Thứ Bảy, 26/10/2024 21:29 CH
Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Yên:
Quyết tâm hoàn thành đúng lộ trình
Thứ Ba, 22/08/2017 07:51 SA

Xây dựng các mô hình sản xuất là cách giúp đồng bào miền núi giảm nghèo bền vững. Trong ảnh: Trình diễn mô hình lúa lai TH3-5 tại xã Suối Trai, huyện Sơn Hòa - Ảnh: MINH DUYÊN

Tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, ông Ngô Trường Thi, Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB-XH) xác nhận một số nguồn vốn và thông tư hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia Trung ương chậm ban hành. Trong khi đó, đồng chí Trần Hữu Thế, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên khẳng định, Phú Yên quyết tâm thực hiện đúng lộ trình, để người dân sớm được hưởng lợi.

 

Chậm từ vốn đến văn bản hướng dẫn

 

Ông Trần Văn Anh, Phó Giám đốc Sở Tài chính, cho biết: Năm 2017, việc sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) theo hướng dẫn của Thông tư 15 của Bộ Tài chính về quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đến tháng 4/2017, thông tư này mới có hiệu lực. Khi đó, sở mới có căn cứ để xây dựng kế hoạch giải ngân vốn. Sau khi xây dựng xong còn phải chờ tới tháng 9 này mới thông qua tại hội nghị của HĐND tỉnh.

 

Đối với nguồn vốn Chương trình 135 của năm 2017 về hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ sở, hỗ trợ phát triển sản xuất cho xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, buôn đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2016-2020 (thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững) thì đến nay vẫn chưa có vốn để triển khai. Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Võ Văn Binh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, vốn từ Trung ương đã đưa về tỉnh song đối tượng thụ hưởng thì phải đến tháng 4/2017 mới ban hành.

 

Cụ thể, căn cứ vào Quyết định 582 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, II, I thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2016-2020, tỉnh mới có danh sách 105 thôn và 16 xã được công nhận đặc biệt khó khăn để xây dựng phương án thụ hưởng. Quá trình xây dựng kế hoạch rồi thẩm định cũng kéo dài nên đến nay mới bắt tay vào giải ngân vốn. Nếu các văn bản của Trung ương có ngay từ đầu năm thì địa phương đã sớm hoàn thành.

 

Bên cạnh đó, một số nguồn vốn đến nay Trung ương vẫn nợ văn bản hướng dẫn. Điển hình như Bộ NN-PTNT chưa có văn bản hướng dẫn sở NN-PTNT các địa phương triển khai CTMTQG xây dựng nông thôn mới ở những lĩnh vực thuộc sở này phụ trách. Hay vốn cho các HTX gắn với nguồn vốn CTMTQG xây dựng nông thôn mới đến nay cũng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.

 

Ông Lê Thanh Lam, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, bày tỏ: Năm 2017, thực hiện Quyết định 2261 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020, thì nguồn vốn này mới được “bóc tách” một phần từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Hiện, vốn nông thôn mới đã đưa về địa phương để triển khai các dự án như đã đăng ký nhưng các HTX vẫn chưa được thụ hưởng. Nguyên nhân do chưa có văn bản nào hướng dẫn cho việc phân chia vốn cho HTX, như các HTX sẽ được thụ hưởng bao nhiêu phần trăm vốn vào làm những việc gì, nên chính quyền các địa phương chỉ biết giữ vốn để chờ…

 

Tỉnh quyết tâm hoàn thành

 

Theo UBND tỉnh, tổng vốn ngân sách Trung ương giao cho tỉnh Phú Yên thực hiện các CTMTQG năm 2017 gần 186,4 tỉ đồng, trong đó vốn bổ sung năm 2016 gần 10,9 tỉ đồng, vốn kế hoạch năm 2017 hơn 171,2 tỉ đồng và vốn bổ sung CTMTQG xây dựng nông thôn mới năm 2017 gần 4,3 tỉ đồng. Để giải ngân các nguồn vốn này, UBND tỉnh đã ra Quyết định 316 về giao dự toán bổ sung từ ngân sách Trung ương năm 2016. Trong đó, UBND tỉnh phân bổ 1,3 tỉ đồng cho xây dựng nông thôn mới, gần 9,6 tỉ đồng cho CTMTQG giảm nghèo bền vững.

 

Đối với nguồn vốn kế hoạch năm 2017, UBND tỉnh đã phân bổ vốn xây dựng nông thôn mới 89,2 tỉ và giảm nghèo bền vững hơn 82 tỉ đồng. Còn đối với vốn bổ sung xây dựng nông thôn mới năm 2017, UBND tỉnh giao các sở KH-ĐT, Tài chính đưa ra phương án phân bổ chi tiết, tham mưu cho UBND tỉnh trình thường trực HĐND tỉnh thẩm định để sớm ra quyết định phân bổ cụ thể.

 

Đồng thời, trong quá trình triển khai, một số chính sách khi vào thực tế không còn phù hợp, cũng được lãnh đạo các sở, ngành kiến nghị sửa đổi. Ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Phú Yên, cho biết: Mức vay ưu đãi theo Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn quy định 6 triệu đồng/công trình là quá thấp, không tạo ra sự hỗ trợ tích cực cho các địa phương. Vì mỗi công trình nước tập trung đặc biệt là vùng miền núi có vốn đầu tư tới cả chục tỉ đồng, thấp nhất là các công trình giếng đào cũng vài chục triệu đồng.

 

Trong khi đó, đối tượng thụ hưởng chỉ được vay 6 triệu đồng, không đủ mua đường ống kéo về nhà dân. Vì vậy, tỉnh Phú Yên đề xuất tăng mức cho vay từ 12-15 triệu đồng/công trình.

 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: Địa phương căn cứ vào thông tư và các văn bản hướng dẫn để giải ngân vốn từ Trung ương đưa về. Nên khi văn bản chậm có hiệu lực sẽ dẫn đến vốn chậm giải ngân.

 

Để khắc phục tối đa tình trạng này, UBND tỉnh luôn chỉ đạo các sở, ngành liên quan khảo sát thực tế, xây dựng phương án sẵn có; khi có hướng dẫn của Trung ương lập tức điều chỉnh và triển khai ngay; để vốn hỗ trợ tới được đối tượng thụ hưởng nhanh nhất, để người dân sớm có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống. UBND tỉnh Phú Yên phấn đấu từ nay tới cuối năm bằng mọi cách sẽ giải ngân hết vốn.

 

MINH DUYÊN

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek