Thứ Bảy, 26/10/2024 09:32 SA
Tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn:
Hiệu quả nhìn từ thực tế
Thứ Ba, 29/08/2017 08:28 SA

Trình diễn mô hình sử dụng máy trồng mía trên cánh đồng lớn tại xã Sơn Phước, huyện Sơn Hòa - Ảnh: MINH DUYÊN

Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là một trong những mục tiêu quan trọng của tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Phú Yên. Đây là chủ trương đúng bởi nhìn từ thực tế sản xuất của các hộ dân, diện tích lớn sẽ gắn liền với đầu tư khoa học, kỹ thuật, máy móc… hướng tới thực hiện lâu dài và bền vững. Thời gian qua, UBND tỉnh khuyến khích các hộ sản xuất lớn bằng cách xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn.

 

Nhiều lợi ích từ sản xuất lớn

 

Anh Trần Văn Điện ở thôn Quảng Mỹ, xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) dù đã sở hữu hơn 100ha đất trồng keo nhưng vẫn muốn mua thêm để mở rộng sản xuất. Những hộ chuyển nhượng đất lại cho anh chủ yếu sở hữu diện tích nhỏ dưới 5ha/hộ.

 

Anh Điện cho biết: Muốn trồng rừng có hiệu quả kinh tế phải có diện tích lớn. Kinh nghiệm hơn 20 năm trồng rừng tôi thấy, 1ha chi phí từ 25-30 triệu đồng/5 năm; nhưng 10ha thực tế chỉ mất khoảng 100-150 triệu đồng/5 năm; đặc biệt diện tích càng lớn thì chi phí càng thấp. Vì khi có diện tích lớn buộc tôi phải đầu tư bài bản, có tính bền vững cao và sử dụng khoa học kỹ thuật hiện đại thay thế công lao động. Tôi lắp đặt hệ thống camera an ninh và cảnh báo cháy nên không phải thuê bảo vệ trông coi và khắc phục được hoàn toàn rủi ro cháy rừng. Đồng thời, với diện tích lớn, tôi vừa trồng rừng vừa làm trang trại nuôi heo, bò, gà… tạo thêm nguồn thu hỗ trợ giảm chi phí sản xuất. Gỗ sau thu hoạch, có sản lượng lớn cũng dễ liên hệ trực tiếp với nhà máy bán được giá, còn nếu số lượng ít thì chỉ bán lại cho tư thương đi mua gom, chắc chắn bị ép giá.

 

Còn với bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh ở thôn Tân Yên, xã Ea Ly (huyện Sông Hinh), bà đã kêu gọi người thân trong gia đình hùn vốn hơn 2 tỉ đồng mua hơn 60ha đất rẫy thực hiện sản xuất quy mô lớn. Bà Hạnh cho biết: Tôi trồng keo lai, mía, sắn… để tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau phòng trường hợp giá cả một loại nông sản nào đó lên xuống thất thường. Ví dụ sắn không được giá thì có mía bù vào hoặc gỗ rừng bị ép giá thì có sắn, mía bù đắp chi phí. Phải sản xuất lớn mới có thể xây dựng kế hoạch bền vững vì chi phí hàng năm cho lao động, máy móc, phân thuốc, giống… gần như cố định, điều này buộc mình phải có nguồn thu đủ chi, nên không thể trông chờ vào một sản phẩm.

 

Tuy nhiên, không phải hộ dân nào cũng có số tiền lớn để đầu tư ban đầu. Thường mỗi hộ chỉ sở hữu vài hecta đất sản xuất; nên để sản xuất quy mô lớn nhiều hộ đã liên kết nhau lại và gộp đất. Điển hình là mô hình trồng mía của 11 hộ dân ở xã Sơn Nguyên (huyện Sơn Hòa).

 

Theo ông Đoàn Đắc Miên, người đã đứng ra tập hợp các hộ này thì mỗi hộ trong nhóm của ông người sở hữu 3ha, người 5ha, người 10ha… Khi làm đơn lẻ chỉ tính riêng tiền làm hàng rào phân chia ranh giới đất đã mất cả chục triệu mỗi hecta. Khi gom chung lại các hộ đã cùng tạo ra cánh đồng mía lớn 400ha được đầu tư hệ thống thủy lợi hoàn thiện.

 

Khi vào vụ, có 5-6 máy cày cùng làm đất. Khi thu hoạch có 7-8 xe tải cùng chở mía cho nhà máy… Cái lợi trước mắt là tiết kiệm được chi phí, theo nữa là kêu gọi được hỗ trợ đầu tư. Nhà máy đường KCP Sơn Hòa đã hỗ trợ kinh phí làm nội đồng, giống, phân thuốc và mua máy móc trang thiết bị cho mô hình này.

 

Nhân rộng những mô hình hiệu quả

 

Thời gian qua, các xã và HTX nông nghiệp được hỗ trợ kinh phí để làm mô hình cánh đồng mẫu lớn trong sản xuất lúa. Theo ông Trần Tấn Khoa, Giám đốc HTX Nam An Nghiệp (huyện Tuy An), hàng năm HTX được hỗ trợ giống, phân thuốc để trình diễn mô hình cánh đồng mẫu lớn lúa chất lượng cao cho bà con. Nhờ vậy bà con hiểu được cái lợi của việc cùng liên kết sản xuất.

 

Hàng năm, bà con đã ký hợp đồng sản xuất với HTX. Đồng thời, HTX cũng thuê thêm đất 5% của xã; từ đó tạo ra cánh đồng lúa giống diện tích 40ha. Từ đây, HTX thu hút nhiều doanh nghiệp và các trung tâm giống trong và ngoài tỉnh tới hợp tác thu mua sản phẩm. Mỗi năm HTX tiêu thụ bình quân 400 tấn lúa giống, cho thu nhập trên 60 triệu đồng/ha/năm, lãi từ 35-40 triệu đồng/năm.

 

Tại các huyện miền núi, các mô hình cánh đồng mía, sắn mẫu lớn cũng được trình diễn. Điển hình, mô hình cánh đồng mía tưới nước và áp dụng cơ giới hóa triển khai tại xã Sơn Phước (huyện Sơn Hòa). Ông Sô Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Phước, cho biết: Ban đầu, Sở TN-MT hỗ trợ xã làm mô hình trên diện tích 15ha. Diện tích lớn đã góp phần đưa cơ giới hóa vào cánh đồng nên chi phí giảm, thời gian lao động trên cánh đồng cũng giảm và cây mía có nước cho năng suất cao. Cụ thể, 1ha làm thủ công hết 3 ngày và chi phí 12 triệu đồng trong khi làm máy chỉ 1 ngày và 11 triệu đồng. Cây mía cho năng suất bình quân 98,5 tấn/ha cao hơn 15-20 tấn/ha so với trước, cho lợi nhuận từ 8,2-9,2 triệu đồng/ha.

 

Theo Sở NN-PTNT tỉnh, đề án Xây dựng cánh đồng lớn sản xuất cây sắn theo hướng thâm canh bền vững ở huyện Đồng Xuân đã được UBND tỉnh phê duyệt là một trong 25 mô hình phát triển bền vững của tỉnh. Điều này cho thấy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cần được kiên trì thực hiện theo hướng xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo ra một nền nông nghiệp công nghiệp có giá trị cao.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek