Thứ Năm, 06/02/2025 03:35 SA
Chủ động diệt cá dọn hồ và ốc bươu vàng
Thứ Sáu, 07/07/2017 08:34 SA

Ông Nguyễn Ngọc Bước thực hành cách diệt sinh vật gây hại trên ruộng lúa bằng phương pháp thủ công cho hiệu quả lâu dài và ít tác động đến môi trường - Ảnh: THÁI HÀ

Là sinh vật ngoại lai có đặc tính ăn tạp, cạnh tranh mạnh, sinh sản nhanh…, cá dọn hồ, ốc bươu vàng đang phát triển mạnh trong tự nhiên làm khổ cho người dân sản xuất nông nghiệp và khai thác thủy sản nước ngọt; đồng thời đe dọa mất cân bằng sinh thái.

 

Khổ vì cá dọn hồ, ốc bươu vàng

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Dự (xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa) có một ao trồng rau muống khá sâu. Nhiều năm trước, mỗi mùa mưa đến, gia đình anh thả lưới bắt được cả thau cá và phải bán bớt vì ăn không hết. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trở lại đây, cá dọn hồ xuất hiện dày đặc, bám đầy mẻ lưới nên gỡ mỏi tay.

 

Thực tế, số lượng cá dọn hồ không ngừng tăng lên sau mỗi mùa nước lớn. Ông Nguyễn Văn Thường (xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa), một người đánh lưới chuyên nghiệp, cho biết: “Ở xã này, mỗi khi mùa mưa đến, nước ngập tràn đồng, khu dân cư thường bị chia cắt và khai thác thủy sản nước ngọt trở thành công việc chính để có thu nhập lo cuộc sống gia đình và phục vụ cho những ngày không đến chợ được. Nhưng những năm gần đây, khi cá dọn hồ xuất hiện dày, nhiều người làm nghề chài lưới các loại cá đồng phải bỏ nghề vì cá khan hiếm và lưới chài bị rách khi gỡ cá dọn hồ”.

 

Ngoài cá dọn hồ, ốc bươu vàng thực sự trở thành nỗi lo của người nông dân vào mỗi đầu vụ gieo sạ. Khi chúng tàn phá mạnh, người dân phải dùng thuốc diệt ốc được pha với nồng độ cao mới có thể tiêu diệt được loại sinh vật này. “Ốc bươu vàng xuất hiện nhiều vào ngày tháo nước vào ruộng sau gieo sạ để cắn các mầm lúa non.

 

Lúc trước, sáng sáng, tôi thường ra ruộng để bắt ốc về vừa dọn cho sạch ruộng vừa làm thức ăn cho vịt. Tuy nhiên, khi thấy ốc bắt hoài không hết nên tôi chuyển sang phun thuốc bảo vệ thực vật. Những thuốc diệt ốc thường có xuất xứ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các sinh vật khác và gây hại cho con người và môi trường, nhưng nếu không phun thuốc thì chỉ một đêm là ốc cắn tan hoang đám ruộng, dặm lại rất vất vả”, ông Huỳnh Binh ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, cho biết.

 

Theo ông Đặng Văn Mạnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, là những sinh vật ngoại lai du nhập vào Việt Nam, ốc bươu vàng và cá dọn hồ đang xuất hiện nhiều trên đồng ruộng, kênh mương, ao hồ trên địa bàn tỉnh gây không ít khó khăn cho người dân trồng lúa và khai thác thủy sản nước ngọt. Nguy hiểm hơn, các đối tượng này có thể làm xáo trộn hệ sinh thái thủy vực do mất cân bằng chuỗi thức ăn cũng như sự cạnh tranh trực tiếp đối với các loài cá bản địa có cùng tập tính; hậu quả có thể làm giảm thiểu đa dạng sinh học.

 

Cách diệt trừ đơn giản, hiệu quả

 

Ốc bươu vàng được du nhập vào Việt Nam để nuôi làm thực phẩm và xuất khẩu. Tuy nhiên, chúng thoát ra ngoài tự nhiên và gặp điều kiện sinh sống thích hợp nên đã phát triển thành loài sinh vật gây hại nghiêm trọng cho nền nông nghiệp, nhất là cây lúa. Còn cá dọn hồ là loài cá ăn tạp, cạnh tranh thức ăn với các loài khác, sinh sản nhanh nên khi phát tán ra ngoài thủy vực tự nhiên, có khả năng gây mất cân bằng sinh thái. Để ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật này, những cách làm thủ công vẫn cho hiệu quả cao hơn cả.

 

Ông Đặng Văn Mạnh cho biết, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp thế giới (FAO) đã cảnh báo, nếu để ốc bươu vàng tràn ra môi trường tự nhiên thì sẽ rất khó kiểm soát. Khoảng đầu những năm 1990, Việt Nam đã bắt đầu có dịch ốc bươu vàng và đến nay, chúng tràn trên các đồng ruộng. Nguy hiểm hơn, ốc bươu vàng hiện đã lai với ốc bươu đen và loại con lai này có sức tàn phá rất khủng khiếp.

 

Tương tự, cá dọn hồ giờ cũng đã xuất hiện rất nhiều ở nhiều địa phương trong tỉnh. Ngành chức năng vẫn chưa có điều tra về tác hại do loài cá này gây ra. Cũng theo ông Mạnh, với bản chất ăn tạp, loài cá này có khả năng phát triển mạnh mẽ, chiếm không gian sống của các loài cá khác, gây mất cân bằng sinh thái.

 

Để ngăn chặn sự phát triển của các sinh vật ngoại lai, ông Mạnh cho rằng người dân không nên ỷ lại thuốc bảo vệ thực vật mà nên dựa vào quá trình phát triển của chúng để có cách tiêu diệt. Thời điểm tiêu diệt ốc tốt nhất là lúc chúng còn là trứng. Nếu khi đã nở thành ốc con, người dân có thể dùng lưới nhỏ ngăn ở trổ nước khi đưa nước vào ruộng, sau đó vớt ốc lên đi tiêu hủy. Khi ruộng bắt đầu sạ, có thể chừa rãnh nước ở 4 bên của ruộng sau đó chặt một ít cây chà phủ lên. Qua một đêm, người dân gom cây chà cách ly với môi trường nước.

 

Diệt ốc bươu vàng theo cách này, theo nhiều nông dân là rất hiệu quả, vừa đỡ tốn chi phí thuốc bảo vệ thực vật vừa bảo vệ môi trường. “Tôi cho rằng cách diệt các sinh vật gây hại bằng phương pháp thủ công vẫn mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Nguyễn Ngọc Bước ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa, nói.

 

Còn với loại cá dọn hồ, khi bắt được cần cách ly chúng khỏi điều kiện sống, chế biến thành thức ăn cho người hoặc cho gia súc. “Với những cách làm đơn giản, thủ công nhưng có tính dự phòng, việc kiềm chế sự phát triển, lây lan của ốc bươu vàng và cá dọn hồ sẽ an toàn hơn, hiệu quả hơn, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững”, ông Mạnh khuyến khích.

 

THÁI HÀ

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek