Đường của nước ngoài tràn vào thị trường là nguyên nhân chính khiến giá mía xuống thấp. Nếu những năm trước gặp hoàn cảnh này, nông dân lo lắng vì thu nhập không đủ chi phí thì vụ mía năm nay đã xuất hiện nhiều hộ dân làm ăn lớn, tự thích ứng và chủ động phối hợp với các nhà máy đường để có giải pháp lâu dài, ổn định.
Chấp nhận cạnh tranh, chủ động yêu cầu
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở xã Ea Ly (huyện Sông Hinh) có 10ha mía. Với giá mía 800.000 đồng/tấn (thấp hơn năm ngoái từ 100.000-130.000 đồng/tấn), cộng với chi phí nhân công, dầu máy cao nên thu nhập của bà năm nay giảm hẳn. Tuy nhiên, bà Hạnh không cảm thấy lo lắng nhiều. Bà Hạnh cho biết: Đất nước mình đã hội nhập kinh tế quốc tế rồi thì đường nước ngoài tràn vào thị trường nước ta, giá đường, giá mía xuống thấp là tất yếu của quy luật cung cầu. Tôi chấp nhận “tiến lùi” cùng công ty, tức là giá cao thì trả cho dân cao, giá thấp thì trả cho dân thấp.
Vì xét tới cùng, nếu công ty bán đường với giá thấp mà mình cứ đòi hỏi được trả giá mía cao thì trước sau gì công ty cũng không còn vốn hoạt động, mà công ty không hoạt động thì nông dân cũng không biết bán mía cho ai. Tôi chỉ yêu cầu công ty chặt mía đúng lịch, quản lý tốt quá trình vận chuyển và các phụ phí như bồi dưỡng xe, công chặt… Những phụ phí này tưởng nhỏ, nhưng nhiều thứ cộng lại cũng là một khoản chi lớn; đặc biệt mỗi lúc một giá không kiểm soát được và thường người dân hay bị “ép giá”...
Nhiều hộ trồng mía khác cho rằng, đây chỉ là giai đoạn đầu của quá trình hội nhập nên cạnh tranh là tất yếu. Cách tốt nhất là các công ty mía đường, chính quyền hãy hỗ trợ về khoa học kỹ thuật để nâng cao công nghệ sản xuất, để mía đường của dân đủ chất lượng cạnh tranh trên thị trường. Ông Võ Văn Út ở thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa), cho biết: Tôi có tới 50ha mía. Hàng năm, cây mía mang lại cho gia đình tôi thu nhập cả tỉ đồng. Với nguồn thu nhập này, tôi trích một phần để đi tới các nước cũng trồng mía như ta học hỏi. Tôi nhận thấy rằng, điều họ hơn mình chính là máy móc, khoa học.
Ví dụ như ở Thái Lan, năng suất mía chỉ đạt 75 tấn/ha nhưng chữ đường tới 12 CCS, trong khi ở ta năng suất có thể đạt tới 100 tấn/ha nhưng chỉ đạt 10 CCS. Cũng nói thêm rằng, nông dân trồng mía ở Thái Lan được nhà máy trả 30USD/tấn mía tươi, tương đương 660.000 đồng/tấn, thấp hơn giá hiện nay nhà máy đường trả cho người dân của ta 110.000 đồng/tấn (Giá của Nhà máy đường KCP Sơn Hòa là 770.000 đồng/tấn), nhưng họ vẫn có lãi cao. Làm được vậy là nhờ người trồng mía đưa máy móc vào toàn bộ các khâu sản xuất nên giảm chi phí và chuẩn kỹ thuật. Với tôi và nhiều bà con hiện nay, yêu cầu công ty và tỉnh hỗ trợ cho bà con khoảng 10 tỉ đồng để mua một máy thu hoạch mía. Máy này sẽ giao cho UBND xã hoặc công ty để trình diễn thử, khi bà con chúng tôi thấy được hiệu quả của nó sẽ đầu tư mua. Vì hiện nay, chi phí cho công chặt mía rất cao, nhưng tôi chưa dám đầu tư vì lo ngại hiệu quả của nó.
Còn Ma Giảm ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa) đề nghị chính quyền tạo nguồn nước tưới ổn định. “Để trồng mía cho chất lượng cao đủ sức cạnh tranh với các nước khác, người dân chúng tôi cần nguồn nước tưới ổn định sản xuất. Diện tích sản xuất của gia đình tôi nằm xa suối, sông nên cần đào hồ, giếng trữ nước. Nhưng khi tôi đào thì chính quyền yêu cầu phải xin giấy phép hoặc không cho đào vì sợ ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm. Tôi mong muốn, chính quyền và các cơ quan chức năng nghiên cứu để có quy hoạch phù hợp giúp người dân có nguồn nước tưới ổn định”, Ma Giảm nói.
Tự thích ứng
Đầu tư máy móc, công nghệ là cách mà nhiều hộ dân tự nâng cao sản xuất khi hội nhập. Ông Phạm Ngọc Huệ ở xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa), cho biết: Ngoài đầu tư máy làm cỏ, bón phân, trồng mía, tôi còn đầu tư hệ thống tưới nước bằng pet phun quay tự động. Nhờ vậy, năng suất mía đạt trung bình 100 tấn/ha. So với năng suất trước kia chỉ đạt 65 tấn/ha thì nay với năng suất này, giá mía có xuống thấp tôi vẫn có lãi.
Với nhiều hộ dân khác, phương án “không bỏ trứng vào một giỏ” là cách làm hiệu quả để họ thích ứng với những biến động về giá trên thị trường. Theo ông Trần Văn Muôn ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa), gia đình ông có 10ha mía. Trước tình hình giá mía xuống thấp, để đảm bảo ổn định thu nhập cho gia đình, ông đã chuyển những diện tích mía lưu gốc 5 năm sang trồng sắn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho biết thêm: Ngoài 10ha mía, tôi còn có hơn 26ha keo, 7ha cao su, hơn 20ha cây ăn trái… Tôi đã làm rẫy hơn 30 năm nay, kinh nghiệm cho thấy chỉ có sản xuất đa canh mới ứng phó được với việc giá nông sản trên thị trường lên xuống… Còn theo ông Bùi Văn Bình ở xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân), không chỉ cây mía mà cây trồng nào cũng vậy, sẽ có thời điểm giá lên thì cũng gặp lúc giá xuống, nên sản xuất lâu dài không thể chỉ trông chờ vào cây mía. Vì vậy, nhà ông chia 20ha đất rẫy để trồng rừng, mía và sắn. Năm nay, tuy giá mía xuống thấp nhưng được giá sắn, bù vào thu nhập gia đình vẫn ổn định.
Ông K.Sat Yana Rayana, Giám đốc Vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, cho biết: Niên vụ mía này, công ty đã đầu tư 320 tỉ đồng để mua hết mía cho bà con; trong đó mua toàn bộ diện tích trồng mía của những hộ đã ký hợp đồng. Với những hộ không ký hợp đồng, công ty vẫn thu mua nhưng với giá thấp hơn những hộ có hợp đồng. Công ty cũng cam kết với tỉnh đảm bảo công suất ép đạt 11.000 tấn mía cây; trong đó, huyện Sơn Hòa 10.000 tấn, huyện Đồng Xuân 1.000 tấn. Về giá, công ty hiện vẫn thu mua đúng với giá mà ngành Mía đường quy định, đó là giá mía nguyên liệu bằng 60% giá đường kính trắng trên thị trường. Chúng tôi cũng khuyến cáo bà con không nghe dư luận bên ngoài để bán mía rẻ cho thương lái.
Hiện nay, để đứng vững trên thị trường, nông dân và nhà máy phải đồng hành theo phương châm nhà máy sống thì nông dân sống và nông dân sống thì nhà máy còn tồn tại. Với tình hình này, không chỉ nông dân gặp khó mà nhà máy cũng gặp khó khi đường chưa tiêu thụ được, lượng đường tồn kho lớn. Nhưng không vì thế mà công ty ép giá hay không thu mua mía của bà con.
Ông K.Sat Yana Rayana, Giám đốc Vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam |
MINH DUYÊN