Thứ Năm, 06/02/2025 16:45 CH
Chăm sóc lúa hè thu 2017: Sạ thưa, giảm chi phí sản xuất
Thứ Bảy, 01/07/2017 13:00 CH

Vụ lúa hè thu 2017, nông dân trong tỉnh gieo sạ trên 22.750ha. Vụ này, các địa phương triển khai nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ. Vì vậy, trên những cánh đồng sạ thưa, nông dân giảm được chí phí về phân bón cũng như thuốc bảo vệ thực vật.

 

Bà con nông dân xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) chăm sóc lúa hè thu - Ảnh: HOÀI NAM

 

Lúa ít “ăn” phân, thuốc

 

Trên cánh đồng Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa), nông dân Hoàng Văn Bé canh tác hơn 4 sào ruộng, trồng giống lúa thuần PY1, sạ 4kg/sào; lúa hiện trong giai đoạn mạ. Ông Bé cho biết: Trước đây theo tập quán, tôi thường sạ 10 kg/sào rồi giảm xuống 8kg/sào. Nay HTX vận động tôi sử dụng giống lúa thuần, giảm lượng giống gieo sạ. Sạ thưa, tôi thấy lúa ít “ăn” phân hơn lúc còn sạ dày. Theo ông Bé, trước đây, 4 sào ruộng sạ dày thì mỗi lần vãi phân, ông đội ra ruộng 2 thúng phân; còn nay cũng canh tác 4 sào nhưng sạ thưa, ông chỉ dùng một thúng phân là đủ. Khi vãi phân xong, vài ngày sau ra thăm ruộng, ông thấy lá lúa xanh mượt mà.

 

Còn ông Phùng Văn Tấn ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), cho hay: Lúc trước tôi sạ 10kg/sào, khi “tấp” phân xuống ruộng, chưa được một tuần lá lúa đã ngả sang màu vàng nên một vụ lúa phải vãi 4 đợt phân trong giai đoạn lúa non, mạ, làm đòng và “chăm sóc” lá đòng. Còn nay, cũng trong giai đoạn này, nếu sạ thưa 4 kg/sào, khi vãi phân lúa xanh kéo dài hơn 10 ngày nên chỉ cần vãi 3 lần/vụ.

 

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, nếu sạ dày 10kg/sào như trước đây thì mỗi hộ canh tác 6-7 sào, một vụ phải mua 2 bao phân tốn trên 800.000 đồng. Nay sạ thưa 4kg kg/sào, người dân chỉ tốn 400.000 đồng tiền phân, giảm một nửa. “Các nhà khoa học phân tích một gia đình có 6 người mỗi lần ăn nấu 3 lon gạo, còn gia đình 4 người, mỗi lần ăn nấu chỉ 2 lon gạo. Trên đám ruộng sạ dày, sạ thưa cũng tương tự như vậy”, ông Tân nói.

 

Bà Phan Thị Liên ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), ra thăm đồng cho hay: Mấy vụ trước tôi sạ dày, sau khi hơn một tháng ruộng lúa có rầy đeo bám, tôi mua thuốc thuê công phun trừ rầy tốn gần 200.000 đồng. Vụ này tôi sạ thưa, cây lúa gần 45 ngày tuổi nhưng chưa có hiện tượng rầy gây hại.

 

Theo bà Trần Huệ Hoa Huyền Huyền, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, ruộng sạ dày thường có rầy bùng phát gây hại, đặc biệt là rầy nâu, nông dân phải tốn tiền mua thuốc phun. Có đám ruộng do mật độ sạ dày, nông dân phun 2-3 lần thuốc mới diệt được rầy, không chỉ mất tiền mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

 

Năng suất cao

 

Tại huyện Phú Hòa, vụ hè thu này, 12 HTX trong huyện triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao trên tổng diện tích 100ha, hiện cây lúa phát triển tốt, chưa phát hiện sâu bệnh hại. Vụ đông xuân vừa qua, Phòng NN-PTNT huyện cũng đã triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với 217,2ha gồm 6 giống: AN27, ANS1, ML202, CH133, BĐ258, ĐV108. Kết quả mô hình đạt năng suất trên 70 tạ/ha, cao hơn 5 tạ/ha so với năng suất lúa bình quân của tỉnh; trong đó, giống ANS1 đạt năng suất trên 80 tạ/ha, giống AN27 đạt năng suất cao nhất 98 tạ/ha. Ông Nguyễn Siêng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa, cho biết: Mô hình giảm mật độ gieo sạ đã góp phần nâng cao nhận thức của bà con tham gia mô hình. Thay vì giữ tập quán canh tác sạ dày, sử dụng lúa thịt làm giống…, bà con đã biết sử dụng lúa giống từ cấp xác nhận trở lên, gieo sạ 3-4kg/sào và giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Mới đây, tại số điểm gặt về giống này, chúng tôi thành lập hội đồng HTX gặt thí điểm trên ruộng lúa nông dân, có đám ruộng năng suất đạt bình quân trên 80 tạ/ha.

 

Theo số liệu điều tra của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Duyên hải Nam Trung Bộ, khi gieo sạ trên 150kg/ha (7,5kg/sào), chi phí sản xuất trung bình từ 22-25 triệu đồng/ha, với năng suất lúa đạt từ 60-65 tạ/ha thì giá thành sản xuất khoảng 3.800 đồng/kg lúa (chiếm trên 50% giá bán trên thị trường). Còn nếu sạ thưa dưới 100kg/ha (dưới 5kg/sào) thì chi phí sản xuất không quá 20 triệu đồng/ha, năng suất đạt từ 75-80kg/ha.

 

Tại hội nghị Giới thiệu mô hình giảm lượng giống sạ và ứng dụng gói kỹ thuật trong sản xuất lúa các tỉnh Nam Trung Bộ được tổ chức tại Phú Yên vừa qua, ông Nguyễn Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho rằng mật độ gieo dày sẽ làm tăng chi phí về phân bón, thuốc phòng trừ sâu, bệnh, làm cho sản phẩm có chất lượng thấp, giảm tính cạnh tranh trên thị trường. Muốn nâng cao hiệu quả sản xuất lúa cần phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải pháp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm lượng giống gieo sạ, nâng cao năng suất. TS Lê Quốc Thanh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN-PTNT), cũng cho hay: Giảm lượng gieo sạ, không có nghĩa là giảm năng suất mà ngược lại nông dân có cơ hội sử dụng giống xác nhận. Khi nông dân sử dụng lúa có phẩm cấp thì sản phẩm sẽ tiếp cận rộng rãi với thị trường hơn.

 

Để nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất lúa, thời gian qua, Sở NN-PTNT Phú Yên luôn khuyến cáo các địa phương áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón (đạm), giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu) trong sản xuất lúa. Việc thực hiện mô hình này không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm chi phí cho người nông dân.

 

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên

 

LÊ TRÂM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek