Chủ Nhật, 17/11/2024 11:34 SA
Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân: Vùng miền núi rất cần được quan tâm
Thứ Ba, 13/03/2018 14:00 CH

Mở dịch vụ kinh doanh vận tải, ông Huỳnh Quang Bình ở huyện Sơn Hòa có thu nhập thêm 200 triệu đồng/năm - Ảnh: MINH DUYÊN

Phát triển thương mại vùng miền núi không thể thiếu các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp. Nhờ tiềm năng về đất đai, con người, tài nguyên…, vùng này đang thu hút ngày càng nhiều các doanh nghiệp tìm tới và hỗ trợ tích cực cho các cá nhân vươn lên làm kinh doanh. Tuy nhiên để phát triển bằng các vùng khác, nơi đây cần được đầu tư thêm.

 

Những kết quả bước đầu

 

Ông Đoàn Đắc Sáng, Giám đốc Công ty CP Điện Sơn Giang (huyện Sông Hinh), cho biết: Địa phương có nhiều thác nước phù hợp với làm thủy điện nên công ty chúng tôi chọn nơi đây để phát triển. Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ doanh nghiệp xây dựng Hoàng Lực ở xã Đức Bình Đông, một đơn vị đang thi công các công trình giao thông nhỏ ở các xã miền núi, thì hạ tầng cơ sở vùng miền núi đang được đầu tư nên vùng này có nhiều dự án, công trình cho công ty đấu thầu. Hiện công ty đang thi công các tuyến đường nông thôn ở xã Ea Ly, huyện Sông Hinh.

 

Theo Ban Dân tộc tỉnh, báo cáo tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân của Tỉnh ủy đã nêu rõ, thực hiện chính sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc của Nhà nước, thời gian qua tỉnh đã trợ giá, trợ cước vận chuyển cho các doanh nghiệp hoạt động cho lĩnh vực khai thác, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh với số tiền gần 3,4 tỉ đồng.

Cùng với đó việc quy hoạch vùng sản xuất cây công nghiệp sắn, mía gắn với nhà máy chế biến cũng giúp nhiều hộ cá thể “đổi đời” khi mở dịch vụ kinh doanh. Ông Huỳnh Quang Bình ở xã Sơn Hà (huyện Sơn Hòa), cho biết: Xã Sơn Hà và một số xã khác trong huyện là vùng nguyên liệu mía của Nhà máy đường KCP. Trước đây tôi cũng như nhiều bà con chỉ biết trồng mía. Sau nhiều năm làm, tôi nhận thấy vào vụ thu hoạch bà con rất cần xe tải chở mía tới nhà máy nhưng thuê không được hoặc thường phải thuê với giá cao. Vì vậy, tôi đã mua 2 xe tải loại 10 tấn để kinh doanh dịch vụ vận tải. Nhờ đó, mỗi năm tôi có thu nhập thêm 200 triệu đồng.

 

Hiện 3 huyện miền núi đều có các cụm công nghiệp để thu hút các doanh nghiệp. Ông Nay Y Blung, Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, cho biết: Địa phương được phê duyệt xây dựng 3 cụm công nghiệp, trong đó Cụm công nghiệp Ba Bản ở thôn Ngân Điền, xã Sơn Hà là hiệu quả nhất. Với hạ tầng cơ sở được đầu tư đồng bộ, cụm công nghiệp này đã tạo điều kiện cho địa phương thu hút các doanh nghiệp tới đầu tư và hoạt động, như Công ty TNHH Phát triển khoáng sản Duy Tân, Công ty TNHH Đá mỹ nghệ Sơn Thạch, Nhà máy chế biến đá bazan Bảo Trân, Công ty TNHH Năng lượng xanh Sơn Hòa… Đầu năm nay, Công ty TNHH gạch Tuynel Sơn Hòa đầu tư nhà máy sản xuất gạch ở đây.

 

Còn theo UBND huyện Sông Hinh, thực hiện Chương trình hành động số 17 của Tỉnh ủy, Huyện ủy Sông Hinh đã tạo mọi điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Đến nay, địa phương có 90 doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động và hơn 2.500 hộ kinh doanh cá thể. Tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế ngoài nhà nước vào tổng giá trị sản xuất của huyện đạt trên 80%. Huyện Sông Hinh phấn đấu đến năm 2020 địa phương có trên 130 doanh nghiệp hoạt động. Năng suất lao động bình quân của khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2016-2020 tăng khoảng 3-4% và giai đoạn 2021-2030 tăng 4-5%.

 

Vẫn còn khó khăn

 

Đối với các hộ kinh doanh cá thể thì vốn để mở rộng hoạt động, nhân lực quản lý và thủ tục hành chính kéo dài là rào cản lớn nhất hiện nay. Ông Nguyễn Văn Nam, một chủ hộ kinh doanh ở thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân), cho biết: Mặc dù chính sách tín dụng đã có những thay đổi theo hướng tạo điều kiện cho các hộ cá nhân nhưng hoàn tất thủ tục để được vay cũng còn nhiều khâu.

 

Với các địa phương, kinh phí để mở rộng các cụm công nghiệp đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp hiện có và thu hút thêm các doanh nghiệp mới luôn gặp khó. Ông Nay Y Blung cho biết thêm: Năm 2014, Cụm công nghiệp Ba Bản được phê duyệt mở rộng diện tích từ 7ha lên 67ha, nhưng đến nay mới chỉ dừng lại ở khâu lập quy hoạch chi tiết. Địa phương cũng muốn hoàn thiện hạ tầng cơ sở ở đây mà kinh phí đầu tư quá lớn nên chưa sắp xếp được nguồn vốn. Trong giai đoạn 2017-2020, Chính phủ phê duyệt hỗ trợ 50 tỉ đồng đầu tư cho cụm công nghiệp này nhưng đến nay địa phương vẫn chưa nhận được kinh phí.

 

Còn theo UBND huyện Sông Hinh, phần lớn khu vực kinh tế tư nhân trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, nhu cầu sử dụng lao động không cao, năng suất lao động thấp, năng lực quản trị điều hành còn yếu và hoạt động thiếu ổn định, khả năng tiếp cận nguồn vốn, đất đai để mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế…

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek