Trên vùng đất đá dăm, sạn cốm chai cứng, nếu trồng đậu xanh, đậu đen thì cây cao không quá gang tay người lớn, không ra trái, còn trồng đậu đỏ thì mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Trời nắng, nông dân các huyện Tuy An, Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân tranh thủ thu hoạch đậu đỏ, phơi khô để bán cho thương lái. Bà Phan Thị Hiền ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) vừa cân bán 1 tạ đậu đỏ với giá 15.000 đồng/kg, thu 1,5 triệu đồng. Bà Hiền cho biết, đất ở vùng gò đồi nên trước đây nhiều người trồng sắn, mía, nhưng sau một thời gian đất xấu nên chuyển sang trồng đậu đen, đậu xanh. Tuy nhiên, các loại đậu này không phát triển nên không ít người bỏ đất hoang. Thời gian sau, bà con chuyển sang trỉa đậu đỏ mang lại nguồn thu nhập đáng kể.
Theo nhiều người dân ở vùng này, vào tháng 7 (âm lịch), nếu đất rẫy thì dọn chồi non cào đốt, đến tháng 8 có mưa bắt đầu trỉa. Còn đất trống (đất bỏ hoang) thì qua tháng 8 vãi hạt giống rồi cày lấp, sau đó “khoán trắng” cho trời đến khi ra trái không tốn công chăm sóc, tiền phân, thuốc cũng không. Đậu đỏ dễ trồng, không kén đất nên thường được trồng trên vùng gò đồi các xã Ea Bá, Ea Trol, Đức Bình Đông (huyện Sông Hinh); Ea Chà Rang, Sơn Hội, Sơn Định, Sơn Long (huyện Sơn Hòa). Trên vùng gò đồi xã Sơn Hội, ông Ma Đưng đang đập đậu đỏ cho hay, tháng Giêng là tháng nông nhàn, nhờ có đậu đỏ mà người dân có tiền trang trải. Do ảnh hưởng của cơn bão số 12/2017 nên năm nay đậu đỏ ít trái, nhưng nhiều gia đình nhờ trồng đậu đỏ mà có đồng ra đồng vào.
Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông Phú Yên, cho biết: Toàn tỉnh có gần 1.500ha đậu đỏ. Thời gian qua nắng hạn làm cho cây trồng thiếu nước tưới, đặc biệt là khu vực đồi núi. Đậu đỏ là cây trồng dễ sống không kén đất, có giá trị dinh dưỡng cao. Bà con nên tận dụng các vùng gò đồi, hoang hóa để trồng đậu đỏ tăng thêm thu nhập.
TRÂM TRÂN