Theo quy hoạch đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, tổng diện tích nuôi thủy sản nước lợ ở Phú Yên khoảng 3.650ha. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vùng nuôi trên địa bàn tỉnh chưa được quy hoạch chi tiết, tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi rất phức tạp, công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Nuôi tôm nước lợ còn khó khăn
Tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2018 đang gặp một số bất lợi, hiện môi trường nhiều vùng nuôi đang diễn biến phức tạp, thời tiết nắng mưa bất thường, chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả bệnh hoại tử gan tụy trên tôm thẻ chân trắng. Ông Nguyễn Văn Bút, người nuôi tôm ở hạ lưu sông Bàn Thạch (huyện Đông Hòa), cho biết: Từ đầu vụ nuôi tôm năm 2018 đến nay, do thời tiết thất thường nên tôm nuôi kém phát triển. Gia đình tôi có khoảng 4.000m2 nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay nuôi đã khoảng 2 tháng nhưng tôm không phát triển và bị hao hụt khoảng 20-30%.
Còn theo ông Lê Thanh Sang, người nuôi tôm ở xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa), năm nay, gia đình ông thả nuôi 5 hồ với diện tích khoảng 15.000m2. Ngay từ đầu vụ, gia đình ông cải tạo ao nuôi rất kỹ, chọn mua tôm giống ở cơ sở có uy tín và tôm giống được kiểm dịch bài bản. Nhưng khi tôm nuôi khoảng 1 tháng thì có 2 hồ với diện tích hơn 5.000m2 đã xuất hiện tôm bị bệnh và chết. Hiện thời tiết có nhiều bất lợi, gia đình đã bổ sung các loại khoáng chất, vitamin cho tôm nuôi và xử lý môi trường nước bằng vôi nhưng vẫn lo ngại tôm tiếp tục bị bệnh.
Theo ông Đỗ Kim Đồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, từ đầu vụ nuôi năm 2018 đến nay, diện tích tôm thả trên địa bàn huyện khoảng 490ha (vùng hạ lưu sông Bàn Thạch 436ha, vùng nuôi cao triều 54ha). Đến nay, bệnh xảy ra khoảng 22ha tôm nuôi từ 20-42 ngày tuổi, chủ yếu các loại bệnh như hoại tử gan tụy, đốm trắng và bệnh do môi trường. Tổ công tác phòng chống dịch bệnh của huyện đã kiểm tra và hướng dẫn người nuôi phòng chống dịch bệnh theo quy định. Một số hộ thả nuôi vụ 1/2018 đã thu hoạch, năng suất bình quân 6,03 tấn/ha (vùng hạ lưu sông Bàn Thạch năng suất 4,5 tấn/ha, vùng nuôi cao triều khoảng 10 tấn/ha).
Theo Sở NN-PTNT, thời gian qua, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ở khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch khá phức tạp. Vấn đề xảy ra dịch bệnh đối với các đối tượng thủy sản nuôi có liên quan đến nhiều yếu tố như chất lượng giống, diễn biến phức tạp của thời tiết, trình độ thâm canh, ô nhiễm vùng nuôi, đặc biệt là nhiều vùng nuôi chưa được quy hoạch chi tiết. Để vùng nuôi này ổn định hơn, nhất thiết phải quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, do vùng nuôi rộng, trong khi kinh phí của địa phương có hạn nên chưa quy hoạch vùng nuôi này một cách bài bản…
Tăng cường quản lý
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, cho biết: Nhằm tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học và an toàn thực phẩm, dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững đã đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở hỗ trợ các vùng nuôi như: Nâng cấp cơ sở hạ tầng hỗ trợ đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản các vùng nuôi tại các xã An Cư, An Hải (huyện Tuy An); Nâng cấp an toàn sinh học tại các vùng nuôi xã Xuân Lộc (TX Sông Cầu), Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa); Nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất con giống tại Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa) và Xuân Hòa (TX Sông Cầu).
Tuy nhiên, hiện nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý phát triển thủy sản, bố trí, phân công cán bộ quản lý thủy sản không phù hợp về trình độ chuyên môn. Người nuôi thủy sản chưa chịu phối hợp với địa phương, chưa ý thức được trách nhiệm và nghĩa vụ khi hoạt động nuôi trồng thủy sản. Đa số hạ tầng các vùng nuôi chưa đồng bộ, chưa tạo được đột phá trong tăng trưởng nuôi trồng thủy sản. Công tác quy hoạch chi tiết các vùng nuôi chưa triển khai, công tác quản lý còn nhiều tồn tại nên các vùng nuôi trồng thủy sản bị ô nhiễm nghiêm trọng, gia tăng dịch bệnh, hiệu quả thấp.
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Các vùng nuôi thủy sản ở Phú Yên đa số chưa được đầu tư hạ tầng cơ sở như hệ thống thủy lợi cấp nước, xử lý nước, đường giao thông nuôi vùng, điện… nên rất khó áp dụng VietGAP hoặc các mô hình nuôi trồng hiệu quả. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN-PTNT tham mưu cho tỉnh tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch phát triển ngành tôm đến năm 2025, Kế hoạch tái cơ cấu ngành Thủy sản Phú Yên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở NN-PTNT phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động sản xuất kinh doanh giống, vật tư, thuốc, hóa chất phục vụ nuôi trồng thủy sản, các cơ sở nuôi trồng thủy sản, thu mua thủy sản, giảm thiểu các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản và chế biến thủy sản.
Các địa phương chịu trách nhiệm tổ chức lại sản xuất trên địa bàn quản lý phù hợp với quy hoạch; vận động, hướng dẫn thành lập các tổ cộng đồng, tổ đồng quản lý để nâng cao vai trò tự quản hoạt động nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường vùng nuôi. Các địa phương khẩn trương quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thủy sản của địa phương mình, không để tình trạng phát triển nuôi trồng thủy sản tự phát, phá vỡ quy hoạch.
ANH NGỌC