Thứ Sáu, 25/10/2024 11:28 SA
Hiệu quả mô hình giảm lượng giống gieo sạ
Thứ Tư, 13/09/2017 11:00 SA

Nông dân tham quan mô hình giảm lượng giống gieo sạ tại xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) - Ảnh: HOÀI NAM

Vụ lúa hè thu 2017, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ phối hợp với Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa triển khai mô hình giảm lượng giống gieo sạ tại xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) với diện tích 20ha. Mô hình này giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng giống gieo từ 160kg/ha trước đây còn 80kg/ha.

 

Hiệu quả kinh tế

 

Tại xã Hòa Mỹ Tây, mô hình được triển khai trên diện tích 20ha, sạ 4kg/sào, giống lúa Q5, cấp giống xác nhận 1. Mặc dù đầu vụ, nắng nóng kéo dài gây hạn cục bộ, ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển nhưng lúa vẫn phát triển tốt. Nông dân Nguyễn Sang ở xã Hòa Mỹ Tây, cho biết: Thông thường, chúng tôi sạ 10kg/sào, nhưng nay sạ 4kg/sào nên không an tâm. Hơn nữa, khi sạ xong gặp nắng nóng cục bộ, cây lúa mất sức, những người tham gia mô hình rất lo lắng. Tuy nhiên về sau, lúa phát triển sung sức, cây to, đẻ nhánh nhiều, ai nấy đều vui mừng.

 

Còn ông Trần Chánh cũng tham gia mô hình, cho hay: Tôi làm ruộng lâu năm, tuy nhiên khi tham gia mô hình giảm lượng giống gieo sạ, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn khi bừa cần đánh bùn nhuyễn, làm mặt đất bằng phẳng, đánh đường nước kỹ, hạn chế tối đa nước đọng trên mặt ruộng sau khi sạ nhằm tạo điều kiện cho hạt giống mọc tốt ngay từ đầu, bảo đảm tỉ lệ mọc mầm cao. Nhờ cách hướng dẫn này, chúng tôi làm theo và mang lại hiệu quả cao.

 

Theo nhiều nông dân, tập quán sản xuất của người dân ở đây sử dụng lượng giống khi sạ khá cao từ 120-140kg/ha, thậm chí có hộ gieo sạ lên đến 160kg/ha (8kg/sào), nên việc áp dụng quy trình sản xuất với mật độ 80kg/ha (giảm từ 30-40%) còn mới mẻ đối với người dân. Bên cạnh đó, việc gieo sạ đại trà, kỹ thuật làm đất còn hạn chế, mặt luống trên ruộng không được phẳng, nước đọng vũng gây úng cục bộ và làm chết mầm khi trời nắng. Còn ruộng mô hình, ngay từ đầu vụ, trước khi gieo sạ tại điểm mô hình, cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn thực hành trên đồng ruộng để người sản xuất nắm chắc và tuân thủ nghiêm túc về kỹ thuật làm đất, chăm sóc, bón phân. Ông Phùng Văn Tuấn, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Mỹ Tây, cho hay: Cuối vụ, ruộng mô hình đạt năng suất 65,5 tạ/ha, trong khi đó ruộng đại trà, nông dân sạ theo cách truyền thống thì năng suất chỉ đạt 63,2 tạ/ha. Trong quá trình sản xuất, ruộng mô hình đã tiết kiệm một số chi phí như vật tư, công lao động… nên lãi ròng ruộng mô hình đạt 17,3 triệu đồng/ha, cao hơn ruộng sản xuất đại trà trên 3 triệu đồng/ha.

 

Nhân rộng

 

Ông Trần Nguyễn Lâm Viên, Phó phụ trách Trạm Khuyến nông Tây Hòa, cho rằng trên cánh đồng lúa ở thời điểm hội thảo, ruộng mô hình có chiều dài bông trung bình đạt 21cm, cao hơn 2cm so với ruộng đối chứng. Đối với giống trong mô hình, với mật độ gieo sạ giảm cùng chế độ bón phân cân đối nên cây lúa không bị đổ ngã so với ruộng ngoài mô hình. Ở ruộng đối chứng (sạ 140kg/ha) tỉ lệ lép rất cao, lên đến 12,4%, còn ruộng mô hình tỉ lệ lép chỉ 8,5%. Trạm sẽ triển khai nhân rộng mô hình này.

 

Ông Đặng Minh Nghĩa, Giám đốc HTX Kinh doanh dịch vụ Tây Hòa An (huyện Phú Hòa), tham quan mô hình nói: Mô hình nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng hạt giống có phẩm cấp vào sản xuất đại trà, tăng năng suất và sản lượng lúa, thay cho thói quen lâu nay vẫn dùng lúa thịt để làm giống với lượng lớn. ThS Trần Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Khuyến nông (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ), chia sẻ: Khi mật độ gieo sạ dày sẽ làm tăng chi phí về phân bón, thuốc phòng trừ sâu bệnh và chi phí về nước tưới, làm cho sản phẩm có chất lượng thấp, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Trung bình chi phí sản xuất 1ha lúa từ 22-25 triệu đồng, với năng suất lúa đạt từ 60-65 tạ/ha thì giá thành sản xuất mỗi kilôgam lúa khoảng 3.666-3.846 đồng (chiếm trên 50% giá bán sản phẩm trên thị trường). Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm chi phí sản xuất như sử dụng giống tốt, giảm mật độ lúa gieo sạ, để nâng cao năng suất và chất lượng hạt lúa.

 

Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ, vùng Nam Trung Bộ có tổng diện tích sản xuất lúa hàng năm khoảng 520.000ha, năng suất bình quân đạt khoảng 58,56 tạ/ha, sản lượng đạt hơn 3 triệu tấn. Thế nhưng hiệu quả sản xuất lúa còn thấp, nguyên nhân chính là do chi phí về giống, phân bón… còn cao trên mức cần thiết. Về lượng giống gieo sạ, trong vụ đông xuân 2016-2017, toàn vùng Nam Trung Bộ còn 52.061ha có lượng giống gieo sạ trên 150kg/ha; 144.294ha có lượng giống gieo sạ từ 120-150kg/ha. Riêng Phú Yên có tổng diện tích sản xuất lúa 2 vụ hàng năm khoảng 57.000ha, sản lượng đạt khoảng 360.000 tấn, năng suất bình quân khoảng 65-68 tạ/ha/vụ. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất lúa hiện nay của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục là mật độ sạ với lượng giống quá cao, bình quân 180-220kg/ha.

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek