có hiệu quả cảng Vũng Rô, Bãi Gốc, sân bay Tuy Hòa. Trong tương lai, khu kinh tế nam Phú Yên sẽ là một trọng tâm công nghiệp và dịch vụ mang tính đột phá phát triển kinh tế xã hội của Phú Yên đồng thời là Trung tâm giao thông quốc tế của vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên với hệ thống hạ tầng đồng bộ, đô thị văn minh, hiện đại.
Khu kinh tế nam Phú Yên có ba phân khu chức năng chính gồm khu đô thị trung tâm, khu phi thuế quan và khu thuế quan. Khu phi thuế quan có diện tích khoảng 320 ha gắn với khu cảng Vũng Rô và cảng Bãi Gốc. Đây là khu vực đột phá quan trọng, nhân tố quyết định đến sự phát triển và thu hút đầu tư của khu kinh tế. Khu phi thuế quan nằm cách cảng Vũng Rô 14km gồm có khu trung tâm thương mại và dịch vụ (diện tích khoảng 80 ha); khu chế xuất (diện tích khoảng 70ha) và khu kho ngoại quan (diện tích khoảng 100 ha). Khu thuế quan là toàn bộ khu vực còn lại của khu kinh tế nam Phú Yên bao gồm khu cảng thuế quan (khoảng 300 ha), các khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích khoảng 2.700 ha; các khu du lịch được hình thành ven biển, tổng diện tích khoảng 800 ha; các khu dân cư với qui mô dân số đến năm 2020 khoảng 150 đến 160 ngàn người trong đó dân số đô thị khoảng 100 đến 110 ngàn người; khu đô thị trung tâm có chức năng là khu trung tâm hành chính, quản lý, điều hành, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch. Đây sẽ là một đô thị văn minh, hiện đại, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội đồng bộ, môi trường xanh - sạch - đẹp. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2010, dự kiến bố trí khoảng từ 500 đến 700 ha đất dùng để xây dựng các khu tái định cư, khu ở cho chuyên gia, một số công trình dịch vụ thương mại công cộng…
Điểm nhấn của khu kinh tế nam Phú Yên là khu vực tập trung các nhà máy cơ sở sản xuất nằm trong khu thuế quan. Dự kiến sẽ có từ 5 đến 6 khu công nghiệp nữa (ngoài KCN Hòa Hiệp) được hình thành gồm khu công nghiệp lọc dầu, hóa dầu, hóa chất mà trọng tâm là khu công nghiệp hóa dầu Hòa Tâm có diện tích 1.300 ha, thu hút khoảng 11 tỉ USD đầu tư; khu công nghiệp cơ khí mà nòng cốt là nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển có thể đóng tàu 10.000 DWT cùng các khu công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hàng tiêu dùng và khu công nghiệp đa năng.
Hệ thống giao thông nội bộ trong khu kinh tế nam Phú Yên được đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hiện đại hóa các trục giao thông quan trọng trong đó chú trọng phát triển giao thông nông thôn. Cùng với đó là nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật khác như cấp điện, cấp thoát nước, trường học, bến xe, chung cư… sẽ được xây dựng nhằm tạo nên một diện mạo hiện đại, văn minh cho khu kinh tế nam Phú Yên đến năm 2020.
HOÀI TRUNG