Theo nhận định của Hiệp hội Mía đường Việt
Nông dân Phú Yên thu hoạch mía. - Ảnh: D.T.X |
QUY HOẠCH VÙNG NGUYÊN LIỆU - ĐIỀU KIỆN TIÊN QUYẾT
Tại cuộc họp về đánh giá công tác quy hoạch vùng nguyên liệu mía đường tại tỉnh Phú Yên do Cục Chế biến nông lâm sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT) chủ trì vừa tổ chức mới đây, các đại biểu là lãnh đạo ngành Nông nghiệp Phú Yên, Ban điều hành mía đường và các doanh nghiệp của tỉnh đều thống nhất quan điểm: Muốn ngành mía đường mạnh và phát triển ổn định, điều kiện tiên quyết là phải quy hoạch các vùng nguyên liệu, đảm bảo không có tranh chấp giữa các doanh nghiệp mía đường với nhau và không có tranh chấp với những cây trồng khác.
Muốn làm được điều này phải có quy hoạch cụ thể và chi tiết từng vùng nguyên liệu, có chính sách và giải pháp chặt chẽ, cụ thể để người dân và doanh nghiệp thực hiện tốt tinh thần của Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, quy định chế tài cụ thể cho những nông dân đơn phương phá bỏ hợp đồng; đồng thời các nhà máy cũng phải tạo uy tín cho mình bằng việc cam kết thu mua hết sản phẩm cho nông dân theo hợp đồng thoả thuận, có những chính sách đầu tư phù hợp để nông dân an tâm sản xuất cây mía. Tuy nhiên, nếu đơn phương các doanh nghiệp thì không thể thực hiện được mà cần có sự điều hành vĩ mô của nhà nước.
Về phát triển vùng nguyên liệu, thực hiện Quyết định 26/2007 QĐ-TTg ngày 15/2/2007 của Chính phủ về quy hoạch phát triển mía đường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên Võ Minh Thức cho biết: Phú Yên có chủ trương ổn định diện tích vùng nguyên liệu mía đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với diện tích 18.000- 19.000 ha, năng suất bình quân đến năm 2010 đạt 60-70 tấn/ha. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch chi tiết vùng nguyên liệu đến năm 2010 của Công ty TNHH Công nghiệp KCP với diện tích 13.000 ha. Trong khi đó, Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa tiếp tục đầu tư vùng nguyên liệu được phân định theo quyết định của UBND tỉnh là 3.743 ha. Sở cũng đã hoàn chỉnh đề án quy hoạch vùng nguyên liệu mía đến 2010 với diện tích hơn 6.100 ha. Ngoài ra, Phú Yên còn quy hoạch khoảng 1.000 ha mía ở các xã vùng sâu vùng xa, phục vụ các cơ sở chế biến thủ công. Việc phân định, điều hành vùng nguyên liệu của các nhà máy khá ổn định.
Sản xuất tại nhà máy đường KCP Sơn Hà - Ảnh: Minh Nguyệt |
GIẢM GIÁ THÀNH SẢN XUẤT CÂY MÍA
Ông K.R. Murthy, Giám đốc nguyên liệu Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: Năm 2008, Công ty KCP đầu tư nâng cấp dây chuyền ép từ 3.500 tấn/ngày lên 5.000 tấn/ngày. Để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất, công ty đã ký cam kết bao tiêu sản phẩm với 5.000 hộ nông dân, tiến hành đầu tư 45 tỉ đồng, 3000 tấn phân vi sinh, 70.000 tấn mía giống cho người dân, du nhập khảo nghiệm bộ giống chịu hạn, đưa xuống dân sản xuất và đang vừa khảo nghiệm 6 giống mía Thái Lan trong vụ này để đưa vào sản xuất những năm tới.
Đại diện Công ty Cổ phần Mía đường Tuy Hoà cho biết, năm nay công ty đã đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu với những cơ chế đầu tư ưu đãi, như hỗ trợ 1 tấn phân vi sinh cho mỗi ha mía trồng mới, hỗ trợ cước vận chuyển mía giống cho nông dân, cho mượn giống không tính lãi, đầu tư 9 triệu cho 1 ha mía trồng mới và 5 triệu/ha mía gốc... Công ty cũng tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển mía đường để khảo nghiệm chọn lọc các giống mới phù hợp với vùng mía và triển khai nhân rộng. Tổ chức nhân rộng các mô hình thâm canh mía, phấn đấu đưa năng suất bình quân trong toàn vùng lên 60 tấn/ha. Đặc biệt từ thành công của chương trình cơ giới hoá trong khâu làm đất bằng kỹ thuật cày sâu, công ty đang phổ biến quy trình canh tác mía bằng cơ giới ở các khâu làm đất trồng và chăm sóc mà dự án cơ giới hóa thực hiện trước đó rút ra. Công ty đang tiến hành nâng cấp thiết bị, cải tiến dây chuyền sản xuất để nâng công suất lên 1.500 tấn mía/ngày cho phù hợp với quy mô vùng nguyên liệu.
Tất cả những nỗ lực trên của hai nhà máy đường ở Phú Yên nhằm mục đích giảm giá thành sản xuất cây mía, tăng sức cạnh tranh sản phẩm mía đường trong xu thế hội nhập và cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm mía đường các nước trong khu vực.
LÊ BIẾT