Thứ Hai, 18/11/2024 07:20 SA
Nông dân thất thu vụ rau sau Tết
Thứ Sáu, 02/03/2018 10:10 SA

Ông Nguyễn Đời (khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa) chăm sóc vườn rau - Ảnh: THÁI HÀ

Sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, giá rau giảm mạnh. Điều này không chỉ khiến người trồng rau thất thu mà còn khiến họ loay hoay, không định hình được hướng phát triển cho những vụ mùa tiếp theo.

 

Điệp khúc được mùa, mất giá

 

Năm nay, không khí lạnh kéo dài đến Tết nhưng nhờ người trồng chăm sóc kỹ nên rau cỏ vẫn xanh mướt ở các vườn. Tuy nhiên, niềm mong chờ, háo hức của người làm nông nhanh chóng bị dập tắt vì trước đó, giá khổ qua là 35.000-40.000 đồng/kg nhưng đến Tết chỉ còn trên dưới 10.000 và sau Tết thì vừa bán vừa cho cũng không có người mua. Những loại rau quả khác cũng mất giá thê thảm.

 

Bà Lý Tú Thanh ở xã Hòa Xuân Đông (huyện Đông Hòa) đi chợ chiều mùng 3 và xách về cả chục ký cả khổ qua, rau xanh, dưa leo. Khi cả nhà hỏi tại sao mua nhiều, bà Thanh tặc lưỡi cho biết, người bán nài nỉ quá, vừa bán vừa cho nên không nỡ từ chối. “Cả chục ký rau quả nhưng giá chưa tới 30.000 đồng. 4kg dưa leo chỉ có 7.000 đồng, bịch rau to thì 3.000 đồng, còn khổ qua chỉ 3.000-4.000 đồng/kg. Dù tôi mua được giá rất rẻ nhưng chẳng ai vui vì thấy xót cho nông dân”, bà Thanh nói.

 

Là một tiểu thương, tuy không trực tiếp trồng mà chỉ mua đi bán lại nhưng chị Nguyễn Thị Thu Hiệp ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An) cũng cám cảnh cho người làm nông. Chị Hiệp chia sẻ: “Mấy ngày Tết, khổ qua, đỗ ve lúc lỉu trên giàn; rau các loại đầy ú ụ trong vườn mà giá cả thì rẻ như cho. Nhiều người trồng với diện tích lớn, đến khi thu hoạch phải thuê người hái, mà giá rẻ nên công hái còn nhiều hơn tiền bán. Giờ cây đang sung sức, để đó cho hư thì tiếc công chăm sóc, mà thu hoạch thì bán đổ bán tháo không đủ thiếu gì. Vậy mà vài bữa nữa, cây cằn cỗi, người ta phá bỏ là giá lại trên trời”.

 

“Được mùa mất giá”, hay “được giá mất mùa” đã trở thành điệp khúc. Bởi, khi đầu ra quá bấp bênh, việc trồng trọt chưa tập trung, quá trình canh tác còn thô sơ, kỹ thuật lạc hậu… thì lợi ích mà người nông dân có được chẳng bõ bèn gì với công sức một nắng hai sương mà họ bỏ ra. Theo ông Lê Đủ, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên, việc nông sản được mùa mất giá hay được giá mất mùa là một thực tế mà hiện nay ai cũng nhìn thấy được.

 

Trước thực tế đó, Hội Nông dân tỉnh đưa ra nhiều giải pháp như vận động người dân vào các hợp tác xã để tạo sự liên kết; hướng người dân trồng các loại nông sản có giá trị cao và có khả năng xuất khẩu... nhằm tăng thu nhập. Tuy nhiên, vì nông dân trong tỉnh đã quen canh tác theo kiểu cũ và ngại thay đổi, ngại đầu tư nên việc chuyển đổi nhận thức cần có thời gian.

 

Vẫn sản xuất manh mún

 

Tại làng rau hoa Ngọc Lãng, Ngọc Phước của xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), những năm trước, việc trồng rau theo hướng VietGAP được người dân quan tâm, đầu tư. Tuy nhiên sau một thời gian, họ nhận thấy công việc cực nhọc hơn nhưng giá bán rau lại không được như mong muốn nên nhiều hộ sản xuất phải quay về canh tác theo lối thông thường. “Việc ghi chép nhật ký chăm sóc tuy công phu nhưng chúng tôi cũng chịu khó thực hiện theo, khổ nhất là mình làm ra rau VietGAP nhưng chỉ có thể bán ngang giá rau chợ vì bán cao hơn không ai mua”, chị Lê Thị Ngọc Bích, một người trồng rau ở Bình Ngọc, chia sẻ.

 

Còn tại khu phố 2, thị trấn Hòa Vinh (huyện Đông Hòa), từ hơn 30 năm nay, có một xóm nhỏ chuyên trồng rau, đậu, làm giá đỗ. Từ khu vực này, rau về các chợ xổm, ra chợ thị trấn và theo những chiếc cần xé ra đến các chợ lớn ở Tuy Hòa. Tuy nông sản đã có nhiều đầu ra hơn nhưng từ năm này sang năm nọ, người dân luôn gặp khó trong khâu tiêu thụ. Ông Nguyễn Đời, một người dân ở đây, nói như than: “Năm trước, tôi dành cả khu vườn mấy sào đất chỉ để trồng gừng vì thấy gừng có giá. Hàng xóm cũng giống tôi nên hùa nhau trồng gừng.

 

Đến lúc thu hoạch, lớp thì gừng từ Đắk Lắk xuống, lớp gừng từ Trung Quốc qua khiến giá gừng năm trước 40.000-45.000 đồng/kg, năm sau chỉ còn 10.000 đồng/kg, chỉ đủ bù tiền giống. Thấy lỗ quá, tôi để đó cầm chừng nhưng sau này, gừng cũ rồi bán còn rẻ hơn. Mấy tháng trước, tôi đã bỏ hẳn gừng, chuyển sang trồng nhiều loại để rau không bị tồn và nếu cái này rớt giá, cái kia vẫn giữ được giá. Tuy nhiên đến Tết, rau gì cũng rẻ, đến nỗi tôi chẳng muốn tưới nước nữa; mà để cháy, để khô thì thấy xót công sức mình dồn vào trong đó”.

 

Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên Lê Đủ cho rằng, hiện nay, để làm nông nghiệp thành công, người dân cần phải tiếp cận với kỹ thuật sản xuất mới; nếu không thì chỉ có thất bại. Mặc dù vậy, trên thực tế, người dân vẫn đang sản xuất nông nghiệp theo phương thức canh tác cũ kỹ, manh mún khiến công việc cực nhọc, tiêu tốn nhiều chi phí, thời gian nhưng hiệu quả mang lại không cao. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp… mỗi năm đều được nhắc lại nhưng chưa có những dấu ấn đậm nét.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek