Thứ Tư, 27/11/2024 19:38 CH
Giá tăng cao, mức sống giảm
Thứ Bảy, 05/01/2008 07:00 SA

Chưa bao giờ, giá cả của hầu hết các mặt hàng trong cuộc sống đều liên tục tăng cao như hiện nay. Điều đó cũng có nghĩa chưa bao giờ, người ta phải đối mặt những nỗi lo toan, tính toán, chi tiêu dè sẻn như hiện nay. Thực tế trước mắt là mức sống của phần lớn các gia đình đã bị giảm đáng kể.

 

080105-Mua-hang-1.jpg

Người nội trợ đắn đo, tính toán khi đi chợ  - Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Chống chọi với “cơn bão giá”

 

Bây giờ, mỗi ngày thức dậy, người ta lại  nghe  những điệp khúc mới về tăng giá. Mở những tờ báo mới, tin tức về tăng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống tràn ngập trên các trang báo. Bước ra khỏi nhà, từ việc đổ lít xăng, điểm tâm, mua vài thứ vật dụng… tất cả đều tăng giá vùn vụt. Buổi trưa, vào chợ mua vài món thực phẩm, người ta cứ phải ngại ngần, loay hoay nhẩm tính vì giá hôm sau đã khác xa hôm trước. Buổi tối, thay vì giải trí, thư giãn, người ta phải ngồi đăm chiêu tính toán lại tổng chi tiêu của một ngày. Tại sao mọi thứ mua vào cho gia đình ngày càng giảm đi nhưng số tiền chi ra lại ngày càng lớn. Tiền lương, thu nhập của gia đình vẫn vậy mà sao lại chi tiêu nhiều thế. Thế là có lúc vợ chồng, con cái lại cắn đắng nhau. Mỗi ngày như mọi ngày, căng thẳng, mệt mỏi vì tăng giá.

 

Khi “cơn bão giá” liên tục tấn công vào mỗi gia đình, trong khi nguồn thu nhập chưa được cải thiện, biện pháp đối phó trước mắt của hầu hết người dân là phải dè sẻn trong mọi khâu chi tiêu. Điều đó là tất yếu, nhưng sự dè sẻn ở đây khác với ý nghĩa của tiết kiệm. Trước đây, người ta tiết kiệm để tích lũy, tiết kiệm để đảm bảo cho cuộc sống ổn định. Bây giờ, sự dè sẻn buộc người ta phải chấp nhận từ bỏ nhiều nhu cầu tối thiểu của cuộc sống nhưng không phải để tích lũy mà do không đủ điều kiện để chạy theo “cơn bão” tăng giá. Với nhiều gia đình, khái niệm tích lũy ngày càng trở nên xa vời và người ta không còn đủ tự tin để tự hoạch định cho cuộc sống ngày mai. Với những gia đình nghèo khó, những người nhọc nhằn kiếm sống hàng ngày, họ càng không biết phải xoay xở thế nào. 

 

Hậu quả của “cơn bão giá” đang hiển hiện trong từng gia đình, từng con người, đó là sự giảm sút đáng kể về mức sống.

 

“Cũng giống như mọi gia đình chỉ trông vào đồng lương, mức sống gia đình tôi bị giảm đi đáng kể vì giá những sản phẩm thiết yếu đều tăng. Nhà tôi đi chợ hôm nào về cũng kêu giá lên khiếp quá. Tôi cũng cảm nhận được điều đó. Từ thịt, cá, rau, mắm đến gas... đều ảnh hưởng. Trong hoàn cảnh ấy, đương nhiên phải dè sẻn thêm…. Lạm phát những năm 1980 đánh vào mọi người lúc đó nghèo như nhau. Nay trước hết nó đánh vào những người nghèo. Đó là nỗi xót xa của chúng ta. 

 

(Nguyên Phó Thủ tướng VŨ KHOAN trả lời phỏng vấn Báo Tuổi Trẻ ngày 3/1/2008)

 

TẤN LỘC

Khi người phụ nữ phải đăm chiêu

 

Người vợ vốn được tiếng chỉn chu, vui vẻ nay bỗng trở nên kém vui, cơm nước trễ nãi, tính tình cáu bẳn, vẻ mặt đăm chiêu... Tuy số tiền lương nhận lần này đã tăng thêm mấy trăm ngàn đồng nhưng chị thấy vui ít mà lo lắng nhiều hơn.

 

Mấy tháng nay, chị đã tốn khá nhiều thời gian hơn cho mỗi lần đi chợ vì không thể mua hàng một cách chóng vánh như trước đây. Bây giờ ra chợ mọi thứ đều tăng giá nên người đi chợ phải đắn đo, chọn lựa, mất nhiều thời gian trả giá. Giá thịt heo hiện đã ở mức trên 60.000 đồng/kg mà trước đây chỉ 40.000 – 50.000 đồng nên không thể mua một lúc cả ký được. Ở hàng rau, chị đã phải lật tới lật lui rồi mới mua được bó rau muống chưa phải là vừa ý lắm với giá 2.000 đồng, tăng gấp đôi so với trước đây.

 

Không chỉ giá rau, củ, quả đang ở mức cao, các loại lương thực, đồ khô... cũng đã tăng vùn vụt. Gạo lúc trước mua với giá 5.000 đồng/kg thì nay đã 7.000đồng, đậu xanh đã ở mức 20.000 đồng/kg (trước chỉ 16.000 – 17.000 đồng). Ngay cả bịch muối trước đây 1.000 đồng nay là 1.500 đồng...

 

Thực phẩm, đồ tiêu dùng đã vậy, xăng và nhiều thứ khác còn làm cho chị càng “lên ruột”. Nhà có hai chiếc xe máy để mỗi người một chiếc đi cho tiện, trước chỉ cần 20.000 đồng xăng/chiếc là đã đi được ba ngày nhưng nay phải thêm 10.000 đồng nữa mới đủ. Mấy ngày nay, báo chí nói nhiều về chuyện giá xăng dầu lại tiếp tục tăng, nỗi lo trong chị lại càng lớn hơn. Đó là chưa kể tới kế hoạch xây nhà vào năm sau có nhiều khả năng bị vỡ vì vật liệu xây dựng tăng chóng mặt. Hiện giá thép, xi măng đã tăng gần gấp đôi so với năm trước. Chị cũng phải từ bỏ thói quen đưa các con đi chơi, mua sắm ở siêu thị sau giờ học chỉ vì một lý do đơn giản là giá của nhiều loại dịch vụ, đồ chơi trẻ con cũng “phi mã” theo các loại hàng hóa khác.

 

 

080105-Di-cho-15.jpg

Giá cả các mặt hàng thực phẩm liên tục tăng cao khiến những người đi chợ phải tính toán, cân nhắc – Ảnh: MINH NGUYỆT

 

Trong lúc giá cả tăng chóng mặt, lương có tăng cũng chẳng đủ bù vào phí sinh hoạt. Nhà có bốn người, trước đây chỉ với 3 triệu đồng, chị đủ trả tiền thuê nhà, điện, nước, học phí, chợ búa... cho cả tháng, còn bây giờ dù đã có hơn 3 triệu nhưng nếu không biết gói ghém, xoay xở thì sẽ chật vật.  Gần cuối năm, kế hoạch chi tiêu của gia đình liên tục bị “vỡ” vì những khoản đám cưới, tân gia, sinh nhật... nên  cuối tháng là chị phải mượn mõ khi nhận lương lại trả nợ, để rồi  mượn tiếp...

 

Với đồng lương công chức ít ỏi như hiện nay, những người đảm nhận công việc nội trợ rất khó đi chợ. Càng khó hơn khi mọi mặt hàng đều ào ạt tăng giá “ăn theo” việc tăng lương của Nhà nước. Tết Nguyên đán đang đến gần, với đà tăng giá như hiện nay, nhiều gia đình sẽ gặp không ít khó khăn nếu như cơ quan chức năng không có biện pháp mạnh để bình ổn thị trường, chống đầu cơ tăng giá.

 

MINH NGUYỆT

 

Làm gì để kiềm chế tăng giá?

 

Ông ĐẶNG MINH TRỰC, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Thương mại – Du lịch Phú Yên:

 

Sở Thương mại- Du lịch Phú Yên đang phối hợp với các ngành chức năng thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa dịch vụ trên địa bàn, cụ thể như các mặt hàng lương thực, thực phẩm, cước vận tải... Chi cục Quản lý thị trường đã phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Phú Yên tổ chức thanh tra, kiểm tra thường xuyên việc thực hiện niêm yết giá, chấp hành mức giá cơ quan có thẩm quyền quy định. Lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm soát các doanh nghiệp trên địa bàn, không để lợi dụng sự biến động của thị trường, tình hình thiên tai, dịch bệnh để tăng giá bất hợp lý, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao.

 

Ông NGUYỄN KIM NGÂN, Trưởng Phòng Quản lý công sản – Vật giá (Sở Tài chính Phú Yên):

 

Sở Tài chính Phú Yên đã phối hợp các ngành, địa phương rà soát để bãi bỏ ngay các khoản phí, lệ phí ban hành không đúng quy định nhằm giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, hội đồng cũng kiểm soát chặt chẽ việc hạch toán, quy định giá những hàng hóa, dịch vụ được sản xuất theo đặt hàng của Nhà nước không qua đấu thầu, đấu giá.

 

MINH NGUYỆT (ghi)

 

* Bà Trương Thị Phương Hương (76 Nguyễn Công Trứ, TP Tuy Hòa): 

“KHÓ ĐẢM BẢO BỮA ĂN DINH DƯỠNG CHO GIA ĐÌNH”

080105-.vao-bep-1.jpg

Hiện nay, hàng ngày những người nội trợ phải tính toán chi li mỗi khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình - Ảnh: T.HẢO

Trước đây, mỗi ngày tôi chỉ tốn khoảng 30.000 đồng để mua thức ăn cho cả nhà. Khi giá cả tăng liên tục như hiện nay, với số tiền như vậy rất khó có thể đủ thức ăn đảm bảo chất dinh dưỡng. Ngoài chợ, rau tăng giá gấp đôi, mỗi ký thịt heo, gà tăng trung bình 20.000 đồng; gạo, dầu ăn, đồ gia vị cũng tăng đáng kể. Từ lúc giá tăng, tôi đã phải điều chỉnh nhiều khoản chi phí trong nhà, giảm chi tiêu của bản thân, không ăn ngoài vào dịp cuối tuần để tăng thêm tiền chợ. Hiện tại, tôi phải giảm lượng thức ăn (thịt, cá) từng bữa, cắt luôn việc mua trái cây để cân đối chi phí. Biết là ăn uống như vậy sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của cả nhà, nhưng nếu không tính toán kỹ sẽ ảnh hưởng đến chi tiêu cả tháng. Tôi mong sao giá cả ổn định để có thể chăm lo bữa ăn cho gia đình đầy đủ, đặc biệt là dịp Tết sắp đến.

 

* Bà Nguyễn Thị Hải (huyện Phú Hòa):

 

 " CHẲNG THỂ TÍCH LŨY"

 

Thu nhập chính của nông dân chúng tôi từ làm ruộng. Tuy nhiên, do mỗi người chỉ có một sào nên mỗi năm chỉ thu nhập được vài trăm ngàn đồng/sào. Để tăng thêm thu nhập, hầu hết ai cũng tìm cho mình một nghề phụ như đan mây tre, làm hạt điều hoặc phụ hồ… trong lúc nông nhàn. Trước đây, những công việc này cho thu nhập 20.000 – 30.000 đồng đã giúp chúng tôi trang trải công việc bếp núc hàng ngày. Còn phần làm ruộng, nuôi heo thì để dành tích lũy nuôi con cái ăn học. Bây giờ, ngày công thì không tăng, còn làm ruộng, nuôi heo thì vật tư phân bón, thức ăn gia súc đều tăng nên dù có nuôi cũng chẳng có lãi. Làm bữa sáng ăn bữa chiều, chẳng còn vốn để tích lũy nên việc cho con ăn học lên cao đang là vấn đề bế tắc trong nông dân chúng tôi.

 

MẠNH THÚY – TRỌNG HẢO  (ghi)

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek