Thứ Ba, 19/11/2024 23:37 CH
Đưa hàng Việt về nông thôn
Thứ Bảy, 20/01/2018 13:00 CH

Người dân mua hàng tại một phiên chợ hàng Việt cuối năm ở huyện Đông Hòa - Ảnh: NGÔ XUÂN

Từ tháng 12/2017-2/2018, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công thương Phú Yên) phối hợp với 8 doanh nghiệp tổ chức 18 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn tại các xã miền núi, nông thôn, vùng sâu vùng xa của 3 huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Hoạt động này vừa hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ hàng hóa vừa tạo điều kiện cho người dân vùng sâu, vùng xa nhận diện hàng Việt và mua sắm đón tết.

 

Đưa hàng Việt về nông thôn

 

Hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn được ngành Công thương duy trì gần 10 năm nay nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân; đồng thời giúp người tiêu dùng nhận diện và tiếp cận với những hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Sau nhiều năm triển khai, các phiên chợ hàng Việt đã trở nên quen thuộc với người dân ở vùng nông thôn, miền núi. Giáp tết là dịp cao điểm mua sắm, cũng là lúc các phiên chợ hàng Việt được tổ chức thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Phiên chợ hàng Việt cuối năm nay có 8 doanh nghiệp tham gia, với đầy đủ nhóm hàng thiết yếu phục vụ người dân như thực phẩm, hóa mỹ phẩm, quần áo, đồ dùng gia đình…

 

Bà Bùi Thị Hoa, bán hàng đồ dùng nhựa, sành sứ, cho biết: Những chuyến hàng Việt là dịp để giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rất hiệu quả. Có những điểm bán tốt, đạt doanh thu từ 10-12 triệu đồng/ngày; nhưng cũng có khi chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Mặc dù vậy, nhờ được ngành Công thương hỗ trợ kinh phí vận chuyển, điểm bán hàng, an ninh trật tự… nên chúng tôi vẫn yên tâm gắn bó với hoạt động này trong nhiều năm nay. Nhờ kiên trì gắn bó lâu dài, nên chúng tôi đến đâu cũng được người dân yêu mến, ủng hộ.

 

Còn ông Nguyễn Trần Minh Thi, đại diện Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, cho biết: Là doanh nghiệp tiên phong và hưởng ứng tích cực của hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình, cũng như kỳ vọng của người dân đối với những chuyến hàng Việt. Riêng năm 2017 và đầu năm 2018, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa đã tổ chức trên 60 chuyến bán hàng Việt về nông thôn, miền núi, bán hàng phục vụ công nhân các khu công nghiệp; doanh thu bán hàng đạt gần 1 tỉ đồng. Hàng hóa tham gia các chuyến bán hàng lưu động chủ yếu là hàng Việt, nằm trong các chương trình giảm giá, khuyến mãi của siêu thị. Ngoài ra, riêng dịp giáp tết thì đơn vị còn mang theo những sản phẩm nằm trong chương trình bình ổn giá để góp phần ổn định giá cả thị trường dịp cuối năm.

 

Với nhiều người dân ở vùng nông thôn, miền núi thì những phiên chợ hàng Việt luôn được quan tâm. Bà Trần Thị Thu Nga ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, bày tỏ: Mỗi lần có các phiên chợ hàng Việt về địa phương thì dù bận rộn mấy tôi cũng sắp xếp thời gian đi mua. Hàng hóa ở đây vừa rẻ, lại yên tâm về nguồn gốc, chất lượng.

 

Cầu nối doanh nghiệp và người tiêu dùng

 

Đối với các doanh nghiệp tham gia đưa hàng Việt về nông thôn thì đây không chỉ là dịp để tiêu thụ hàng hóa, mà còn là cơ hội các doanh nghiệp gặp gỡ, lắng nghe người tiêu dùng; từ đó có những cải tiến hoàn thiện sản phẩm của mình. Ông Phạm Văn Cảnh, chủ cơ sở nước mắm Tân Lập, TX Sông Cầu, bày tỏ: Trước đây, sản phẩm nước mắm truyền thống gành Đỏ của Sông Cầu chủ yếu tiêu thụ tại TP Tuy Hòa và một số tỉnh lân cận. Riêng người dân ở các huyện miền núi thường chỉ dùng nước mắm công nghiệp vì họ chưa quen với vị mặn của nước mắm truyền thống. Gần đây, nhờ có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tôi đã kiên trì tham gia các phiên chợ hàng Việt về nông thôn, miền núi để giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại thị trường này. Được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe những đóng góp của người tiêu dùng, tôi đã từng bước hoàn thiện sản phẩm cả về chất lượng, mẫu mã. Nhờ vậy, nước mắm truyền thống của Tân Lập đã “bén rễ” được trên vùng đất miền núi. Nhiều khách hàng, đại lý ở miền núi đã chủ động gọi điện đặt hàng và làm khách hàng lâu dài của nước mắm Tân Lập.

 

Đại diện siêu thị Co.opMart Tuy Hòa cho biết thêm, nhờ thường xuyên tổ chức những chuyến bán hàng lưu động ở các địa phương nên doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu về hàng hóa của người dân theo mỗi thời điểm. Từ đó, đơn vị luôn điều chỉnh, lựa chọn các chủng loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người dân để đưa đi bán phục vụ bà con hiệu quả hơn. Chúng tôi cũng luôn ưu tiên chọn những sản phẩm hàng Việt chất lượng, với đầy đủ các chế độ hậu mãi, chăm sóc khách hàng tốt nhất để người dân ngày càng tin dùng hàng Việt.

 

Ông Lê Thanh Khanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, cho biết: Năm 2017, ngành Công thương đã dành gần 600 triệu đồng tổ chức 11 đợt đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi. Hoạt động này đã tạo được cầu nối để doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng; giúp người dân vùng nông thôn, miền núi tiếp cận và sử dụng hàng Việt nhiều hơn. Hoạt động này cũng giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa; từ đó củng cố, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tăng cường các phiên chợ hàng Việt; động viên nhiều doanh nghiệp tham gia, nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, để người dân ngày càng tin dùng hàng Việt.

 

NGÔ XUÂN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek