Thứ Bảy, 26/10/2024 11:22 SA
Vui cùng hầm Đèo Cả
Chủ Nhật, 27/08/2017 15:00 CH

Xe qua hầm đường bộ đèo Cả - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

Ngày 21/8, hầm đường bộ qua đèo Cả đã được thông xe trong niềm vui vỡ òa của nhân dân, chính quyền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa cùng những người thực hiện dự án này. Từ nay, cảnh tắc đường nhiều giờ liền trên đoạn quốc lộ 1 qua đèo Cả đã chấm dứt. Công trình sẽ giúp các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ có thêm động lực để phát triển kinh tế - xã hội.

 

Hết tắc đường, kẹt xe

 

Đối với nhiều lái xe đường dài, đèo Cả luôn là nỗi ám ảnh trên hành trình từ Bắc vào Nam và ngược lại. Con đèo chỉ dài hơn 10km nhưng hiểm trở, nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn, ùn tắc giao thông. Chỉ cần một xe bị chết máy hoặc một cú va quệt giữa 2 xe đi ngược chiều nhau là hàng trăm phương tiện sẽ ùn ứ ở hai đầu đèo Cả hàng giờ liền. Ngoài ra, mỗi khi vào mùa mưa bão, đèo Cả cũng thường xuyên xảy ra sạt trượt gây tắc đường, làm lực lượng cảnh sát giao thông hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa phải vất vả để giải tỏa. Thiệt hại kinh tế của những lần như vậy là rất lớn nên người dân, chính quyền hai tỉnh luôn ước mong đèo Cả có hầm. Giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực vào ngày 21/8 khi hầm Đèo Cả được thông xe toàn tuyến. Niềm vui như được nhân lên gấp bội nhất là với cánh lái xe đường dài. Anh Nguyễn Hữu Trực, tài xế xe tải 77K-00135 phấn khởi bày tỏ: “Tôi chờ ngày này đã lâu, nay mới được đi qua hầm nên vui lắm. Trước đây, mỗi lần qua đèo, tôi hết sức căng thẳng vì lo tắc đường, kẹt xe nhất là mỗi khi có mưa bão. Giờ thì xe bon bon qua hầm với vận tốc có thể lên đến 80km/giờ; thời gian của hành trình được rút ngắn đáng kể”. Còn theo anh Lê Văn Bê, tài xế xe du lịch ở TP Đà Nẵng, thường đưa khách đi tour vào Nha Trang, mỗi lần đến đèo Cả, ai cũng lo lắng sợ tai nạn giao thông. Anh Bê cho biết: “Nếu đi đường hầm thì quãng đường qua đèo Cả và đèo Cổ Mã được rút ngắn từ 21,4km xuống còn 13km. Thời gian hành trình rút ngắn từ 45 phút xuống còn 10 phút. Mặc dù sẽ tốn phí qua hầm nhưng so với nhiên liệu bị tiêu hao, thời gian và những hiểm nguy nếu phải qua đèo thì lái xe được hưởng lợi hơn nhiều”.

 

Không chỉ có tài xế đường dài mà người dân khu vực nơi triển khai dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả cũng rất phấn khởi khi hầm được thông tuyến. Anh Đặng Hữu Từ ở thôn Hảo Sơn Bắc, xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) vui mừng nói: “Trước đây, khu vực này rất vắng vẻ, khi trời tối chỉ có màn đêm bao trùm nên nhà nào cũng đóng cửa đi ngủ sớm. Giờ thì cả vùng sáng bừng ánh điện, xua đi cái u buồn của khu vực rừng núi hiểm trở. Người dân đã thức cùng với hoạt động của hầm đường bộ đèo Cả”. Còn theo ông Trần Văn Khả, lão thành cách mạng ở TP Tuy Hòa thì khi hay tin hầm Đèo Cả hoàn thành, ông liền bảo đứa cháu chở vào tận nơi để được một lần ngắm công trình hiện đại này. Ông Khả cho biết: Lúc đầu, tôi cũng bán tín bán nghi vì nghĩ rằng Công ty CP Đầu tư Đèo Cả không thể nào thực hiện được một công trình có quy mô lớn đến như vậy. Vậy mà hầm đã hoàn thành, xe cộ qua lại nườm nượp. Tôi thấy mãn nguyện khi hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa có được công trình này.

 

Đòn bẩy phát triển kinh tế

 

Hầm đường bộ đèo Cả được đưa vào sử dụng đã tạo nên động lực để các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ có thêm điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Khu vực này, nhất là tỉnh Phú Yên so với cả nước còn có những hạn chế do hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn chỉnh, nên nhiều nhà đầu tư ngại bỏ vốn vào đây. Hầm Đèo Cả được thông tuyến đồng nghĩa với nút thắt trên quốc lộ 1 được giải quyết, góp phần tạo nên sự hoàn chỉnh cho mạng lưới giao thông cả nước. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, công trình này đưa vào sử dụng không chỉ là một kỳ tích của người Việt Nam đối với một hầm đường bộ có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, mà còn tạo nên dấu ấn cho nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, cũng như khẳng định sự thành công của hình thức đối tác công tư (PPP) lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam. Đoạn quốc lộ 1 qua khu vực miền Trung đã được nâng cấp, hầm Đèo Cả sẽ mở nút thắt trên đoạn đường này tạo thuận lợi hơn nữa cho lưu thông của các phương tiện. Cùng với hầm Đèo Cả, năm 2018, hầm Cù Mông cũng sẽ hoàn thành góp phần hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật giao thông cả nước.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết: Mặc dù có nhiều cố gắng nhưng những năm qua, Phú Yên vẫn chưa tạo được lợi thế cạnh tranh vượt trội so với một số tỉnh trong khu vực Nam Trung Bộ do giao thông còn cách trở. Khu vực đèo Cả thường bị tắc đường, kẹt xe gây thiệt hại kinh tế rất nhiều. Có hầm đường bộ Đèo Cả, tình trạng này sẽ được giải quyết. Đồng thời, Phú Yên có thêm động lực để phát triển kinh tế - xã hội; có điều kiện để thu hút các nhà đầu tư. Quan trọng hơn cả là tạo nên sự liên kết vùng giữa Khu kinh tế nam Phú Yên với đặc khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa. Hiện Khu kinh tế nam Phú Yên có những dự án lớn nên rất cần có mạng lưới giao thông hoàn chỉnh để giúp các dự án này sớm được triển khai đi vào hoạt động. Hầm Đèo Cả sẽ góp phần làm nên điều đó. Công trình thực sự là đòn bẩy để hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa cũng như các tỉnh lân cận trong khu vực cùng liên kết phát triển.

 

HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek