Nghề đan thúng chai ở thôn Phú Mỹ, xã An Dân, huyện Tuy An đang phát triển mạnh và hình thành nên làng nghề mang tính đặc thù của vùng sông nước. Tuy nhiên, sự phát triển nghề này còn mang nhiều yếu tố tự phát, mạnh ai nấy làm nên chưa bảo đảm tính bền vững và lợi nhuận thu về chưa cao.
Ông Tấn đang dạy học trò cách buộc vành thúng chai - Ảnh: MINH NGUYỆT
Thôn Phú Mỹ hiện có 34 hộ làm nghề đan thúng chai, thu hút gần 70 lao động. Theo ông Trương Văn Tấn, một người có “thâm niên” làm nghề này: Thúng chai được xem là “sản phẩm thượng thừa” của đất An Dân vì chất lượng bền, mẫu mã đẹp có tiếng ở khu vực Nam Trung Bộ. Nhờ thế mà sản phẩm đang được tiêu thụ mạnh ở các tỉnh ven biển từ Quảng Trị cho đến Cà Mau. Nghề này cũng đã thu hút thêm 15 hộ khác thuộc vùng 3 và vùng 10 (xã An Định – nằm bên bờ sông Ngân Sơn đối diện với thôn Phú Mỹ). Người làng nghề có thu nhập thường xuyên và ổn định với mức bình quân 600.000 đồng/người/tháng. Nhiều gia đình xem đây là nguồn thu nhập chính chứ không chỉ giải quyết việc làm lúc nông nhàn. Làng nghề đã thành lập Câu lạc bộ Thúng chai, tập hợp 32 thành viên. Hàng tháng các thành viên gặp nhau trao đổi công việc, thăm dò thị trường, bàn giải pháp cải tiến mẫu mã sản phẩm cũng như giúp nhau nâng cao tay nghe.
Mặc dù đã có được thị trường rộng rãi, thợ giỏi ngày càng nhiều, tuy nhiên, sự phát triển mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, tư tưởng “mạnh ai nấy làm” đã khiến cho người lao động gặp không ít khó khăn trong việc sản xuất và ảnh hưởng đến thu nhập. Việc tranh mua và tranh bán đã làm cho thị trường sản phẩm bị thu hẹp, giá thành của sản phẩm giảm xuống trong khi giá nguyên vật liệu lại tăng.
Ông Tấn cho biết: “Hiện nay, thị trường đã có loại thúng nhựa vừa đẹp vừa bền đang cạnh tranh gay gắt với thúng chai. Dù vậy, thúng chai vẫn còn “đất sống” vì là vật dụng thân thiết của ngư dân nghèo vùng biển. Họ chuộng loại thúng này hơn do có nhiều tiện lợi”. Ông Bùi Thân Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Dân, cho rằng: “Nếu làng nghề muốn phát triển theo hướng lâu dài thì các hộ sản xuất cần liên kết lại thành lập HTX. Từ đó có cơ sở tác động để Nhà nước giúp đào tạo nâng cao tay nghề, hỗ trợ vốn sản xuất, đầu tư máy móc cải thiện năng suất sản phẩm, giảm bớt các công đoạn mang tính thủ công”.
Với tư cách là Chủ nhiệm CLB Thúng chai, ông Tấn đang ra sức vận động người dân trong nghề tham gia thành lập HTX hay tổ hợp tác. Họ mong muốn được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực kinh doanh, đồng thời giúp vốn để đầu tư mua máy chẻ tre, máy xịt dầu… để sản phẩm bảo đảm các yếu tố đáp ứng thị hiếu và cạnh tranh được với dòng sản phẩm hiện đại, đưa làng nghề phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn. Về phía địa phương, năm 2007 Phòng kinh tế huyện Tuy An đã lập dự án xin hỗ trợ từ vốn khuyến công đầu tư, nâng cấp 4 làng nghề trên địa bàn gồm: Làng nghề nước mắm Nhơn Hội (An Hòa), thúng chai (Phú Mỹ), bánh tráng Hòa Đa (An Mỹ) và chiếu cói Phú Tân (An Cư) để giúp các làng nghề hồi phục và phát triển; nhưng sự hỗ trợ này rất cần được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả hơn để giúp người dân.
BÍCH HÀ