Thứ Bảy, 26/10/2024 01:29 SA
Tham gia vào tái cơ cấu nông nghiệp: Các HTX nỗ lực khẳng định mình
Thứ Ba, 05/09/2017 08:05 SA

Có vốn để chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nên HTX Tân Hòa Bình luôn đạt doanh thu cao, tạo nhiều việc làm cho lao động - Ảnh: MINH DUYÊN

Với nhiệm vụ tổ chức sản xuất, đại diện cho các hộ dân liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, các HTX đang giữ vai trò quan trọng trong chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ. Hiện nhiều HTX đã tổ chức tốt sản xuất, có đủ trang thiết bị để chế biến sản phẩm nhưng khâu yếu vẫn là tìm đối tác tiêu thụ. Giải quyết khâu yếu này, các HTX cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành và chính quyền.

 

Bài học kinh nghiệm

 

Lúa giống là sản phẩm thế mạnh của các HTX nông nghiệp hiện nay. HTX Nông nghiệp Nam An Nghiệp (huyện Tuy An) là một trong những đơn vị tốp đầu của tỉnh trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa giống. Mỗi năm đơn vị này tiêu thụ 400 tấn lúa giống, cho thu nhập 60 triệu đồng/ha/năm. Ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX chia sẻ: Có được thành công này là nhờ ngay từ khi ra đời, Hội đồng quản trị HTX đã xác định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh là không chạy theo số lượng, quy mô mà phát triển dựa trên trình độ, khả năng của các hộ dân. Tức là người dân phát triển tới đâu, HTX xây dựng mô hình sản xuất tương ứng tới đó, chứ không chạy theo số lượng hay quy mô lớn. Nhờ vậy tạo được sự gắn bó giữa các hộ dân với nhau và giữa người dân với HTX nên sản phẩm làm ra luôn đạt chất lượng, cung cầu hài hòa không bị dư thừa. Lâu dần tạo được uy tín cho các doanh nghiệp tiêu thụ lúa giống tới hợp tác sản xuất.

 

Thành công trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp hơn 20 năm nay, HTX Tân Hòa Bình (huyện Tây Hòa) một lần nữa khẳng định vốn và công nghệ chính là yếu tố giúp đơn vị tồn tại được trên thị trường hiện nay. Theo ông Lương Tân Thái, Giám đốc HTX Tân Hòa Bình, sản xuất sản phẩm gỗ mỹ nghệ đòi hỏi HTX phải đầu tư nhà xưởng, cải tiến máy móc, trang thiết bị theo kịp với công nghệ của thị trường xuất khẩu. HTX cũng luôn duy trì nguồn vốn hoạt động ổn định để có thể đứng vững trên thị trường khi gặp phải những biến động về giá.

 

Để khẳng định thêm về vai trò của vốn trong tiêu thụ sản phẩm, cùng nhìn lại thất bại của tổ hợp tác Hồng Quang (huyện Đồng Xuân). Nhiều năm trước, tổ hợp tác này được biết đến với các sản phẩm mỹ nghệ điêu khắc gỗ. Các sản phẩm này đều có chứng nhận độc quyền về kiểu dáng, mẫu mã; được chọn làm sản phẩm đại diện đưa đi trưng bày tại các hội chợ thương mại. Nhưng hơn một năm nay tổ hợp tác này không thể duy trì hoạt động. Theo UBND huyện Đồng Xuân, nguyên nhân là do sản phẩm không tiêu thụ đại trà, nên không thể thu hồi vốn nhanh; trong khi đó vốn của đơn vị lại hạn chế nên không đủ khả năng tiếp tục sản xuất, chờ cơ hội.

 

Đối với một số sản phẩm đã có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường, việc duy trì và mở rộng quy mô hoạt động buộc các HTX, tổ hợp tác phải hiện đại hóa công nghệ thay thế sản xuất thủ công trước kia. Ông Nguyễn Hai, Tổ trưởng tổ hợp tác bánh tráng Hòa Đa (huyện Tuy An) cho biết: Sản phẩm bánh tráng Hòa Đa được nhiều người trong và ngoài nước biết tới. Hiện trong làng có 375 hộ làm nghề, sản xuất từ 2-3 tấn bánh thành phẩm mỗi ngày. Có được kết quả này là nhờ các hộ làm bánh đã dùng máy tráng bánh nên bánh có độ dầy đều và dẻo hơn, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

 

Mong không còn đơn độc

 

Hiện các HTX đang quản lý các làng nghề với nhiều sản phẩm có tiềm năng như dâu tằm Hòa Phong, chim cút Hòa Hiệp Bắc, dưa hấu phường 5, chổi đót Hòa Thắng… Tuy nhiên, các HTX mới chỉ tổ chức được sản xuất, còn khâu tiêu thụ vẫn mang tính chất tự túc. Điều này khiến cho sự có mặt của các sản phẩm này trên thị trường vừa manh mún vừa không đạt giá trị kinh tế cao. Theo ông Trương Ngọc Khuê, một hộ thành viên của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa) đã nuôi chim cút hơn chục năm nay, ngày càng có nhiều hộ trong xã nuôi nên các hộ như ông mong muốn được tổ chức sản xuất một cách tập trung có quy mô và thương hiệu để dễ tiêu thụ trên thị trường. Còn ông Nguyễn Ngọc, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Hòa Hiệp Bắc, cho biết: Từ trước tới nay, các hộ nuôi chim cút phát triển tự phát; tức là tự tìm nguồn giống, thức ăn, tự làm chuồng trại nuôi và tự mang đi bán, không theo bất kỳ quy chuẩn nào. Nay quy mô và số lượng nuôi chim cút trong dân đã tăng lên nếu không được quản lý bài bản sẽ vừa gây ảnh hướng tới môi trường sống của người dân vừa tạo ra cạnh tranh không lành mạnh. HTX Hòa Hiệp Bắc có kế hoạch xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cho sản phẩm này. Trong đó, việc quy hoạch các hộ chăn nuôi vào một khu để dễ quản lý vấn đề môi trường, dịch bệnh. Đồng thời xây dựng ở đây nhà xưởng chế biến, cho ra đời sản phẩm trứng cút, thịt cút đạt tiêu chuẩn và có mã vạch hàng hóa… Nhưng để thực hiện được, HTX cần sự hỗ trợ của chính quyền các cấp và các sở, ngành liên quan về vốn cũng như thủ tục.

 

Còn theo ông Lê Ngọc Cửu, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Phong (huyện Tây Hòa), làng nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với sản phẩm kén tằm và rượu nhộng tằm của xã Hòa Phong có từ bao đời, nếu nay không sớm đầu tư bài bản sẽ dần mai một. Hiện các hộ làm nghề vẫn tự sản xuất, tự tiêu thụ nên khi gặp thời tiết bất thường, cây dâu không phát triển hoặc giá kén xuống thấp là lại rơi vào cảnh lao đao. Dần dần nhiều người bỏ nghề đi làm thêm các việc khác và những thế hệ trẻ thì không mặn mà với nghề… Nếu được đầu tư thành chuỗi từ trồng dâu đến chế biến kén và ngâm ủ rượu nhộng tằm đạt chuẩn, thì mới có cơ hội tìm được chỗ đứng vững trên thị trường.

 

Mới đây Bộ NN-PTNT có chủ trương hình thành ở mỗi xã một sản phẩm làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới. Nên thời gian tới, đây sẽ là cơ hội giúp các HTX xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất. Cùng với đó, tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó sản xuất tập trung có quy mô để dễ dàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đang được chú trọng. Các HTX chính là kênh tập hợp các hộ dân nhỏ lẻ vào cùng sản xuất lớn và khi đó các đơn vị này cũng sẽ được đầu tư vốn mua máy móc, trang thiết bị phục vụ chế biến và xúc tiến thương mại.

 

Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lê Thanh Lam

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek