Chương trình 135, xây dựng nông thôn mới, 30a là những chương trình lớn đã giúp các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn của tỉnh giảm được tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao mức sống người dân. Hiện chính quyền các địa phương tiếp tục nỗ lực để thoát nghèo bền vững.
Được quan tâm đầu tư
Buôn Zô, các thôn 2/4, Tân Sơn ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), nhiều năm liền là thôn đặc biệt khó khăn. Nhờ các chương trình hỗ trợ, đến nay các thôn này đã thoát khỏi tình trạng đói nghèo. Theo ông Nguyễn Minh Gia Nho, Chủ tịch UBND xã Ea Ly, thôn 2/4 được nâng cấp tuyến đường 1,1km với kinh phí 936 triệu đồng. Công trình này đã giúp cho việc đi lại phục vụ sản xuất của 90 hộ dân chuyên canh 184ha mía được thuận lợi. Buôn Zô, thôn Tân Sơn cũng được đầu tư xây dựng đường giao thông, nhà văn hóa… từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình và chính sách cho vùng miền núi. Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo ở các thôn này từ trên 50% đã giảm xuống còn dưới 40%.
Sự thay đổi của các thôn, buôn khó khăn đã “đẩy” cả xã Ea Ly thay đổi theo. Kết quả là xã Ea Ly thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và trở thành xã nông thôn mới. Ông Nguyễn Minh Gia Nho cho biết thêm: Năm 2011, xã Ea Ly còn nhiều khó khăn với hạ tầng cơ sở thiếu, yếu, các tuyến đường thôn, buôn, liên xã chưa được cứng hóa, trường mầm non cũ nát, 6/6 thôn chưa có nhà văn hóa. Thu nhập bình quân chỉ ở mức 11 triệu đồng/người/năm… Nhưng đến nay, 16/16km đường trục xã được cứng hóa, trên 80% đường thôn, buôn và trên 87% đường nội đồng được bê tông hóa. Các thôn có nhà văn hóa, phòng học trong các trường được xây mới.
Hiện xã có trên 90% trong tổng số hơn 4.000 người ở độ tuổi lao động có việc làm, gần 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh. Thu nhập của người dân tăng từ 29 triệu đồng năm 2016 lên 31,9 triệu đồng.
Thôn Nguyên Xuân là thôn duy nhất của xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa) gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay tình trạng này cũng không còn nữa. Ông Nguyễn Văn Nhánh, Trưởng thôn Nguyên Xuân, cho biết: Thôn có hơn 200 hộ thì hơn 94 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ Chương trình 135, 17 hộ trong thôn được hỗ trợ bồn chứa nước, đảm bảo nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 6 hộ được hỗ trợ 90 triệu đồng cải tạo đất sản xuất; 5 hộ được hỗ trợ 48 triệu đồng mua bò; 60 hộ được xóa nhà tạm.
Bên cạnh đó, Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chính sách dân tộc khác cũng giúp thôn hoàn thiện hạ tầng trường học và đường giao thông (12 tuyến với chiều dài 3km được bê tông hóa). Nhờ đó, bộ mặt thôn thay đổi từng ngày, đời sống của bà con nâng lên, với thu nhập tăng từ 20 triệu đồng/người/tháng lên 30 triệu đồng/người/tháng. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ gần 60% xuống còn 37,6%.
Ở nhiều địa phương khác, quá trình xây dựng nông thôn mới đã giúp các thôn, buôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Điển hình như xã Xuân Sơn Nam (huyện Đồng Xuân). Xã này có 3 thôn đặc biệt khó khăn là Tân Hòa, Tân An và Tân Long. Năm 2016, xã Xuân Sơn Nam được công nhận xã nông thôn mới thì qua năm 2017, 3 thôn này không còn ở tình trạng đặc biệt khó khăn nữa.
Theo UBND xã Xuân Sơn Nam, đối với những xã có thôn, buôn đặc biệt khó khăn, việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gặp khó ở chỗ rút ngắn được khoảng cách phát triển giữa các thôn đặc biệt khó khăn với các thôn khác trong xã. Trong khi đó, việc đầu tư cho các thôn đặc biệt khó khăn khó huy động được người dân đóng góp vì điều kiện không có. Vì vậy, nếu không có vốn hỗ trợ từ các chương trình đặc thù như Chương trình 135, 30a… thì địa phương cũng khó hoàn thành.
Tiếp tục được hỗ trợ
Theo UBND tỉnh, năm qua, toàn tỉnh có 23 thôn, buôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, trong đó 12 thôn thuộc các xã nông thôn mới và 11 thôn giảm được tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao.
Những thôn, buôn đã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vẫn nhận được sự đầu tư từ chính quyền các cấp. Ông Nguyễn Minh Gia Nho cho biết: Địa hình miền núi dốc, hạ tầng đường giao thông gặp mưa bão dễ sạt lở. Thu nhập của người dân phụ thuộc vào sản xuất hộ gia đình, với quy mô nhỏ lẻ, không bền vững; gặp thời điểm giá nông sản xuống thấp dễ tái nghèo. Điển hình như giá mía hiện nay xuống thấp nhất trong 5 năm qua, nhiều hộ bán mía không đủ chi phí. Hay cơn bão số 12/2017 làm cây ngã đổ, giá gỗ xuống thấp, những hộ trồng rừng không còn đủ kinh phí trồng mới lại… Đầu năm nay, UBND xã đã đầu tư hơn 40 triệu đồng để tu sửa đường khu dân cư thôn 2/4, phục vụ cho đi lại của 35 hộ dân.
Đối với những xã, thôn, buôn khó khăn cũng đã được UBND tỉnh phân bổ kinh phí để hỗ trợ. Theo UBND tỉnh, năm nay, toàn tỉnh có 16 xã và 29 thôn, buôn đặc biệt khó được thụ hưởng Chương trình 135. Những đơn vị này sẽ được phân bổ hơn 29,2 tỉ đồng từ chương trình này. Trong đó, UBND tỉnh đầu tư hơn 23 tỉ đồng vào xây dựng hạ tầng cơ sở, duy tu bảo dưỡng các công trình; 5,6 tỉ đồng cho hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo. Ban Dân tộc tỉnh nhận 600 triệu đồng để nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn. Riêng 2 huyện Sông Hinh, Đồng Xuân được đầu tư gần 71,6 tỉ đồng từ nguồn vốn Chương trình 30a.
MINH DUYÊN