Hơn 2 tháng sau bão số 12 nhưng Công ty CP Pusco (nhà thầu xây lắp) vẫn chưa thể trở lại nhịp thi công bình thường do biến đổi địa hình trong khu vực thi công khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác (TP Tuy Hòa). Hiện doanh nghiệp này phải thay đổi hoàn toàn biện pháp thi công để thích ứng với tình hình thời tiết và đảm bảo an toàn, hạn chế thiệt hại cho công trình.
Theo Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT (BQL ĐTXD NN-PTNT), khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác được khởi công từ tháng 8/2017 tại phường Phú Đông (TP Tuy Hòa). Công trình được xây dựng trong khu nước có diện tích gần 20ha với các hạng mục khu neo đậu tàu, khu quay trở, luồng vào khu cảng, đường dẫn trụ neo, đường dẫn nối bờ, hệ thống đèn và biển báo, nạo vét khu nước. Công trình này có tổng mức đầu tư gần 86 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ chương trình mục tiêu phát triển kinh tế thủy sản bền vững giai đoạn 2016-2020 và ngân sách tỉnh. Khi xây dựng hoàn thành, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá Đông Tác sẽ đảm bảo nhu cầu neo đậu cho khoảng 600 tàu cá với công suất tàu lớn nhất khoảng 450CV; đồng thời kết hợp với cảng cá Đông Tác đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản của TP Tuy Hòa.
Sau gần nửa năm thi công, Công ty CP Pusco đã thực hiện được nhiều khối lượng. Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Pusco kiêm chỉ huy trưởng công trình, cho biết: Ngay sau khi khởi công, đơn vị đã tập trung nhiều thiết bị, xe máy vào công trình để tổ chức thi công. Đến nay, nhà thầu đã hoàn thành công tác tháo dỡ vật kiến trúc, đường công vụ, đúc được 50% số lượng cọc bê tông, đóng 52 cọc, nạo vét được 50.000m3 cát trong khu vực 3ha. Tuy nhiên, ảnh hưởng đợt bão số 12 vừa qua, 3 tuyến đường phục vụ thi công bị sóng biển đánh sập và cuốn trôi hoàn toàn, toàn bộ khu vực nạo vét phía giáp biển bị bồi lấp trở lại. Để đảm bảo an toàn công trình và thích nghi với điều kiện thời tiết, công ty đã thay đổi hoàn toàn biện pháp thi công trên công trường. Thay vì làm các đường công vụ để đưa thiết bị ra thi công thì công ty cho nạo vét thông luồng, đưa xà lan vào phục vụ, các thiết bị sẽ đứng trên xà lan để thi công. Mặc dù biện pháp thi công này làm phát sinh thêm nhiều chi phí, mất thời gian hơn nhưng lại đảm bảo an toàn cho công trình và giúp nhà thầu quay trở lại thi công sớm hơn (từ sau bão - PV).
Hiện trên công trình, Công ty CP Pusco huy động 1 xà lan, 1 cẩu, 1 búa đóng cọc, 1 búa rung, 3 tàu hút bùn, nhiều thiết bị, xe máy khác cùng 30 công nhân tổ chức thành nhiều tổ thi công cùng lúc các công việc đúc, đóng cọc bê tông, nạo vét khu nước. Bình quân mỗi ngày nhà thầu đúc được 5 cọc bê tông và đóng được 4 cọc. Nếu thời tiết thuận lợi, từ giờ đến tết, đơn vị sẽ đúc thêm 100 cọc, đóng 50 cọc bê tông nữa và hoàn thành nạo vét trong khu vực quay trở tàu. “Khó khăn nhất hiện nay là địa hình khu vực thi công của công trình bị biến đổi khá nhiều, đặc biệt là khu vực đường dẫn trụ neo phía giáp biển từ K0-K0+240. Tại khu vực này, đơn vị bắt đầu thi công mặt nước sâu hơn 1,5m nhưng hiện tại bị cát bồi thành bãi cạn và vẫn đang có xu hướng bồi; công tác nạo vét và thi công 240m đường dẫn trụ neo phía đầu tuyến phải tạm dừng”, ông Tiến nói.
Theo BQL ĐTXD NN-PTNT, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu tập trung thi công các khối lượng công việc phía trong, đối với khu vực phía ngoài (giáp biển) thì tạm dừng để chủ đầu tư, đơn vị thiết kế và nhà thầu thi công khảo sát, đánh giá lại thực trạng nhằm có giải pháp thi công thích hợp và an toàn nhất trong thời gian tới. Ngoài ra, trong giai đoạn 2016-2020, kế hoạch vốn Trung ương cấp cho công trình chỉ được 25 tỉ đồng, chưa được 1/3 tổng mức đầu tư. Trong khi đó, theo kế hoạch, công trình này sẽ hoàn thành trong năm 2019 và hiện giá trị khối lượng thi công đã đạt 10 tỉ đồng. Để công trình hoàn thành đúng tiến độ, BQL ĐTXD NN-PTNT kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và tỉnh xem xét bố trí kinh phí để đảm bảo việc thi công.
THỦY TIÊN