Sau hơn 1 năm triển khai tại Phú Yên, đến nay, dự án VE6566 của Cơ quan nông nghiệp Phần Lan về phát triển lương thực và lâm nghiệp (gọi tắt là FFD), hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng đã đạt được những kết quả bước đầu. Người dân được tập huấn kiến thức chăm sóc và bảo vệ rừng tiên tiến. Hai HTX tham gia dự án có cơ hội tiếp cận quy trình trồng - chăm sóc - tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp, làm tiền đề xây dựng chuỗi liên kết sản xuất.
Nhiều người được hưởng lợi
Với 3ha keo lai, bà Phạm Thị Mai ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), nhiều năm nay vẫn trồng và chăm sóc theo kinh nghiệm được người trước truyền lại. Cho tới khi được tập huấn kỹ thuật trồng rừng mới, bà Mai đã biết thêm được nhiều điều. “Ngày trước đi mua cây giống về, tôi thường để nguyên cả bì bóng bỏ xuống hố trồng. Tôi tưởng làm như vậy sẽ giữ được bầu đất, cây lớn rễ tự chọc bì ra ngoài. Tuy nhiên, cán bộ lâm nghiệp hướng dẫn làm vậy cây sẽ bị còi thậm chí chết vì không lấy được chất dinh dưỡng ở bên ngoài; bì cũng khó phân hủy sẽ làm ô nhiễm đất. Từ đó, trước khi trồng tôi xé bì, dùng hai tay ôm chặt bầu đất đặt xuống hố, cây nhanh phát triển, gặp bão gió cũng ít bị đổ”, bà Mai nói.
Còn ông Nguyễn Văn Thơ ở xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), chia sẻ: “Chỉ mỗi động tác tỉa cành cho rừng 1 năm tuổi mà khi được học tôi cũng thấy “sáng” ra nhiều điều. Tôi vẫn quen dùng rựa chặt từ trên xuống sát thân cây. Hóa ra làm vậy cây dễ bị tổn thương. Để bảo vệ cây, phải chặt theo chiều từ dưới lên, điểm chặt cách thân từ 10-20cm”.
Không chỉ các hộ có rừng mà các HTX lâm nghiệp cũng được trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy và hỗ trợ kinh phí làm vườn ươm. Ông Phùng Minh Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho biết: HTX được hỗ trợ xây dựng 2 đài quan sát cháy rừng. Cán bộ và thành viên HTX được cán bộ kiểm lâm huyện Tây Hòa truyền đạt lý thuyết và thực hành cách sử dụng thiết bị chống cháy và làm đường băng trắng ngăn lửa… Sau khi học, tổ phòng chống cháy rừng của HTX được hỗ trợ các trang thiết bị như bình chữa cháy, ống nhòm, cuốc, xẻng, bảo hộ lao động…
Theo ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hòa Định Tây, nhờ sự hỗ trợ về kỹ thuật và cả kinh phí nên HTX đã xây dựng thành công vườn ươm cây giống có diện tích 2.100m2 với hệ thống vòi tưới phun sương tự động. HTX đã giâm hom keo lai, gieo trồng cây bạch đàn với số lượng 1 triệu cây, phục vụ đủ nhu cầu mùa trồng rừng năm 2017 của người dân trong xã. Hiện HTX tiếp tục san ủi mặt bằng để làm vườn cây đầu dòng với diện tích 3.000m2.
Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Giống và kỹ thuật cây trồng tỉnh (Sở NN-PTNT), cho biết: Sau khi được tập huấn kỹ thuật lâm sinh, các đơn vị tham gia dự án đã hình thành được 2 vườn ươm đạt chuẩn kỹ thuật. Cây giống bán ra thị trường được trung tâm xác nhận đủ chất lượng. Bà con hình thành thói quen trồng rừng khoa học với đầy đủ các khâu từ chọn giống, trồng cây, chăm sóc đến khai thác. Đây chính là tiền đề để sản phẩm gỗ của người dân có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, cho giá trị kinh tế cao hơn, đúng với ý nghĩa của trồng rừng kinh tế.
Tạo chuỗi liên kết
Dự án VE6566 đã trang bị cho các HTX kiến thức xây dựng chuỗi liên kết sản xuất trong hoạt động lâm nghiệp. Ông Phùng Minh Tuấn cho biết thêm: HTX có nhiều tiềm năng để xây dựng thành chuỗi liên kết sản xuất lâm nghiệp. Hơn 600 hộ thành viên HTX sở hữu gần 2.450ha đất rừng. Trước đây, vào mỗi mùa trồng rừng, các hộ vẫn tự cung tự cấp giống sau đó trồng và chăm sóc theo thói quen cũ khiến chất lượng gỗ không đồng đều, khó tiêu thụ với giá cao. Khi có chủ trương kiện toàn HTX kiểu mới, HTX lúng túng với việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất cho thành viên có rừng, vì kiến thức quản lý hoạt động lâm nghiệp và kinh phí hạn chế. Nhưng sau 1 năm tham gia dự án VE6566, HTX bắt đầu biết tổ chức sản xuất, căn bản hình thành chuỗi liên kết. Trong đó, đội ngũ cán bộ của HTX có kiến thức lâm nghiệp, nắm chắc được quy trình sản xuất giống tốt, biết cách trồng, chăm sóc, khai thác gỗ. HTX cũng có tổ phòng chống cháy rừng, có đài quan sát và được trang bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết. HTX đã xây dựng vườn ươm với diện tích 600m2, đang giâm hom 30.600 cây keo lai. Tại HTX, tất cả các khâu này được tổ chức bài bản theo chuẩn chất lượng chứng chỉ rừng châu Âu PEFC.
Cây rừng được trồng theo quy trình khép kín, được cấp chứng chỉ sẽ là nguồn nguyên liệu gỗ chất lượng cao cho các đơn vị xuất khẩu gỗ mỹ nghệ. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Giám đốc HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa), thị trường châu Âu đòi hỏi rất nghiêm ngặt về nguồn gỗ thành phẩm. Để những lô hàng bàn, ghế, tủ, giường mỹ nghệ của HTX xuất khẩu sang được thị trường này, HTX phải chứng minh chứng chỉ rừng của nguyên liệu gỗ. Vì vậy, nếu các HTX xây dựng được chứng chỉ PEFC, HTX sẽ không phải mua gỗ từ các tỉnh khác, giảm được chi phí vận chuyển. Hiện trung bình mỗi năm, HTX cần từ 450-570m3 gỗ để sản xuất và đơn vị vẫn phải mua gỗ từ các tỉnh Đắk Lắk, Bình Định…
Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, cho biết: Dự án VE6566 có ý nghĩa xã hội rất lớn. Nó khuyến khích người dân trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Dự án này cũng rất phù hợp khi gắn với chủ trương tái cơ cấu nông lâm nghiệp tỉnh nhà và thúc đẩy chương trình trồng rừng kinh tế, tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho các hộ có rừng. Đối với thành phần kinh tế tập thể, dự án này cũng là cơ sở để 19 HTX lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng chuỗi liên kết sản xuất sản phẩm lâm nghiệp. Thời gian tới, đơn vị tập trung cho các HTX hoàn thiện các khâu sản xuất để nhận chứng chỉ rừng. Chúng tôi sẽ không dừng lại ở 2 HTX được chọn tham gia dự án mà mở rộng thêm 3 HTX nữa, thành lập nhóm chứng chỉ rừng gồm 5 HTX là Hòa Mỹ Tây, Hòa Định Tây, Hòa Phú, Hòa Hội, Hòa Thịnh.
Dự án VE6566 triển khai tại Phú Yên từ tháng 1/2017 và kéo dài đến hết tháng 3/2019. Hiện FFD - đơn vị tài trợ dự án đã giải ngân kinh phí năm 2017 khoảng 51.490 euro (trong tổng nguồn vốn giai đoạn 1 đến tháng 6/2018 là 109.277,5 euro) cho Phú Yên thực hiện các phần việc, gồm tuyển dụng cán bộ lâm nghiệp cho HTX cấp tỉnh; tổ chức hội thảo, tập huấn, tham quan học hỏi; đào tạo kỹ năng lâm nghiệp, giám sát, báo cáo dự án cho cán bộ quản lý và các hộ có rừng… Hiện Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức được 6 lớp tập huấn về kỹ thuật lâm sinh, 2 lớp về kỹ thuật phòng cháy chữa cháy rừng, 2 lớp kỹ thuật công nghệ vườn ươm và các buổi tuyên truyền phòng chống cháy rừng…, thu hút hơn 500 người tham gia. Ngoài Phú Yên, dự án VE6566 còn triển khai ở hai tỉnh là Thừa Thiên - Huế và Quảng Ngãi. |
BẠCH VÂN